Công an Nghệ An đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật tại địa bàn biên giới
Nằm trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”, chiều 2/6, Hội Phụ nữ, Công đoàn Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn tại xã biên giới Na Ngoi.
Tại buổi tuyên truyền, đông đảo bà con nhân dân địa phương đã được các tuyên truyền viên trong Công an Nghệ An phổ biến nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống ma túy như: tình hình các loại tội phạm ma túy trên địa bàn; âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm buôn bán ma túy; quy định của pháp luật về tội phạm ma túy; các loại ma túy và nguồn gốc, tác hại, hậu quả của ma túy cùng những hệ lụy của tệ nạn này. Bên cạnh đó, cán bộ Công an cũng truyền tải nhiều nội dung, kiến thức phù hợp với thực tế, giúp người dân có kỹ năng tự phòng ngừa trước hiểm họa của ma túy.
Ngoài các nội dung về phòng chống ma túy, tại buổi tuyên truyền, với những hình thức hướng dẫn trực quan, sinh động, dễ tiếp cận, bà con nhân dân trong xã còn được tuyên truyền viên hướng dẫn về các biện pháp phòng tránh và xử lý khi gặp tai nạn đuối nước. Thông qua đó, trang bị thêm cho người dân kiến thức về phương pháp, kỹ năng phòng chống, nhằm hạn chế các vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc xảy ra.
Trong khuôn khổ chương trình, 500 móc khóa an ninh trật tự đã được trao tận tay cho người dân trên địa bàn. Mỗi móc khóa được thiết kế nhỏ gọn, dễ mang theo người, có in số điện thoại trực ban của Công an xã Na Ngoi. Từ móc khóa này, người dân có thể nhanh chóng báo tin cho lực lượng Công an tại cơ sở khi phát hiện và tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, ban tổ chức cũng đã trao 40 suất quà trị giá gần 40 triệu đồng tặng người dân và các em học sinh có hành cảnh khó khăn vươn lên vượt khó tại xã.
Cũng dịp này, Công an xã Na Ngoi đã ra mắt mô hình “Hệ thống chính trị và doanh nghiệp chung tay góp sức, giáo dục người tái hòa nhập cộng đồng”. Đây là mô hình thiết thực với mục đích huy động các cơ quan, đoàn thể, tổ chức quần chúng, doanh nghiệp cùng chung tay, xóa bỏ mặc cảm, giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho những người lầm lỡ trở về địa phương ổn định cuộc sống, tham gia các mặt công tác xã hội, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn. Qua đó cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Công an xã và các ban, ngành, đoàn thể các cấp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn.