Công an Bắc Giang với nhiều biện pháp sáng tạo cấp căn cước cho người dân
Thực hiện Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Công an tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) và Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức rà soát, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa được cấp thẻ căn cước; những người có nhu cầu cấp đổi, cấp lại sang mẫu mới.
Trong tháng 10/2024, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH và Công an các huyện, thị xã, thành phố cử các tổ lưu động thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước. Đối tượng được cấp là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện và xã. Trong đó, ưu tiên các trường hợp đến độ tuổi phải đổi thẻ theo quy định của Luật Căn cước nhưng chưa được cấp, bao gồm: những người sinh từ tháng 9/1964 đến tháng 9/1966; sinh từ tháng 9/1984 đến tháng 1/1986; sinh từ tháng 9/1998 đến tháng 9/2001.
Trước khi làm thẻ căn cước theo mẫu mới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đăng nhập Cổng dịch vụ công bằng tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 để đăng ký trực tuyến. Đợt cao điểm nhằm phát huy vai trò xung kích, đi đầu của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH trong việc triển khai Luật Căn cước, Nghị định 69/2024/NĐ-CP, Nghị định 70/2024/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn.
Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở tập trung lực lượng, chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị máy móc, phục vụ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, tài khoản định danh điện tử cho công dân. Cùng với đó, thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư và thành lập các nhóm hỗ trợ nghiệp vụ, kỹ thuật, pháp lý, giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương.
Trước đó, trong tháng 8 và tháng 9/2024, Công an tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đợt cao điểm thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, tài khoản định danh điện tử cho người dân trên địa bàn nhằm chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Ngày truyền thống lực lượng CAND 19/8 (1945-2024). Theo đó, Công an tỉnh giao chỉ tiêu cho Công an các huyện, thị xã, thành phó thực hiện rà soát, tuyên truyền, vận động cấp căn cước cho tối thiểu 100.000 công dân dưới 6 tuổi. Với công dân từ 6 đến dưới 14 tuổi, các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động, tổ chức thu nhận hồ sơ cho 100% người có nhu cầu, phấn đấu cấp cho tối thiểu 5.000 trẻ.
Để đăng ký cho trẻ dưới 6 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 để thực hiện. Sau khi gửi hồ sơ thành công, hệ thống sẽ tự động chuyển đến cơ quan Công an nơi đăng ký để tiếp nhận, xử lý. Dựa vào số lượng công dân trên địa bàn, lực lượng Công an tiếp tục rà soát, cấp đổi, cấp lại cho người thuộc diện phải cấp, cấp đổi căn cước bảo đảm đủ điều kiện thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, nhất là nơi có thay đổi về địa giới hành chính.
Với công dân đã được phê duyệt tài khoản định danh điện tử nhưng chưa kích hoạt, Công an cấp xã tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo Tổ Công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn người dân kích hoạt. Ngoài ra, lực lượng Công an cũng thường xuyên cập nhật dữ liệu dân cư hoàn thành 100% chỉ tiêu công tác bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; quản lý cư trú đối với các trường hợp nhân khẩu đặc biệt, có di biến động, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Qua đó, phát hiện, xử lý các đối tượng truy nã đang lẩn trốn, các đối tượng vi phạm pháp luật giả mạo hồ sơ và thông tin.
Được biết, để tạo điều kiện tối đa cho người dân, ngoài các tổ cấp căn cước lưu động, tại bộ phận một cửa Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã bố trí thêm cán bộ để tiếp đón, hướng dẫn, hỗ trợ thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân. Thượng tá Ngô Văn Kiên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, đơn vị đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống phần mềm bảo đảm việc thu nhận, cấp căn cước được thuận lợi. Thẻ căn cước mới có nhiều ưu việt, có khả năng bảo mật cao, chống lại việc làm giả. Chíp điện tử trên thẻ có công nghệ xác thực thông tin qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.
Ông Nguyễn Tiến Quang, ở thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam cho biết, ông vừa đưa cháu ngoại đi làm thẻ căn cước tại Công an huyện, thủ tục nhanh gọn, chỉ 10-15 phút là xong. “Cháu tôi năm nay 8 tuổi, đi khám bệnh bằng thẻ BHYT phải mang theo thẻ học sinh lích kích nên tôi làm thẻ căn cước cho cháu, có tích hợp cả thẻ BHYT, vừa tiện, vừa dễ dùng. Tôi già không hiểu nhiều công nghệ nên được các cô Công an hướng dẫn khai báo trực tuyến rất tận tình. Tôi rất hài lòng khi đến đây làm thủ tục”, ông Quang cho biết.
Được biết, khi người dân đến bộ phận một cửa của Công an, công dân được cán bộ hướng dẫn thu nhận mống mắt, vân tay, hỗ trợ chụp ảnh gương mặt. Việc cấp thẻ căn cước đối với trẻ từ 0 đến 6 tuổi sẽ được cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Với nhóm tuổi này, khi làm thẻ căn cước cơ quan quản lý sẽ không thu nhận thông tin sinh trắc học ảnh mặt, vân tay và mống mắt. Trẻ từ 6 tuổi trở lên, việc cấp căn cước được thực hiện như người lớn. Trẻ đi cùng phụ huynh đến bộ phận một cửa của Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ Công an thực hiện thu nhận mống mắt, vân tay và chụp ảnh. Tất cả các quy trình chỉ mất 10-15 phút nên người dân không mất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi.
Cùng với việc tổ chức làm căn cước cho công dân, để mọi người hiểu rõ hơn về Luật Căn cước, Công an tỉnh Bắc Giang đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Căn cước. Qua đó, phát huy tiện ích của ứng dụng VNeID, đưa ứng dụng này thực sự trở thành công cụ số thiết thực để người dân nghiên cứu, tìm hiểu các chủ trương, chính sách, pháp luật.