“Bốn cùng” với đồng bào vùng cao

Thứ Hai, 25/09/2023, 06:15

Sử dụng thành thạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp cho mỗi CBCS Công an tỉnh Sơn La đến gần với bà con nhân dân, đồng thời là “cầu nối” để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới mỗi bản làng.

Với mục tiêu “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số”, với mục tiêu này, mỗi CBCS ở vùng cao Sơn La đã không ngừng trau dồi kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ mà còn học và tìm hiểu thêm kiến thức, tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo chân các cán bộ Công an cắm bản xuống thăm bà con, chúng tôi được nghe những câu đối thoại tiếng Mông, tiếng Lào. Đó có thể chỉ là những câu thăm hỏi xã giao thông thường nhưng cũng làm cho mối quan hệ giữa các anh Công an và bà con dân bản dường như thân thiết hơn.

a.jpg -0
CBCS Công an tỉnh Sơn La “bốn cùng” với bà con dân tộc vùng cao.

Sử dụng thành thạo tiếng dân tộc, cán bộ chiến sĩ Công an huyện Sông Mã đã phát huy vai trò là “cánh tay nối dài” để tuyên truyền những chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước tới tận từng hộ gia đình ở khắp các bản làng vùng cao trên địa bàn. Bởi khi biết nói tiếng dân tộc, thông qua giao tiếp với bà con dân bản, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng dân cư, dễ dàng thấu hiểu phong tục tập quán và kịp thời nắm bắt mọi tâm tư nguyện vọng của người dân.

Tháng 10/2021, cùng với hơn 400 CBCS Công an từ các Cục nghiệp vụ, các trường CAND được Bộ Công an tăng cường cho Công an các xã biên giới, Thượng úy Nguyễn Văn Phương, cán bộ Cục An ninh nội địa nhận nhiệm vụ công tác tại xã biên giới Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Dẫu còn nhiều bỡ ngỡ những ngày ban đầu, nhưng đến bây giờ, Thượng úy Phương đã dần quen với những phong tục nơi đây và khi có kế hoạch mở lớp tiếng dân tộc cho CBCS Công an xã, anh đã ngay lập tức đăng ký tham gia.

Thượng úy Nguyễn Văn Phương chia sẻ: Bản thân là một người ham học hỏi những thứ mới, đặc biệt là văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trên dải đất hình chữ S này. Công tác tại địa bàn biên giới nên việc trau dồi thêm kiến thức là một điều rất quý. “Quá trình học tiếng Lào, tôi cũng được trang bị rất nhiều kiến thức, nghe, nói, đọc, viết… và phong tục tập quán của người dân tộc Lào tại Việt Nam và nước bạn Lào. Những kiến thức này rất bổ ích trong quá trình công tác tại địa phương và sau khi trở về Hà Nội” – Thượng úy Nguyễn Văn Phương nói.

Việc học tiếng đồng bào DTTS không chỉ để nghe và hiểu được ngôn ngữ của bà con dân tộc thiểu số mà hơn cả là để hiểu được phong tục tập quán, tạo sự gần gũi, sẻ chia. Qua đó, hóa giải mâu thuẫn, giữ vững tình hình ANTT địa phương, tránh để bà con bị kẻ xấu lợi dụng, tăng cường đại đoàn kết các dân tộc... Xác định được vấn đề đó, từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh Sơn La đã mở 6 lớp tiếng dân tộc, với gần 255 học viên tham gia và 4 lớp kiến thức DTTS với sự tham gia của gần 400 học viên.

Việc học tập thêm tiếng dân tộc đã giúp ích nhiều trong quá trình công tác, ý tưởng sáng tạo trong việc thực hiện Đề án 06/CP, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên là một đơn cử như thế. Đại úy Luyện Sỹ Dũng, Trưởng Công an xã Hồng Ngài cho biết: Là địa bàn vùng cao, chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Do trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, người dân chưa hiểu hết được những tiện ích mà CCCD gắn chip hay tài khoản định danh điện tử mang lại. Do vậy CBCS trong Công an xã Hồng Ngài xác định, mục tiêu lớn nhất trong chiến dịch thực hiện Đề án 06/CP đó là phải để bà con hiểu, bà con tin về những gì mình đang làm.

Cũng theo Đại uý Dũng, 80% đồng bào nơi đây là người dân tộc Mông, do vậy rất nhiều người chưa biết tiếng phổ thông. Nắm bắt được khó khăn đó, tập thể CBCS trong Công an xã đã xác định việc tuyên truyền phải được thực hiện bằng tiếng Mông. Anh em trong Công an xã thực hiện công tác tuyên truyền trực tiếp, đồng thời thu âm rồi phát ra loa để tuyên truyền.

Trung úy Mùa A Do, cán bộ Công an xã Hồng Ngài cho biết, thời điểm ban đầu, việc tuyên truyền vận động bà con vấp phải nhiều khó khăn, vì người dân chưa nắm, chưa hiểu hết được những tiện ích mà mình được hưởng. Nhưng mưa dầm thấm lâu, nói bằng tiếng đồng bào Mông thì bà con cũng cảm thấy gần gũi và thân thuộc nên rất ủng hộ. Không chỉ có vậy, CBCS trong Công an xã ngoài những kiến thức đã được trang bị tại các lớp học rồi cũng tranh thủ nhờ Trung úy Do dạy thêm để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Cô giáo Cà Thị Dung, giáo viên khoa tiếng dân tộc, Trường Cao đẳng Sơn La cho biết: Bản thân được tham gia giảng dạy cho CBCS Công an tỉnh, cô và các thầy cô trong tổ bộ môn cũng luôn cố gắng truyền tải những nội dung dễ hiểu nhất. “Trong thời gian giảng dạy thì các đồng chí Công an luôn chấp hành các nội quy quy định, sau khi kết thúc khóa học, các đồng chí có thể nghe được, nói được, viết được, dịch được một số đoạn văn ngắn” – cô giáo Cà Thị Dung cho biết thêm.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Công an tỉnh Sơn La: Theo mục tiêu Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 11, thì đến năm 2025, CBCS tại biên giới phải được bồi dưỡng tiếng dân tộc, để làm sao CBCS 100% đều được bồi dưỡng tiếng Lào… Ngoài ra, với những địa bàn đông DTTS, Công an tỉnh Sơn La sẽ mở các lớp để cho CBCS được học tập và thành thạo tiếng dân tộc.

“Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào” đã trở thành mục tiêu chung của mỗi CBCS trên rẻo cao Sơn La, để từ đây sẽ là cầu nối tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sinh hoạt, làm việc, đồng thời là yếu tố then chốt góp phần đảm bảo ANTT trên mỗi bản làng vùng cao Sơn La. Tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân với lực lượng Công an. Đây cũng là một yêu cầu bức thiết để “Xây dựng lực lượng Công an Sơn La thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” theo đúng tinh thần Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Cao Thiên – Trung Hiếu
.
.