Câu chuyện nhân văn ở Trại giam Xuân Phước

Thứ Ba, 20/06/2023, 07:43

Chúng tôi đến Trại giam Xuân Phước – Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, Bộ Công an (tại xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) khi nơi đây đang tập trung nhiều biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, giam giữ, giáo dục và cải tạo phạm nhân, trong đó có những hoạt động nhân văn như: dạy nghề, xóa mù chữ và phong trào “Tương thân tương ái” gắn với xây dựng quỹ “Tấm lòng vàng” trong phạm nhân.

Đại tá Trần Văn Dũng – Giám thị Trại giam Xuân Phước cho biết, sau hơn 47 năm hình thành với những nỗ lực tích cực của các thế hệ cán bộ – chiến sĩ (CBCS) Công an vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách và hiểm nguy; đến nay Trại giam Xuân Phước đã đổi mới và phát triển nhiều mặt. Với 2 phân trại ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân và 1 phân trại ở xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, những năm gần đây, mỗi năm Trại giam Xuân Phước quản lý, giáo dục gần 2.500 phạm nhân thi hành án về nhiều tội danh. Trong đó, nhiều phạm nhân từng có tiền án, tiền sự, tái phạm, tái phạm nguy hiểm và hàng trăm trường hợp phải thi hành hình phạt tù từ 15 đến 30 năm, tù chung thân... Và điều đáng nói là hầu hết phạm nhân nhập trại đều không có nghề nghiệp, nên khi tiếp nhận, phải cẩn trọng rà soát từng trường hợp phạm nhân, độ tuổi, sức khỏe… để bố trí lao động, dạy nghề.

Câu chuyện nhân văn ở Trại giam Xuân Phước -0
Đại úy Ngô Sinh Tồn, cán bộ Đội Giáo dục – Hồ sơ Trại giam Xuân Phước hướng dẫn phạm nhân tập viết và làm toán.

Bài toán về công tác dạy nghề cho phạm nhân không hề đơn giản. Mỗi năm, Ban Giám thị Trại phải dự báo, phân tích và tính toán cụ thể để xác lập kế hoạch dạy nghề, khai thác nguồn lực lao động, tìm kiếm đối tác đặt hàng gia công sản phẩm. Trong khi đó Trại nằm ở địa bàn miền núi, địa hình phức tạp, đất đai khô cằn sỏi đá, thường xuyên bị tác động bởi thời tiết khắc nghiệt, mùa khô nắng gay gắt kéo dài, mùa mưa lũ lụt ập đến bất thường, đặc biệt nhiều tháng liền dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp cho đến dạy nghề đều vấp phải khó khăn.

Với tinh thần đoàn kết quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Đảng ủy, Ban giám thị cùng với tập thể CBCS Trại giam Xuân Phước luôn chú trọng thực hiện nghiêm túc Luật thi hành án hình sự và các quy định pháp luật có liên quan; đồng thời quán triệt, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng – Bộ Công an. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban giám thị còn xây dựng chương trình hành động cụ thể để đảng viên, CBCS nâng cao hiệu quả đẩy mạnh “Học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND”, “Học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” gắn với cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”… Trong những năm qua, mỗi năm Trại giam Xuân Phước đã tổ chức dạy nghề may mặc, mộc dân dụng, đan lát… cho 800 – 1.200 phạm nhân, số còn lại được hướng dẫn lao động sản xuất nông – lâm nghiệp, chăn nuôi để tạo nguồn rau sạch, thịt, cá tươi cung cấp cho CBCS và phạm nhân.

Hôm đến trại, theo chân một cán bộ đến phân xưởng thoáng mát, nhìn những phạm nhân cần mẫn đan sợi cho các sản phẩm ghế tựa lưng, giỏ hoa và một số đồ gia dụng, tôi cảm nhận mỗi đường nét sợi đan hoàn hảo đang dẫn dắt họ đi về nẻo thiện, để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Rời phân xưởng dạy nghề thủ công mỹ nghệ, chúng tôi đến lớp học xóa mù khi Đại úy Ngô Sinh Tồn, cán bộ Đội Giáo dục – Hồ sơ đang hướng dẫn cho 15 phạm nhân mù chữ tập viết và làm toán. Một trong số đó là phạm nhân Đặng Quang Vinh (SN 1980, trú ở xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) phạm tội “Trộm cắp tài sản”, bị bắt từ cuối tháng 8/2020 và bị xử phạt 10 năm tù. Nhập trại từ tháng 6/2021 trong tình trạng... mù chữ, nhưng đến nay Vinh không chỉ biết đọc, biết viết, mà còn làm tốt những bài tập toán lớp 3.

Còn Rah Lan Rah (SN 1977, trú ở xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, Gia Lai) phạm tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”, bị bắt cuối tháng 1/2021 với án phạt 6 năm tù. Nhập trại mới hơn một năm nhưng Rah đã có thể viết thư gửi về gia đình nhờ sự tận tâm dạy chữ của những “người thầy” mặc sắc phục cảnh sát. Trung tá Trần Văn Đức - Phó Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ cho biết, tỷ lệ người mù chữ trong cộng đồng còn rất ít, nên học viên lớp học xóa mù ở trại giam cũng giảm dần, nhưng mỗi năm đơn vị vẫn tổ chức dạy học cho 13-20 phạm nhân; Phòng GD&ĐT huyện Đồng Xuân hỗ trợ kiểm tra cuối kỳ, cấp giấy chứng nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học.

Thêm một nét đẹp nhân văn được Trại giam Xuân Phước xây dựng và tổ chức hoạt động rất tốt trong nhiều năm qua, đó là phong trào “Tương thân, tương ái”. Mỗi năm, ngoài việc trích nguồn thu lao động sản xuất, học nghề của phạm nhân để bổ sung mức ăn, thưởng cho phạm nhân có thành tích trong lao động… theo quy định pháp luật với tổng trị giá từ 600- 800 triệu đồng, Trại giam Xuân Phước còn xây dựng quỹ “Tấm lòng vàng” để hỗ trợ những trường hợp phạm nhân ốm đau, khuyết tật, không có người thân đến thăm. Phạm nhân Nguyễn Duy Quốc (SN 1994, trú ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, bị bắt cuối tháng 6/2021 và bị phạt tù 16 năm, cho biết: “Vì hoàn cảnh mồ côi, khuyết tật, nên từ khi vào trại giam giữa tháng 8/2022 đến nay tôi không có thân nhân đến thăm, nhưng quỹ “Tấm lòng vàng” đã trở thành nguồn động viên, chia sẻ tình cảm cho tôi trong những ngày lễ, ngày Tết”.

Còn phạm nhân Đinh Jét (SN 1990, trú ở xã Kông Yang, huyện Kông Chrò, tỉnh Gia Lai) phạm tội giết người phải lãnh án chung thân, bày tỏ: “Hơn 7 năm thi hành án ở Trại giam Xuân Phước, những ngày lễ, ngày Tết tôi đều nhận được phần quà hỗ trợ từ quỹ “Tấm lòng vàng” nên cũng bớt tủi thân khi không có người thân đến thăm”.

Theo Ban giám thị trại, chỉ riêng hai năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm nay, quỹ “Tấm lòng vàng” của Trại giam Xuân Phước đã hỗ trợ 368 triệu đồng cho 1.843 lượt phạm nhân trong phong trào “Tương thân tương ái”.

Hữu Toàn
.
.