“Đại học CAND thông minh”- xu thế tất yếu
Trong chặng đường xây dựng và phát triển của lực lượng CAND 77 năm qua, các học viện, trường CAND đã không ngừng nỗ lực phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, từng bước hội nhập với hệ thống giáo dục quốc dân. Các trường CAND luôn chủ động đổi mới, ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ vào công tác quản lý, vào dạy và học với mong muốn xây dựng “đại học thông minh”, góp phần đào tạo ra những cán bộ CAND giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng 4.0 và một nền giáo dục mở.
Cách đây 6 năm, vào tháng 10 năm 2016, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã triển khai vận hành “Học viện CSND điện tử” theo định hướng và mô hình điều hành của Chính phủ điện tử. Sau gần 6 năm triển khai, mô hình “Học viện CSND điện tử” đã thu được những kết quả rất khả quan. Việc điều hành của Học viện đã thực hiện hoàn toàn trên hệ thống các phần mềm, trong đó phần mềm “hệ thống văn bản và điều hành”được ví như “trái tim”của "Học viện CSND điện tử", đóng vai trò cốt lõi không thể thiếu. Phần mềm hệ thống văn bản và điều hành đã giúp chuẩn hoá hoạt động quản lý, điều hành của Học viện; giúp tiết kiệm chi phí,thời gian đi lại, tạo phong cách và phương pháp làm việc khoa học, chính xác, tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, tư duy sáng tạo và chủ động của đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Ngoài phần mềm này, Học viện CSND còn có gần 40 phần mềm ứng dụng được xây dựng theo mô hình cơ sở dữ liệu dung chung. Hệ thống cho phép kết nối, liên thông, kế thừa công nghệ để dễ dàng nâng cấp, mở rộng. Đến nay, 100% các đơn vị trong Học viện CSND đều có cổng thông tin trên mạng nội bộ, Học viện cũng xây dựng cổng thông tin trên mạng nội bộ và Internet bao gồm cả Tiếng Việt và Tiếng Anh…
Học viện CSND cũng đã đầu tư trang bị nhiều phòng máy tính chuyên dùng để phục vụ đào tạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thực hành các môn Tin học, Ngoại ngữ và các môn chuyên ngành khác; tổ chức thi kiểm tra theo hình thức thi trắc nghiệm, thực hành…
Học viện triển khai dự án“Xây dựng thư viện điện tử” do tổ chức Koica tài trợ và đưa vào khai thác sử dụng. Đây được xem là thư viện hiện đại nhất trong các trường CAND với hàng vạn đầu sách được số hoá và kết nối, chia sẻ dữ liệu số trong hệ thống mạng LAN…
Cũng như Học viện CSND, trong những năm qua, Học viện An ninh nhân dân (ANND) đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt công tác của Học viện, nhằm xây dựng “Học viện ANND điện tử”, tạo điều kiện cho chuyển đổi số. Bên cạnh hệ thống phần mềm chuyên dụng và hệ thống phần mềm thương mại đóng gói, các phần mềm mới được xây dựng theo mô hình liên thông của Học viện điện tử như: phần mềm quản lý chương trình đào tạo, phần mềm xếp lịch học, phần mềm quản lý thi đua khen thưởng…
Thiếu tá, TS Trần Nghi Phú, Phó Chánh Văn phòng Học viện ANND cho biết: Một trong những điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt lớn với các trường đại học ngoài ngành là các trường CANDcó nhiều nội dung quản lý, giảng dạy và nghiên cứu thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Do đó, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo lưu trữ, xử lý, khai thác dữ liệu phải được triển khai thành 3 nhóm độc lập, đảm bảo yêu cầu bảo vệ bí mật Nhà nước. Điều này khiến cho việc xây dựng “nhà trường thông minh” trong CAND mang những đặc thù riêng với những thuận lợi và khó khăn song hành.
Với mục tiêu xây dựng, phát triển Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (PCCC) thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đầu ngành về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại Việt Nam, Trường Đại học PCCC cũng đã xác định phải đổi mới tư duy và công tác giáo dục đào tạo trong tình hình mới phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tức là phải nghiên cứu, xây dựng nhà trường theo các tiêu chí của“mô hình trường đại học 4.0”.
Theo Thiếu tướng Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC, nhà trường đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục, giảng dạy và học tập. Hiện nay đã triển khai nhiều phần mềm phục vụ công tác quản lý đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học theo các lĩnh vực khác nhau; xây dựng nhiều phòng học thông minh, phòng học chuyên đề, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực như Tiếng Anh, Tin học, Vật lý, Hoá học; thực hành ôtô, máy bơm, hệ thống chữa cháy tự động; các phòng thử nghiệm khả năng chống cháy, trung tâm huấn luyện, thực hành về PCCC&CNCH.
Nhà trường cũng đã trang bị bảng tương tác thông minh cho nhiều phòng học chuyên dùng; 100% phòng học được trang bị hệ thống máy chiếu, máy tính; xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống thư viện điện tử, trường bắn điện tử, trung tâm công nghệ thông tin, website, mạng LAN hệ thống camera giám sát giảng đường; 100% đội ngũ giảng viên được trang bị máy tính xách tay để phục vụ công tác chuyên môn…
Những kết quả trên đã giúp cho công tác giáo dục đào tạo của Trường Đại học PCCC đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ Cảnh sát PCCC&CNCH của lực lượng CAND trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Đăng Tiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND, trong xu thế đổi mới giáo dục đại học, nhà trường đã không ngừng đổi mới để hướng tới mô hình đại học thông minh. Hiện nay, nhà trường đã trang bị hệ thống phòng học thực hành các chuyên ngành tương đối đầy đủ và hiện đại, phục vụ tốt cho "trường học thông minh" như hệ thống máy tính nối mạng Internet băng thông rộng, bảng tương tác thông minh, máy tính xách tay cho giáo viên, hệ thống các phần mềm xây dựng giáo án điện tử, hệ thống các phần mềm quản lý, hệ thống camera giám sát và điều khiển các hoạt động trong lớp học và các khu vực quan trọng trong nhà trường; triển khai hệ thống quản lý ra vào thông minh và hệ thống quản lý luồng công việc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như các hoạt động khác của trường. Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ cho "đại học thông minh", cần phải đầu tư thêm nhiều hạng mục về cơ sở vật chất như phòng thu âm, ghi hình để xây dựng bài giảng E-learning; hệ thống phần mềm quản lý và xây dựng lớp học, phòng học thực tại ảo, số hoá dữ liệu và bài giảng điện tử và học liệu số; hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý giáo dục…
Theo Đại tá Tống Văn Khuông, Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND, trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Học viện Chính trị CAND xác định xây dựng "đại học thông minh" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá cần ưu tiên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm thay đổi phương thức quản trị thích ứng với xu thế phát triển thời đại ứng dụng công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0; hình thành tư duy, tác phong làm việc khoa học, hiện đại, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giảm giấy tờ, văn bản giấy, nâng cao chất lượng giải quyết công việc, đẩy nhanh xây dựng mô hình “Học viện thông minh“. Học viện Chính trị CAND sẽ tập trung xây dựng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin đồng bộ; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt công tác. Triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia trong ngành giáo dục, trong đó tập trung phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.