Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, giải pháp hay trong công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở

Thứ Ba, 23/07/2024, 14:28

Ngày 23/7, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn TP Hà Nội”. 

Hội thảo nhằm đánh giá đúng tình hình công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội, phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05/CT-BCA ngày 1/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở trong tình hình mới. Từ đó, có những kiến nghị, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở gắn với chuyển đổi số quốc gia.

a -0
Trung tướng Nguyễn Hải Trung phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, dưới sự điều hành của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, các đại biểu đã đi sâu vào thảo luận 6 chuyên đề gồm: Quản lý đối tượng theo quy định pháp luật; quản lý đối tượng theo yêu cầu nghiệp vụ; quản lý trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật; quản lý đối tượng tại khu chung cư, khu đô thị mới; công tác phối hợp giữa lực lượng Công an cơ sở với các lực lượng nghiệp vụ trong phòng ngừa, phát hiện vi phạm đối với người nước ngoài trên địa bàn TP Hà Nội và chuyển đổi trạng thái trong công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở.

a -0
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tham luận của Trung tá Vũ Việt Hùng, Phó trưởng Công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm đã nêu lên thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng chấp hành án hình sự tại cộng đồng trên địa bàn. Mễ Trì là một địa bàn phức tạp về ANTT, hiện có 26 đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng trong đó có 25 đối tượng hưởng án treo, 1 đối tượng tha tù trước thời hạn có điều kiện.

a -0
Quang cảnh hội thảo.

Thượng tá Nguyễn Xuân Minh, Phó trưởng Công an huyện Đông Anh đã chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, nhấn mạnh một số giải pháp như nâng cao công tác tuyên truyền; giáo dục tại cộng đồng, nhà trường; huy động hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc quản lý trẻ em, người chưa thành niên…

Tham luận về việc quản lý đối tượng tại khu chung cư, khu đô thị mới, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý đối tượng và việc làm sạch dữ liệu đối tượng, Công an quận đã chủ động triển khai kế hoạch, chia thành 3 đoạn. Cụ thể, trong giai đoạn 1, tiến hành tổng điều tra cơ bản, rà soát, thống kê, đối khớp, lập danh sách các đối tượng trong diện quản lý đang sinh sống và hoạt động trên địa bàn quận; qua đó, xác định tính chất hoạt động của đối tượng.

a -0
Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Bộ Công an phát biểu tại hội thảo.

Trong giai đoạn 2, lập các tổ công tác, thực hiện đúng với phương châm “Chân đi tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay” “cuốn chiếu” từng đơn vị cơ sở nắm thông tin đối tượng phải theo 4 tiêu chí “Nắm rõ lai lịch, quan hệ, thái độ và diễn biến hoạt động phạm tội của đối tượng”. Đến giai đoạn 3, Công an quận Hà Đông sẽ thành lập đoàn kiểm tra hiệu quả việc rà soát, đánh giá chất lượng cán bộ thực hiện rà soát.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nhìn nhận, mỗi chuyên đề, mỗi bài tham luận, mỗi ý kiến đưa ra đều có những giá trị trong việc chia sẻ kinh nghiệm, những mô hình, giải pháp hay và đã có kết quả trong công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở.

Kết luận hội thảo, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị các hệ lực lượng Công an TP cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chỉ huy các cấp, gắn trách nhiệm với người đứng đầu trong tổ chức thực hiện công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở; gắn công tác quản lý đối tượng với công tác nghiệp vụ cơ bản. Đồng thời, cần xác định việc chuyển đổi các biện pháp công tác quản lý đối tượng từ thủ công, truyền thống sang công nghệ hiện đại là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay để đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi trạng thái công tác quản lý đối tượng.

Các phòng nghiệp vụ có liên quan chủ động rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản do Công an TP xây dựng liên quan đến công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở để đánh giá những văn bản chồng chéo, nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, tham mưu ban giám đốc có phương án sửa đổi, bổ sung, thay thế, theo hướng các văn bản ban hành phải mang tính xuyên suốt, có giá trị sử dụng lâu dài.

Công an cấp huyện, cấp xã tập trung rà soát, điều tra cơ bản, thống nhất số liệu giữa hồ sơ sổ sách với phần mềm quản lý, đảm bảo thông tin đối tượng luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung yêu cầu Công an các cấp thực hiện nghiêm túc công tác trao đổi thông tin về đối tượng trong diện quản lý; nghiên cứu cơ chế chia sẻ thông tin về đối tượng giữa các hệ lực lượng trong Công an TP.

“Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với các phòng nghiệp vụ có liên quan tham mưu Ban Giám đốc Công an TP phương án giải quyết các vấn đề nổi cộm, cấp thiết trong công tác quản lý đối tượng ở địa bàn cơ sở được chỉ ra trong Hội thảo” – Giám đốc Công an TP Hà Nội nhấn mạnh.

Xuân Mai
.
.