Công an tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh tuyên truyền Luật Căn cước đến người dân

Thứ Năm, 23/05/2024, 06:55

Tuyên truyền nội dung Luật Căn cước với nhiều hình thức như thông qua mạng xã hội, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Luật Căn cước, dựng các video tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Thái, tiếng Mông, giúp người dân nắm rõ và nhận thức được những lợi ích khi Luật Căn cước có hiệu lực. Đó là những cách làm hay của Công an tỉnh Hòa Bình trong công tác chuẩn bị các điều kiện để triển khai thi hành Luật Căn cước từ ngày 1/7 tới đây.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Cấp căn cước theo yêu cầu đối với công dân dưới 14 tuổi là một trong những nội dung mới của Luật Căn cước. Để phục vụ cho công tác cấp căn cước cho nhóm đối tượng này, Công an tỉnh Hòa Bình đã tổ chức điều tra cơ bản số công dân trong độ tuổi dưới 14 tuổi, bao gồm trẻ em từ 1 tuổi đến dưới 6 tuổi và từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, Công an tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền những điểm mới, tiện ích của thẻ căn cước… đến giáo viên, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh.

Trường THCS Sông Đà là một trong những trường đã được Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền về Luật Căn cước. Theo cô Đinh Thị Thiên, Hiệu trưởng Trường THCS Sông Đà, để chuẩn bị triển khai thi hành Luật Căn cước từ ngày 1/7, Công an phường Tân Thịnh và Công an TP Hòa Bình đã tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Căn cước đến toàn thể thầy, cô giáo và học sinh trong trường với 2 hình thức là tuyên truyền trực tiếp và tuyên truyền thông qua tờ rơi.

Công an tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh tuyên truyền Luật Căn cước đến người dân -0
Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức tuyên truyền nội dung Luật Căn cước đến giáo viên, học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh.

 “Đối với học sinh, các em sẽ được tuyên truyền về những tiện ích khi làm thẻ căn cước như việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu sẽ mang lại nhiều tiện ích trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh (như không cần phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, sổ tiêm chủng…) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày. Khi học sinh của trường đủ 14 tuổi, với sự hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ Công an, các em sẽ được hướng dẫn và làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, phục vụ cho các hoạt động thi cử và giao dịch khi cần thiết. Về phía giáo viên trong trường, chúng tôi cũng được giải đáp nhiều câu hỏi như không phải đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước khi Luật Căn cước có hiệu lực thi hành, chỉ đổi khi hết hạn thẻ hay việc thay đổi thông tin trên mặt thẻ căn cước từ nơi thường trú bằng nơi cư trú, từ quê quán bằng nơi đăng ký khai sinh sẽ đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân cũng như đảm bảo quyền lợi cho mọi công dân”, cô Đinh Thị Thiên chia sẻ.

Không chỉ Trường THCS Sông Đà, các trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình luôn phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Hòa Bình trong công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và Luật Căn cước nói riêng dành cho đối tượng giáo viên, học sinh.

Lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân

Theo Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hòa Bình, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc mà trực tiếp là Đại tá Đỗ Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh đã nỗ lực trong công tác cấp Căn cước công dân (CCCD); định danh điện tử đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” cũng như tuyên truyền Luật Căn cước phục vụ triển khai thi hành Luật Căn cước từ ngày 1/7/2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đến nay, số lượng công dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được cấp CCCD là 728.073 công dân từ đủ 14 tuổi đủ điều kiện, đạt 99,4%. Về công tác cấp tài khoản định danh điện tử, hiện toàn tỉnh đã cấp 495.797 tài khoản định danh điện tử đạt 68% trên tổng số công dân đã được cấp CCCD trên địa bàn. Công an cơ sở, đặc biệt lực lượng Công an cấp xã chủ động rà soát công dân thuộc các nhóm lứa tuổi, cụ thể từ 0 đến 6 tuổi và từ 7 đến 13 tuổi; nhóm đủ 14 tuổi và nhóm trên 14 tuổi đảm bảo dữ liệu thông tin công dân.

Công an tỉnh còn tăng cường công tác tuyên truyền các thông tin về Luật Căn cước thông qua mạng xã hội như zalo, facebook. Đặc biệt, địa bàn tỉnh Hòa Bình là nơi tập trung 7 dân tộc cùng sinh sống như Thái, Mường, Mông…. Chính vì vậy, để tăng cường hiệu quả cho công tác tuyên truyền, Công an tỉnh Hòa Bình đã chủ động thực hiện các video clip bằng tiếng Mường, Thái, Mông… để mọi người dân đều có thể nắm bắt được thông tin. Đến nay, toàn tỉnh đã đăng tải trên 50 phóng sự, hơn 500 tin bài qua các trang fanpage, zalo, facebook; tổ chức 30 lượt tuyên truyền tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, đồng thời tuyên truyền qua loa, đài tại các nhà văn hóa, tổ dân phố, thôn, xóm với trên 588.978 lượt công dân tiếp cận, từ đó tuyên truyền sâu rộng lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về những tiện ích Luật Căn cước mang lại và người dân đều đồng tình, hưởng ứng.

Hiện nay, Công an tỉnh Hòa Bình cũng đang triển khai phát động cuộc thi tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử theo 2 hình thức trực tuyến và thi viết. Công an tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh phát động cuộc thi trên địa bàn toàn tỉnh.

Nguyễn Hương - Minh Hiền
.
.