Chia sẻ kinh nghiệm trong thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn
Những thông tin, kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ tại cuộc họp sẽ không chỉ hỗ trợ cho phía Lào mà còn cho cả các cơ quan chuyên môn của Việt Nam trong quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước CAT định kỳ nói riêng và Báo cáo quốc gia về thực thi các công ước quốc tế về quyền con người nói chung.
Ngày 14/9, tại Hà Nội, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã chủ trì tổ chức cuộc họp chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT).
Tham dự cuộc họp có Đoàn đại biểu Ban soạn thảo Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của CHDCND Lào về thực thi Công ước CAT do đồng chí Phoukhong Sisoulath, Vụ trưởng Vụ Điều ước và Pháp luật, Bộ Ngoại giao nước CHDCND Lào làm Trưởng đoàn; đại diện các bộ, ngành của Việt Nam.
Công ước CAT là một trong 9 điều ước cốt lõi của LHQ về quyền con người, là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương thể hiện ý chí của cộng đồng quốc tế yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thể giới, kiên quyết loại bỏ hành vi tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục đối với con người vì bất cứ lý do gì ra khỏi đời sống xã hội.
Công ước được Đại hội đồng LHQ thông qua vào ngày 10/12/1984 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 26/6/1987. Ngày 28/11/2014, tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XII, nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước.
Việt Nam hoàn tất các thủ tục và nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký LHQ vào ngày 5/2/2015 và trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước vào ngày 7/3/2015. Ngay sau đó, ngày 17/3/2023, tức là chỉ sau 10 ngày, Bộ Công an Việt Nam đã tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 364/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước CAT trên phạm vi toàn quốc, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo CAT lần thứ nhất và định kỳ.
Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, để triển khai nhiệm vụ quan trọng này, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thành lập Ban soạn thảo, Tổ Thư ký xây dựng và hoàn thiện Báo cáo CAT lần thứ nhất; xây dựng dự thảo Đề cương Báo cáo CAT lần thứ nhất và gửi xin ý kiến các bộ, ngành và đơn vị trong ngành có liên quan.
Sau khi hoàn thiện dự thảo đề cương này, Bộ Công an tiếp tục xây dựng dự thảo Báo cáo CAT lần thứ nhất và đã 6 lần gửi xin ý kiến các bộ, ngành và đơn vị trong ngành có liên quan cũng như xin ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo.
Trong quá trình xây dựng các bản dự thảo báo cáo, Bộ Công an đã tổ chức nhiều hội thảo với sự hỗ trợ giúp đỡ của Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ và một số đối tác khác để trao đổi kinh nghiệm, lấy ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị, các chuyên gia trong nước và quốc tế đối với dự thảo báo cáo cũng như đã xin ý kiến rộng rãi tất cả các tầng lớp nhân dân.
Trên cơ sở thống nhất ý kiến của các bộ, ngành, ngày 19/4/2017, Bộ Công an có Tờ trình số 146/TTr-BST báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo quốc gia CAT lần thứ nhất.
Sau khi nộp Báo cáo CAT lần thứ nhất lên Ủy ban chống tra tấn, Việt Nam tiếp tục trình bày và bảo vệ các nội dung đã nêu trong Báo cáo CAT lần thứ nhất trực tiếp trước Ủy ban chống tra tấn tại Geneve, Thụy Sĩ vào tháng 11/2018 và nộp Báo cáo CAT giữa kỳ lần thứ nhất vào tháng 10/2020. Theo dự kiến, Việt Nam sẽ nộp Báo cáo CAT lần thứ hai vào tháng 10 hoặc tháng 11/2023.
Đến nay, Việt Nam đã có quá trình 8 năm triển khai thực hiện Công ước CAT và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Cuộc họp đã được nghe nhiều nội dung, ý kiến trao đổi giữa các đại biểu của Việt Nam với Đoàn đại biểu Lào về vai trò và chức năng của Ban soạn thảo Báo cáo sơ bộ về Công ước CAT của Việt Nam; về việc thành lập Ban soạn thảo Báo cáo sơ bộ về Công ước CAT của Lào; chia sẻ kết quả tham dự đối thoại mang tính xây dựng giữa Ủy ban chống tra tấn và Phái đoàn Việt Nam tại Geneva.
Các đại biểu đã tập trung trao đổi các nội dung: quá trình thu thập dữ liệu: phương pháp, các bước chính, công cụ, kỹ thuật và thách thức; về hợp tác, phối hợp với các cơ quan chức năng chuyên môn hoặc chuyên gia của LHQ trong giai đoạn soạn thảo;về phương pháp soạn thảo, xây dựng dữ liệu và hoàn thiện báo cáo.
Những thông tin, kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ tại cuộc họp sẽ không chỉ hỗ trợ cho phía Lào mà còn cho cả các cơ quan chuyên môn của Việt Nam trong quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước CAT định kỳ nói riêng và Báo cáo quốc gia về thực thi các công ước quốc tế về quyền con người nói chung.