Tỏa hương trong “vườn hoa” Công an xã

Thứ Hai, 20/03/2023, 06:43

Vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, các nữ cán bộ Công an xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo ANTT từ cơ sở, là lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06, số hóa tàng thư…

Xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) tiếp giáp với huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, dân số khoảng 10.600 người, là địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT. Hiện Công an xã Đại Hiệp có 5 cán bộ, trong đó có 1 nữ cán bộ là Đại úy Lương Thị Kim Như  (SN 1986).

nu cong an xa 2-ngoc thi.jpg -0
Thượng úy Lê Thị Quý Nguyệt, cán bộ Công an xã Đại Minh, huyện Đại Lộc hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Trò chuyện cùng PV Báo CAND, Đại úy Lương Thị Kim Như chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp CSND 2 tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2007, chị được bố trí công tác tại Công an huyện Đại Lộc. Trải qua một số đội nghiệp vụ thuộc Công an huyện này, đến tháng 10/2020, chị được điều động về Công an xã Đại Hiệp.

“Giai đoạn đầu mới về xã tôi cũng bỡ ngỡ lắm, vì phải làm quen với môi trường mới, khối lượng công việc của lực lượng Công an xã nhiều. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Công an huyện và chỉ huy Công an xã nên tôi đã nhanh chóng thích nghi với công việc của mình”, Đại úy Lương Thị Kim Như tâm sự.

Gần 3 năm về công tác tại Công an xã Đại Hiệp, Đại úy Lương Thị Kim Như đã nỗ lực cùng tập thể Công an xã đảm bảo giữ vững tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt, Đại úy Lương Thị Kim Như đã đóng vai trò nòng cốt trong việc triển khai Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Đề án 06 trên địa bàn xã, phối hợp với Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Đại Lộc triển khai cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip cho người dân.

Từ ngày 1/1/2023, thực hiện chủ trương bỏ sổ hộ khẩu, một số công dân đi giải quyết thủ tục hành chính đã đến Công an xã Đại Hiệp để xin giấy xác nhận cư trú khi các cơ quan ban, ngành chưa có sự đồng bộ, thống nhất về sử dụng CCCD gắn chip thay thế sổ hộ khẩu. Do đó, Đại úy Lương Thị Kim Như phải trực tiếp giải thích cho công dân và các ban, ngành về việc này nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân làm các thủ tục hành chính không cần sổ hộ khẩu.

“Ngoài nhiệm vụ chính được phân công trong công tác QLHC về TTXH, tôi còn là Cảnh sát khu vực phụ trách thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp. Do đó, tôi thường xuyên bám sát địa bàn thôn để nắm bắt tình hình ANTT. Mặc dù có con nhỏ, phải vừa quán xuyến việc gia đình, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan, song tôi luôn nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhất cả công việc nhà và công việc cơ quan”, Đại úy Lương Thị Kim Như bày tỏ.

Ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, chúng tôi gặp Thượng úy Lê Thị Quý Nguyệt. Được điều động về đây từ tháng 10/2020, Thượng úy Lê Thị Quý Nguyệt cho biết, hiện nhà chị ở xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn. Vợ chồng chị có một con gái 25 tháng tuổi, trong khi chồng chị cũng cùng ngành, công tác xa cuối tuần mới về nhà nên chị phải thu xếp hài hòa giữa việc chăm sóc con nhỏ và công việc cơ quan.

“Với địa bàn có hơn 10.000 người dân như xã Đại Minh thì việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất vất vả, tôi phải làm việc liên tục, thậm chí nhiều hôm phải làm đến 22-23h để đẩy nhanh tiến độ công việc. Bên cạnh đó, cùng với Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Đại Lộc, chúng tôi đã thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để cấp CCCD gắn chip cho người già yếu, tàn tật. Hiện nay, tôi còn đang khẩn trương thực hiện số hóa tàng thư nữa”, Thượng úy Lê Thị Quý Nguyệt chia sẻ.

Ngoài ra, chị hiện đảm nhận thêm vai trò Cảnh sát khu vực phụ trách thôn Phú Phước, xã Đại Minh. Và, thứ năm hằng tuần, chị còn xông xáo tham gia công tác đăng ký xe máy, phục vụ nhu cầu của người dân tại Công an xã Đại Minh.

Theo Trung tá Trần Minh Quang, Trưởng Công an xã Đại Minh, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của Thượng úy Lê Thị Quý Nguyệt nên lãnh đạo Công an huyện Đại Lộc và chỉ huy Công an xã luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để chị hoàn thành nhiệm vụ của mình. “Trong 5 cán bộ Công an xã chỉ có đồng chí Nguyệt là nữ nên anh em rất đồng cảm, chia sẻ. Ngoài công tác chuyên môn, Nguyệt còn là “chị nuôi” của Công an xã, thường đi chợ, nấu ăn buổi trưa cho chúng tôi. Không những giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, Nguyệt còn là nữ cán bộ tình cảm, gần gũi, luôn hòa nhã với người dân, đồng nghiệp”, Trung tá Trần Minh Quang đánh giá.

Thiếu tá Hồ Thị Huyền Trang, Chủ tịch Hội Phụ nữ (HPN) Công an huyện Đại Lộc biết, hiện có 11 nữ cán bộ Công an đang công tác tại 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đa số các nữ cán bộ Công an ở cơ sở đảm nhận nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết các thủ tục hành chính. Thời gian qua, bên cạnh công tác chuyên môn, các nữ cán bộ Công an xã còn tích cực tham gia các hoạt động của HPN Công an huyện Đại Lộc, thể hiện sâu sắc vai trò “đảm việc nước, giỏi việc nhà”, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tin yêu.

Còn Thiếu tá Hồ Thị Minh Huệ, Chủ tịch HPN Công an tỉnh Quảng Nam đánh giá rằng, thực hiện Đề án Công an xã chính quy, nhiều nữ cán bộ đã tình nguyện viết đơn về cơ sở. Khi về cơ sở, với khối lượng công việc lớn, các nữ cán bộ Công an đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ từ công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính đến hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân trong phòng, chống dịch COVID-19, phòng, chống thiên tai và thu hoạch lúa, hoa màu giúp người dân “chạy lũ”. Các nữ cán bộ Công an xã đã phát huy tốt vai trò của mình ở cơ sở, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn ANTT từ cơ sở.

Ngọc Thi
.
.