Công an miền núi ở Quảng Nam tích cực tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm

Thứ Ba, 21/03/2023, 05:34

Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn (Quảng Nam) liên tiếp xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) làm nhiều người ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, trong đó 1 trường hợp đã tử vong, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Trước thực tế đó, Công an huyện Phước Sơn đã chỉ đạo Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống NĐTP trên địa bàn.

Trong số các vụ NĐTP xảy ra tại huyện Phước Sơn có vụ ngộ độc tại thôn 2, xã Phước Đức vào ngày 7/3. Cụ thể, 4 người tham gia bữa ăn trưa tại nhà bà Hồ Thị Nh. (trú thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) đã bị NĐTP được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam điều trị. Sau đó, đến ngày 13/3, bệnh nhân Nguyễn Thị Th. (SN 1983, trú xã Phước Đức) tử vong.

an toan thuc pham-ngoc thi.jpg -0
Công an xã Phước Đức, huyện Phước Sơn phối hợp cán bộ Trạm Y tế xã tuyên truyền, vận động chủ cơ sở nấu ăn trên địa bàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thiếu tá Lê Minh Hải, Trưởng Công an xã Phước Đức cho biết, sau khi xảy ra vụ NĐTP trên địa bàn xã, lực lượng Công an xã đã tổ chức thăm hỏi gia đình người bị ngộ độc; đồng thời tổ chức nắm tình hình ANTT tại địa phương, thực hiện công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý người dân và đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân “ăn chín, uống sôi”, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Theo Công an xã Phước Đức, công tác đảm bảo ATTP được Công an xã thực hiện nghiêm túc, thường xuyên phối hợp với Trạm Y tế xã và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, cơ sở nấu ăn thực hiện đúng các quy định về ATTP, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với 3 quán ăn dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn xã và bếp ăn nội trú của Trường Tiểu học & THCS Kim Đồng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, chủ quán ăn Kim Phượng tại xã Phước Đức cho biết, thời gian qua, lực lượng Công an xã thường xuyên phối hợp với cán bộ Trạm Y tế tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP; tổ chức cho cơ sở nấu ăn của bà Phượng ký cam kết về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống NĐTP xảy ra.

Thượng tá Nguyễn Duy Khánh, Phó Trưởng Công an huyện Phước Sơn cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Phước Sơn ghi nhận có 3 vụ NĐTP tại các xã Phước Đức, Phước Chánh, Phước Kim làm 10 người đồng bào Giẻ Triêng bị ngộ độc, trong đó 1 bệnh nhân tại xã Phước Đức đã tử vong. Nguyên nhân ban đầu của các vụ việc được xác định là do người dân đã chế biến, sử dụng các thực phẩm chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn (làm món cá chép ủ chua, một món ăn truyền thống của người dân, do gia đình tự chế biến gồm cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt sau đó ủ trong hũ kín khoảng 1-2 tuần có khả năng chứa vi khuẩn Clostridium Botilinum type E).

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống NĐTP, đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn, lãnh đạo Công an huyện Phước Sơn đã yêu cầu Công an các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tham mưu cho UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền, vận động rộng rãi đến quần chúng nhân dân thực hiện “ăn chín, uống sôi”; cảnh báo, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng, chống NĐTP nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng thức ăn không đảm bảo an toàn, nguy cơ cao NĐTP trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các loại thức ăn truyền thống như gỏi cá, cá chua, tiết canh…

Tuyên truyền cho bà con nhân dân khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ NĐTP sau khi ăn như buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị, chuyển tuyến kịp thời, hạn chế thấp nhất NĐTP dẫn đến tử vong.

Theo TS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, đến ngày 20/3, trong số các bệnh nhân bị NĐTP đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam vẫn còn 3 bệnh nhân nặng, phải thở máy. Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử tổ công tác mang theo 5 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc tố Clostridium Botulinum.

Để giảm thiểu, hạn chế tối đa NĐTP phẩm trong thời gian tới, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua; không sử dụng các thực phẩm lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng...; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua...

Sở Y tế cũng đề nghị Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến vụ NĐTP để phát hiện sớm, tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, trường hợp có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời; đồng thời phối hợp với Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh Quảng Nam và các đơn vị chức năng xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc để công khai kết quả, kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Các đơn vị y tế trên toàn ngành nhanh chóng báo cáo về Sở Y tế khi các bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện do nghi ngờ liên quan đến NĐTP để cơ quan chức năng tổ chức điều tra, thực hiện lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm (nếu có) gửi Viện Pasteur Nha Trang hoặc các viện chuyên ngành để xác định nguyên nhân, chỉ đạo xử lý và điều trị kịp thời. Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam sẵn sàng phối hợp hội chẩn từ xa, tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến để điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối thiểu trường hợp diễn biến nặng, tử vong xảy ra do NĐTP.

Ngọc Thi
.
.