Tạo điều kiện giúp nông dân tìm đầu ra cho nông sản

Thứ Bảy, 14/08/2021, 07:51

Một tuần qua, sức mua một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại TP Cần Thơ tăng. Lượng hàng hóa thiết yếu được nhập về để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn trung bình khoảng 90.000 tấn/ngày.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết từ khi giãn cách xã hội, thành phố thành lập 47 điểm bán hàng bình ổn giá và mô hình "đưa chợ ra phố", giúp bà con tại các địa phương tiêu thụ nông sản. Hàng nông sản cũng đến được với 8 siêu thị, 134 cửa hàng tiện ích đang hoạt động trên toàn thành phố, cung cấp hàng hóa dồi dào cho người tiêu dùng.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ thông tin, để hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản, sở đã thống kê sản lượng nông sản của HTX và bà con nông dân với từng chủng loại cụ thể, phối hợp với Sở Công thương đưa các mặt hàng nông sản vào siêu thị, cửa hàng tiện ích, các nhóm bán hàng… TP Cần Thơ đã phối hợp với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT và các tỉnh, thành đưa sản phẩm của nông dân tại các HTX, tổ hợp tác quảng bá, giới thiệu trên các website, sàn giao dịch điện tử.

Tạo điều kiện giúp nông dân tìm đầu ra cho nông sản -0
 Cần nhiều giải pháp để giải cứu nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tại Đồng Tháp, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác, bộ phận giúp việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, lưu thông nông sản và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, đề nghị nhanh chóng thống kê sản lượng nông sản các loại sắp thu hoạch và cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Tổ công tác tiêu thụ nông sản tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản trên các kênh thương mại điện tử. Theo báo cáo của Sở Công Thương, tỉnh Đồng Tháp tiêu thụ được hơn 500 tấn nông sản các loại, nhiều nhất là nhãn và bắp, sản lượng gần 400 tấn.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần tự lực tại chỗ, đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ lượng nông sản còn tồn đọng. Các huyện Tam Nông, Tháp Mười, Hồng Ngự, đã thành lập các gian hàng ký gửi các loại nông sản, các tổ kết nối giữa nông dân và các công ty, doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Mãnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tháp Mười cho biết do chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy nên nông sản tồn đọng. Hội Nông dân đã thành lập Nhóm Zalo với mô hình Hội Nông dân các xã tiêu thụ nông sản qua lại với nhau. Mô hình này hoạt động đã mang lại kết quả tích cực, giúp đỡ nông dân ở địa phương tiêu thụ nông sản hiệu quả với giá bán ổn định. Người dân tại địa phương mua được nông sản với giá hợp lý, đặc biệt đảm bảo công tác phòng, chống dịch hiệu quả khi mua sắm tại nhà.

Nhiều HTX tại ĐBSCL cũng tìm đầu ra cho nông sản để giúp các xã viên. Ông Lê Văn Suốt, Giám đốc HTX Thái Thanh (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) cho biết từ đây tới cuối vụ, HTX có khoảng 400 tấn thanh nhãn. Vừa qua, HTX đã kết nối được với Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group thu mua 2 tấn thanh nhãn với giá 35.000 đồng/kg để xuất khẩu và tiêu thụ.

Tương tự, HTX Nông nghiệp thương mại và Sản xuất dịch vụ Xuân Thành (xã Lương Hoà, huyện Châu Thành, Trà Vinh) đã kết nối với cung cấp rau màu cho một số doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất "3 tại chỗ". "Rau màu đem bán ngoài chợ đầu mối hoặc cho thương lái nhưng giá rất mềm, ngoài ra chi phí thuê xe cao quá nên khó đi hàng. Chúng tôi thay đổi cách kinh doanh là liên hệ trực tiếp với vài doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" cung cấp với sản lượng 1 tấn rau màu mỗi ngày cho bếp ăn của họ. Với hình thức này thì giá rau màu có nhỉnh hơn so với bán cho thương lái", ông Nguyễn Thành Luận - Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại và Sản xuất dịch vụ Xuân Thành nói.

Tạo điều kiện giúp nông dân tìm đầu ra cho nông sản -0
 Thanh long tại Tiền Giang được thu gom từ nhà vườn đến điểm tập kết của thương lái.

Tại Tiền Giang, theo báo cáo của Sở NN-PTNT, hơn 80.000 tấn trái cây đã cho thu hoạch. Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã đánh giá sản lượng thu hoạch từng loại nông sản để có giải pháp hỗ trợ, điều phối. Sở Công thương tỉnh đã tổng hợp danh sách các xe vận chuyển hàng nông sản, hàng xuất khẩu gửi Sở Công thương TP Hồ Chí Minh để kiểm soát và ưu tiên khi ra vào vùng dịch trách tình trạng ách tắc; phối hợp với Sở NN-PTNT rà soát đánh giá nhu cầu tiêu thụ của các hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ để hỗ trợ điều phối cung ứng hàng hóa và cung cấp thông tin các sản phẩm có nhu cầu liên kết tiêu thụ cho các đơn vị thu mua.

Văn Vĩnh
.
.
.