Công an hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm
Quệt ngang giọt mồ hôi đang đổ xuống cay nhòe đôi mắt trong cái nắng gắt của buổi trưa Tây Nguyên, Thượng úy Lê Xuân Đông, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Lâm Đồng gồng hết sức mình hất tung bao tải đầy bắp sú lên thùng xe. Đây là chuyến hàng nông sản thứ 5 Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Lâm Đồng thực hiện để hỗ trợ tiêu thụ rau, củ, quả cho bà con nông dân, cũng là việc làm thiện nguyện, chia sẻ khó khăn với nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Nhiều tuần qua, trên các cánh đồng rau ở TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng, hằng ngày vẫn thấp thoáng trang phục Công an nhân dân hỗ trợ nhà vườn thu hoạch nông sản, mua và vận chuyển tới ủng hộ bà con trong vùng phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh...
Dịch bệnh đã khiến thị trường rau, hoa ở TP Đà Lạt và vùng lân cận vào tình trạng “đóng băng”. Nhiều mặt hàng hầu như không tiêu thụ được. Ở làng hoa Thái Phiên, TP Đà Lạt, những vạt hoa cúc nở vàng rực nhưng vẫn không có người mua, đa phần phải nhổ bỏ.
Ông Nguyễn Văn Thu, người có 30 kinh nghiệm trồng hoa cho biết, chưa bao giờ người trồng hoa ở Đà Lạt lại gặp khó khăn về đầu ra như hiện nay. Nhiều tuần qua, hầu hết các loại hoa không thể tiêu thụ được hoặc chỉ tiêu thụ với số lượng rất nhỏ.
Theo ông Thu, khoảng 70% các loại hoa ở Thái Phiên được bán ở chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh. Khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16 thì các chợ đầu mối ngừng nhập hoa, buộc nông dân ở Đà Lạt phải nỗ lực tiếp cận thị trường miền Trung và phía Bắc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng hoa tiêu thụ ở thị trường này cũng giảm mạnh do nhiều tỉnh, thành đã áp dụng các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh.
Người trồng rau ở Đà Lạt cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn tương tự. Các loại rau ngắn ngày (xà lách, cô rôn, cải cúc...) gần như không tiêu thụ được. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ngụ phường 8, TP Đà Lạt cho biết, giá các loại rau giảm mạnh cùng với việc chi phí vận chuyển quá cao khiến người trồng rau có bán được với giá thấp thì vẫn thua lỗ. Trung bình, trồng 1.000m2 xà lách chi phí đầu tư hết khoảng 25 triệu đồng trong khi giá loại rau này hiện tại chỉ 4.000-5.000 đồng/kg nhưng rất ít người mua. Vừa qua, gia đình bà Nhàn đã phải phá bỏ khoảng 20 tấn rau xà lách, mất trắng hơn 100 triệu đồng vốn đầu tư.
Theo ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, phường 12, TP Đà Lạt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng rau của hợp tác xã bán ra giảm tới 60% so với trước đây. Hiện các mặt hàng còn giữ được thị trường hầu hết cung cấp vào hệ thống siêu thị nhưng với số lượng rất hạn chế.
Trước những khó khăn của người trồng rau, hoa, các cấp chính quyền ở Lâm Đồng, trong đó có lực lượng Công an đang nỗ lực hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, kích cầu lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành. Công an các đơn vị, địa phương ở Lâm Đồng đang tăng cường tiêu thụ nông sản cho người dân thông qua các chương trình thiện nguyện, vận động các tổ chức, cá nhân thu mua hàng nghìn tấn nông sản vận chuyển tới ủng hộ đồng bào đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19 ở các tỉnh, thành phía Nam.
Thượng tá Lê Thái, Trưởng Công an huyện Đức Trọng cho biết, Công an huyện đã hỗ trợ thu mua hàng trăm tấn nông sản cho nông dân địa phương.
Công an TP Đà Lạt, các phòng nghiệp vụ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã liên tục ra quân thu mua nông sản cho người dân. Hàng nghìn tấn rau, củ, quả đã được lực lượng Công an vận chuyển tới các tỉnh, thành vùng tâm dịch phía Nam. “Qua đó, thể hiện được nghĩa cử cao đẹp, hình ảnh gần gũi, sẻ chia tương trợ của lực lượng Công an đối với bà con nông dân địa phương và nhân dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh!..”, Thượng úy Lê Xuân Đông, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã đề nghị các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Trong đó, ưu tiên duy trì và phát triển sản xuất đối với các sản phẩm có đầu ra ổn định, có liên kết, hợp đồng tiêu thụ ổn định.
Sở NN&PTNT Lâm Đồng đang vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường liên kết, thu mua nông sản cho nông dân. Đặc biệt, sở này khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở rộng công suất thu mua, chế biến, nhất là hệ thống kho lạnh để nâng cao sản lượng dự trữ nông sản nhằm chủ động phân phối sản phẩm hợp lý, phù hợp với diễn biến từng thời điểm của dịch bệnh COVID-19.