Bảo đảm cao nhất an ninh con người trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19

Thứ Sáu, 19/11/2021, 11:05

So với Đại hội XII, vấn đề “an ninh con người” tại Đại hội XIII của Đảng được chú trọng và đề cao, trở thành một trong những mục tiêu của quốc phòng, an ninh và được đề cập trong nhiều nội dung của Văn kiện Đại hội.

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “An ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh”.

Đảm bảo cao nhất an ninh con người trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 -0
Tiểu ban An ninh trật tự xã hội thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp phiên thứ Nhất.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, toàn lực lượng Công an nhân dân đã triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp, với quyết tâm, nỗ lực cao nhất ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh quốc gia, an ninh con người. Những hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân không quản khó khăn, vất vả, hy sinh, ngày đêm căng mình kiên trì bám chốt, bám cơ sở, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu giữ vững an ninh, trật tự; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân,  bảo đảm cao nhất an ninh con người trong mọi tình huống đã chạm đến trái tim triệu người dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc. 

Những thách thức đe dọa an ninh con người trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị xã hội, tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội cũng như nhiều mặt công tác bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, bảo vệ  Tổ quốc, kể cả đối với công tác tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong gần 2 năm phòng, chống dịch COVID-19, hơn 4 tháng cao điểm do làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, cũng là khoảng thời gian để thấm thía sâu sắc, âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, chống phá sự nghiệp cách mạng, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân ta, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta của các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ thay đổi, càng thâm độc, xảo quyệt, điên cuồng khi đất nước gặp nhiều khó khăn; chưa bao giờ các mối đe dọa an ninh, trong đó có an ninh con người phức tạp, đa dạng và từ nhiều hướng, hết sức nguy hiểm đến như vậy, thậm chí có những vấn đề chưa từng có tiền lệ.

Trước hết phải kể mối đe dọa an ninh con người từ âm mưu, hoạt động của các đối tượng phản động trong và ngoài nước. Các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng ráo riết triển khai “chiến dịch truyền thông về thảm họa dịch COVID-19 tại Việt Nam” tác động đến tâm lý lo sợ của người dân; liên tục soạn thảo, tán phát hơn 30.000 đầu tài liệu, video clip, phát động 11 chiến dịch, kế hoạch xuyên tạc tình hình cũng như công tác phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước; đề ra cái gọi là “kế hoạch hành động khẩn cấp”, khoét sâu, tô vẽ về những khó khăn, phức tạp do dịch COVID-19 ở Việt Nam; kêu gọi, kích động dư luận trái chiều, “phản kháng” của người dân về chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch; xuyên tạc các chính sách hỗ trợ người lao động, kích động người dân “lên tiếng” đòi hỏi quyền lợi, “xuống đường”, tụ tập gây rối an ninh, trật tự, biểu tình, gây bất ổn xã hội, ý đồ tạo các “đốm lửa nhỏ” có ý nghĩa “ngòi nổ” để tập hợp lực lượng, tập dượt biểu tình chống phá Đảng, Nhà nước khi có thời cơ.

Số phản động trong và ngoài nước triệt để lợi dụng “chiêu bài” hỗ trợ nhân đạo, từ thiện để tiếp cận, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động tham gia các tổ chức phản động lưu vong, dự các khóa huấn luyện và tham gia các hoạt động gây rối an ninh, trật tự. Nguy hiểm hơn, phát hiện tổ chức khủng bố “Việt tân” âm mưu thực hiện kế hoạch “Bùng nổ vì dịch COVID - 19” hòng đẩy cao sự “phẫn uất” của nhân dân, kích động biểu tình; đưa thành viên cốt cán bên ngoài xâm nhập về nước chỉ đạo, kích động số công nhân ở các khu công nghiệp gây rối an ninh, trật tự, ghi âm, ghi hình phát tán lên không gian mạng, thổi phồng sự phức tạp của tình hình, ý đồ tạo hiệu ứng “Domino” để gây biểu tình, bạo loạn quy mô lớn; phát hiện tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” và một số hội, nhóm phản động trên không gian mạng (“Cờ vàng”, “Bạn phải lên tiếng”…) tán phát lời kêu gọi “ba sạch” (đốt sạch, phá sạch, giết sạch) tại các khu cách ly ở các tỉnh phía Nam; hứa hẹn sẽ cung cấp vũ khí (súng, lựu đạn) cho người dân để chống lại lực lượng chức năng.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an phát hiện hơn 42.500 thông tin gốc có nội dung xấu độc trên mạng xã hội, thu hút, lôi kéo hơn 188 triệu lượt tiếp cận, chia sẻ, bình luận, công kích công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng XIII và Quốc hội khóa XV; xuyên tạc, phủ nhận thành quả, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vu cáo, bôi xấu chính quyền; xuyên tạc về tình hình dịch COVID - 19. Tính riêng trong quý III/2021 (thời điểm dịch bệnh diễn biến rất phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam), phát hiện hơn 28.000 thông tin gốc có nội dung xấu, độc trên mạng xã hội, tăng 200% so với 6 tháng đầu năm; hàng trăm hội, nhóm kín trên không gian mạng liên quan công nhân tại các khu công nghiệp, người dân tại các khu cách ly, phong tỏa chia sẻ nhiều nội dung xấu độc, chưa được kiểm chứng kích động biểu tình, gây rối.

Đảm bảo cao nhất an ninh con người trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 -0
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn trao bằng khen của bộ cho các tập thể cá nhân có thành tích trong hoạt động phòng chống COVID.

An ninh kinh tế, an ninh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh cũng diễn biến hết sức phức tạp, tác động nhiều mặt đến cuộc sống người dân. Nhiều doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu bị phá sản/giải thể/tạm ngưng hoạt động (từ tháng 4/2021 đến tháng 8/2021 trung bình mỗi tháng có khoảng 11.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường); hơn 2,2 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. An ninh công nhân, an ninh tại khu kinh tế, khu công nghiệp trong quá trình triển khai các phương án sản xuất diễn biến rất phức tạp. Tình trạng ngừng việc tập thể, tập trung đông người thậm chí phản ứng quyết liệt yêu cầu cho tạm nghỉ việc ở các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tiềm ẩn các yếu tố “ngòi nổ” mà các đối tượng phản động triệt để lợi dụng kích động biểu tình gây mất an ninh, trật tự.

Dịch bệnh gây ra những thiệt hại lớn đối với kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng, kho vận và dòng tiền lưu thông, giảm sản xuất trong nước, đặt ra thách thức trong giảm nợ công, giải quyết các vấn đề xã hội và vấn đề liên quan doanh nghiệp vừa và nhỏ, gia tăng rủi ro “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản; khủng hoảng về thanh khoản hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia, tác động nhiều mặt đến việc làm, thu nhập, tạo ra những rủi ro lớn cho nhà đầu tư, người dân.

Về an ninh xã hội, hàng loạt sơ hở, thiếu sót trong triển khai các gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, cung ứng thực phẩm, hệ thống y tế quá tải, vắc xin, một số nơi phát sinh tiêu cực, lợi dụng chính sách để trục lợi, vi phạm pháp luật đã gây bức xúc, phản ứng tiêu cực trong một bộ phận người dân, thậm chí có nơi người dân phản ứng gay gắt, dẫn tới hàng chục vụ việc với hàng nghìn người dân kéo đến trụ sở UBND cấp xã đòi hỗ trợ, xảy ra xô xát giữa người dân với chính quyền và lực lượng làm công tác phòng chống dịch.

An ninh cá nhân trong bối cảnh dịch bệnh cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Hoạt động rao bán, chia sẻ trái phép thông tin, dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chiều hướng gia tăng trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Xuất hiện hoạt động thiết lập các trạm BTS giả mạo các doanh nghiệp viễn thông để chặn, chuyển hướng các thuê bao di động của người dùng nhằm thu thập thông tin, dữ liệu để chiếm đoạt tài sản. 

Tình hình tội phạm tiếp tục đe dọa môi trường an toàn, lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tuy dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cả nước thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài ở nhiều địa phương, song toàn quốc vẫn ghi nhận 43.683 vụ phạm tội về trật tự xã hội (chỉ giảm 8,06%), làm chết 1.040 người (giảm 13,26%), bị thương 8.851 người (giảm 12,11%), thiệt hại tài sản gần 1.800 tỷ đồng (giảm 5%). Tội phạm giết người tuy giảm nhưng xảy ra một số vụ hành vi gây án dã man, gây tâm lý lo lắng, bất an trong quần chúng nhân dân. Hoạt động buôn lậu, kinh doanh trái phép, sản xuất, buôn bán hàng giả là các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, máy thở mini, bình ô xy, bộ đồ phòng hộ; lợi dụng hoạt động mua bán, đi chợ hộ, đi chợ “online” để chiếm đoạt tiền của người dân gia tăng. Phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi trong thực hiện chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như tổ chức dịch vụ tiêm vắc - xin, gian lận danh sách người được nhận tiền hỗ trợ. Hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng phức tạp cả về quy mô và sự đa dạng, nhất là các hoạt động cá cược khi diễn ra các giải đấu thể thao quốc tế lớn.

Chân dung nhà lãnh đạo luôn tận tâm, tận lực với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh con người

Trước những thách thức đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, an ninh con người, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an nhân dân chuyển trạng thái chiến đấu cao nhất, tập trung cao độ công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực thực hiện cho được cùng lúc 3 mục tiêu, yêu cầu, đó là: (1) Tích cực tham gia tuyến đầu cùng với y tế, quốc phòng trong công tác phòng, chống dịch bệnh; (2) Giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, ổn định đời sống của nhân dân, quản trị xã hội, bảo đảm yên dân. (3) Đấu tranh phòng, chống mọi âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh, lợi ích quốc gia, xâm phạm trật tự xã hội; củng cố môi trường an toàn, lành mạnh; phục vụ hiệu quả quá trình khôi phục kinh tế, ổn định xã hội.

Đảm bảo cao nhất an ninh con người trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 -0
Bộ trưởng Tô Lâm kiểm tra công tác cấp căn cước công dân gắn chip tại điểm cấp căn cước công dân lưu động của Công an huyện Mường Lát.

Cụ thể hóa mục tiêu Đại hội XIII của Đảng về quốc phòng, an ninh, đồng chí Bộ trưởng yêu cầu công tác bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh phải được tập trung thực hiện với mục tiêu cao nhất đó là “Giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm yên dân, yên ổn lòng dân, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân; không để xảy ra bất ổn chính trị xã hội, tuyệt đối không để xảy ra xung đột xã hội”.

Trăn trở với tình hình an ninh, trật tự tại các địa bàn trọng điểm, chiến lược về quốc phòng, an ninh; trăn trở với cuộc sống còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số - cũng là điều kiện mà các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng hòng gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động ly khai, tự trị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã tích cực huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, chỉ đạo Công an các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thanh Hóa, Hòa Bình tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh tại các huyện khó khăn của các tỉnh nhằm giải quyết, bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh con người từ gốc rễ của vấn đề đó là giải quyết đói nghèo của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh, vẫn có 5.549 căn nhà ở cho hộ nghèo, 3 khu nhà ở bán trú cho học sinh (tổng diện tích sử dụng 1.140,6 m2) được làm mới và sửa chữa xong; đang tiếp tục triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho 390 hộ nghèo ở các huyện Mai Châu (Hòa Bình), Trạm Tấu (Yên Bái) và một số huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang. Những việc làm với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã tạo chuyển biến rõ nét về tư tưởng của một bộ phận người dân ảnh hưởng bởi luận điệu “ly khai, tự trị”, tự giác từ bỏ các hành vi vi phạm pháp luật; đã có nhiều địa bàn phức tạp về ma túy được chuyển hóa, kéo giảm số người tin theo các “tà đạo”, số người di cư tự do, xuất cảnh trái phép.

Đau đáu với mục tiêu bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân ngay từ cơ sở, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ nhằm đẩy nhanh việc xây dựng Công an xã chính quy. Mọi nguồn lực dành cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự được sử dụng hết sức tiết kiệm để dành kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, xây dựng nhà công vụ cho 415 Công an xã biên giới; hơn 45.000 đồng chí Công an chính quy được bố trí đảm nhiệm các chức danh Công an xã; trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, gần 400 cán bộ Công an ở Bộ được tăng cường đến các xã biên giới trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.

Từ ngày 30/3/2020 đến ngày 10/3/2021, lực lượng Công an xã chính quy đã xử lý 13.198 vụ, việc về an ninh, trật tự; bắt giữ, xử lý 32.933 đối tượng; bắt, vận động đầu thú 84 đối tượng truy nã, tạo chuyển biến tích cực rõ nét về an ninh, trật tự tại cơ sở, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự giảm rõ rệt, số lượng tin báo, tố giác tội phạm tiếp nhận được tăng lên so với thời gian trước khi triển khai Công an xã chính quy, góp phần mang lại cuộc sống bình yên hơn cho Nhân dân.

Đảm bảo cao nhất an ninh con người trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 -0
Đảm bảo cao nhất an ninh con người trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 -1
Bộ trưởng Tô Lâm cùng đồng bào dân tộc sinh sống tại huyện Mường Nhé.

Trước tình hình cấp bách ngân hàng máu cho cấp cứu bệnh nhân khan hiếm do thực hiện các biện pháp giãn cách phòng, chống dịch bệnh, vào tháng 7/2020, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”, đồng chí  Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Thư kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sỹ tích cực tham gia tình nguyện hiến máu cứu người với nghĩa cử cao đẹp “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

Bức thư của người đứng đầu ngành Công an đã lay động mọi trái tim chiến sỹ, lan tỏa sâu rộng trong toàn lực lượng Công an. Từ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Công an nhân dân đến từng cán bộ, chiến sỹ, dù công tác ở Bộ hay ở địa bàn biên giới xa xôi, dù đang tích cực tham gia truy vết, trực chốt phòng dịch hay thu thập dữ liệu dân cư, đấu tranh phòng, chống tội phạm đều hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện; chỉ chưa đầy nửa tháng, hàng nghìn đơn vị máu đã được hiến tặng và hàng trăm nghìn đơn vị máu sẵn sàng hiến tặng. Nhiều hình ảnh đẹp của cán bộ, chiến sỹ Công an hiến máu cứu người bệnh ở khu vực phong tỏa, người bệnh thuộc nhóm máu hiếm… được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Nhận thức sâu sắc tác động của đại dịch COVID-19 với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và trách nhiệm của lực lượng Công an góp phần thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, xã hội số, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã đề xuất với Đảng, Nhà nước và tập trung chỉ đạo triển khai 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân gắn chip điện tử. Chỉ trong thời gian rất ngắn, với sự nỗ lực cố gắng cao độ của toàn lực lượng Công an nhân dân, sự ủng hộ, giúp đỡ của người dân, sự tạo điều kiện hỗ trợ của các cấp, các ngành, kỳ tích đã được thực hiện với chiến dịch cấp 50 triệu căn cước công dân trên toàn quốc và triển khai cấp số định danh cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ, chi phí và thời gian của công dân, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cơ quan hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã phục vụ hiệu quả công tác quản lý dân cư vùng dịch và hỗ trợ thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm chính xác, kịp thời. 

Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an mang đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện sâu sắc tầm nhìn, trí tuệ và tính nhân văn trong từng mệnh lệnh chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã truyền cảm hứng mãnh liệt đến toàn thể lực lượng Công an, hun đúc ý chí, bản lĩnh, sự nỗ lực phấn đấu cao nhất, không quản khó khăn, vất vả, hy sinh, tất cả vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc nhân dân.

Lực lượng Công an tăng cường đảm bảo an ninh con người trong bối cảnh dịch bệnh

Đúng như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới một lòng”, “dọc ngang thông suốt”, toàn lực lượng Công an nhân dân bám sát và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, chủ trương chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu nhằm đạt được cả 3 mục tiêu cụ thể đã đề ra, với mục tiêu cao nhất Giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm yên dân, yên ổn lòng dân, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân; không để xảy ra bất ổn chính trị xã hội, tuyệt đối không để xảy ra xung đột xã hội”. Trong đó, đã tập trung nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp thu thập, phân tích, xử lý tin; có hàng trăm báo cáo với Đảng, Nhà nước và trao đổi với các bộ, ngành liên quan về chiến lược, kinh nghiệm, công nghệ, vắc - xin phòng, chống dịch bệnh; kinh nghiệm phòng, chống dịch và khôi phục phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh, mô hình sống chung với COVID19… Những thông tin kịp thời đã góp phần thống nhất nhận thức, tư duy trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như thực hiện mục tiêu kép.

Lực lượng Công an đã theo dõi sát tình hình liên quan cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhất là tại Đông Nam Á, tình hình Biển Đông; siết chặt kiểm soát, xử lý nhập cảnh trái phép; xử lý hàng loạt vụ việc “mầm mống” phức tạp về an ninh, trật tự. Quản lý chặt chẽ các hệ loại đối tượng; đấu tranh phản bác, vô hiệu hóa các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, kích động người dân, nhất là công nhân, người nghèo, lao động tự do tụ tập, biểu tình, đình công, lãn công, phản kháng chính quyền, không chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ an ninh mạng, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa hàng trăm hội nhóm, hàng chục triệu lượt tán phát thông tin xấu độc, kích động biểu tình, gây rối; xử phạt hành chính trên 150 dối tượng đăng tải tin giả tin sai sự thật; ngăn chặn, yêu cầu gỡ bỏ 10.944 tin, bài viết,, video chưa thông tin xấu đich; triển khai lực lượng tăng cường bảo đảm an ninh các vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật của số “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đã kéo giảm 8,83% số vụ phạm tội về trật tự xã hội; triệt phá 1.170 băng, nhóm tội phạm; điều tra làm rõ 24.213 vụ phạm tội về trật tự xã hội, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 9,34%, nhất là một số tội phạm vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, buôn lậu, lừa đảo, trộm cắp, sản xuất, lưu hành hàng giả… Sáu tháng đầu năm 2021, cơ quan điều tra trong CAND đã khởi tố mới trên 2.200 vụ phạm tội về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trên 3.000 bị can, tăng 63% số vụ, gần 41% số bị can so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ Công an đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Lực lượng Công an nhân dân - Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự”; huy động gần 130.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát, tham gia truy vết, thường trực bảo vệ an ninh, trật tự các khu vực cách ly, phong tỏa, các bệnh viện, cơ sở y tế; gần 43.000 cán bộ Công an xã chính quy tích cực phối hợp triển khai các gói hỗ trợ, việc tiêm vắc xin; tăng cường hàng nghìn trinh sát an ninh của Bộ nắm tình hình địa bàn cơ sở; cử 1.216 cán bộ y tế tăng cường cho các địa phương có diễn biến dịch phức tạp; chi viện hơn 3.000 cán bộ, chiến sỹ và hơn 1.500 học viên tham gia đảm bảo an ninh, trật tự ở các tỉnh phía Nam. Trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị phòng dịch, với yêu cầu đặc thù phải sử dụng sắc phục Công an góp phần răn đe tội phạm hay trinh sát an ninh, cán bộ, chiến sỹ Công an đều thể hiện quyết tâm cao nhất tham gia tuyến đầu, tích cực hỗ trợ giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân, phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ cơ sở, ngay khi mới manh nha mọi mầm mống gây bất ổn tình hình an ninh, trật tự. Đây là yếu tố căn cơ góp phần xóa bỏ mọi nguyên nhân, điều kiện có thể dẫn đến phức tạp về an ninh, trật tự trên các địa bàn.

Lãnh đạo Bộ Công an tích cực tham gia ngoại giao vaccine, tìm nguồn hỗ trợ vaccine từ các đối tác nước ngoài. Công tác phòng, chống dịch bệnh, thiết lập bệnh viện dã chiến, khu điều trị dã chiến trong Công an nhân dân được tổ chức bài bản, hiệu quả cao không chỉ đối với nhân dân, cán bộ chiến sỹ mà cả số can phạm nhân, học viên các trường giáo dưỡng, góp phần vào thành công chung của công tác phòng, chống dịch bệnh trên cả nước. Trong tham gia phòng, chống dịch bệnh, có trên 4.800 cán bộ, chiến sỹ nhiễm bệnh, có 03 đồng chí hy sinh, 11 đồng chí tử vong do mắc COVID-19.

Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm, sự sáng tạo, chủ động, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không quản ngại nguy hiểm, hy sinh, lực lượng Công an đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành một trong những lực lượng trụ cột quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. An ninh quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân tiếp tục được phát huy và củng cố, xử lý hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh, không để xảy ra bị động, bất ngờ, tạo môi trường an toàn, thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh con người. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự góp phần định hướng công tác phòng, chống dịch bệnh, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện ưu việt của chế độ ta lấy người dân là trung tâm của sự phát triển, đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, tiếp tục góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước.

Ghi nhận, đánh giá của nhân dân đối với lực lượng Công an trong bảo đảm an ninh con người

Suốt 2 năm qua, báo chí đã có nhiều tin, bài phản ánh thành tích, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; những khó khăn, vất vả của lực lượng Công an trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Đảng ủy Công an Trung ương nhấn mạnh đây “là năm đầy ắp các sự kiện, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, cả xã hội, cả về mặt tự nhiên đều có nhiều công việc đột xuất”, “tuy có khó khăn, song đều thắng lợi”, “là năm được mùa”, “riêng Công an, một năm rất đáng tự hào, để lại dấu ấn tốt hơn trên tất cả các mặt công tác”; đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết công tác Công an 6 tháng đầu năm 2021 khẳng định “trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cùng với lực lượng Y tế, Quân đội, lực lượng Công an tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, nòng cốt, là một trong những lực lượng trọng yếu, tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống dịch”.

Chủ trương hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh; sự vào cuộc của các Sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị mà nòng cốt là lực lượng Công an các tỉnh; sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành của địa phương đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhân dân tại các địa bàn được hỗ trợ làm nhà, nhất là tại các bản bị ảnh hưởng luận điệu tuyên truyền, lập “Nhà nước Mông”, nơi tập trung đông dân di cư tự do, các bản chịu ảnh hưởng của số đối tượng buôn bán ma túy bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi được Bộ Công an quan tâm, hỗ trợ làm nhà ở, tích cực tham gia giúp đỡ đơn vị thi công, hỗ trợ nhau trong quá trình làm nhà, thể hiện tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an. Hàng trăm gia đình đã viết thư cảm ơn Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền, cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy định của chính quyền, tích cực tham gia phòng trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Chủ trương huy động nguồn lực từ các tổ chức xã hội hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo của Bộ Công an có hiệu quả trực tiếp, thiết thực đối với người dân, đã lan tỏa đến nhiều bộ, ban, ngành khác. Các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm nhận thấy nguồn kinh phí họ đầu tư cho chương trình này là thiết thực, đúng địa chỉ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam tài trợ kinh phí hỗ trợ làm 452 căn nhà cho người nghèo ở huyện Sốp Cộp, Sơn La; Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động đầu tư kinh phí cho tỉnh Hòa Bình thực hiện chương trình hỗ trợ làm 200 nhà ở cho các hộ nghèo ở hai xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu. Cách làm của Bộ Công an đã tác động và mở ra hướng đi cho cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện chương trình an sinh xã hội tại địa phương, hiện Ủy ban nhân tỉnh Sơn La đã xây dựng Đề án Huy động nguồn lực hỗ trợ người nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025; Tỉnh ủy Cao Bằng đã có Quyết nghị chỉ đạo các ban ngành huy động nguồn lực trong tỉnh quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trong toàn tỉnh vào năm 2022.

Phong trào hiến máu tình nguyện của lực lượng Công an góp phần quan trọng, tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Nhiều mô hình, sáng kiến đã được thực hiện, điển hình là mô hình câu lạc bộ phản ứng nhanh hiến máu cứu người của tuổi trẻ Công an Thủ đô chào mừng 67 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2021); nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ kịp thời hiến máu cứu người bệnh được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, có đồng chí đã nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Thư khen của Bộ trưởng Bộ Công an về những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tiêu biểu tinh thần tương thân tương ái, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân ân của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Đảm bảo cao nhất an ninh con người trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 -0
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tham gia hiến máu tình nguyện.

Bảo đảm an ninh con người góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh

Tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước, song còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Bám sát và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam thời gian tới “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, có kiểm soát”, từng bước chuyển trạng thái bình thường mới, bảo vệ cao nhất sức khỏe, tính mạng của người dân; đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo toàn lực lượng Công an nhân dân quán triệt thực hiện có hiệu quả 03 phương châm trong tổ chức toàn diện các mặt công tác bảo đảm an ninh, trật tự đó là: (1) Phòng, chống dịch COVID19 là trọng tâm; (2) Bảo đảm an ninh, trật tự, giữ vững ổn định xã hội là trọng yếu, xuyên suốt; (3) Phối hợp thực hiện an dân, an sinh xã hội, phục vụ phục hồi và phát triển toàn diện các mặt đời sống xã hội (kinh tế, văn hóa, giáo dục…) là then chốt.

Lực lượng Công an tập trung nắm tình hình về kinh nghiệm của các nước trong triển khai trạng thái thích ứng an toàn với dịch bệnh, nhất là các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vắc xin, thuốc chữa COVID-19, kịp thời trao đổi với các bộ, ngành, đề xuất Đảng, Nhà nước các giải pháp bảo đảm an ninh y tế, việc làm, thu nhập của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng trong trạng thái bình thường mới, trọng tâm là phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động thâm nhập nội bộ, cài cắm nội gián, tác động chuyển hóa thể chế, chính sách; lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong triển khai các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phục hồi kinh tế để kích động người dân phản kháng việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, móc nối, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện tham gia tổ chức phản động bên ngoài, tụ tập, biểu tình gây mất an ninh, trật tự. Nắm tình hình, kịp thời tham mưu các giải pháp ngăn ngừa nguy cơ lệ thuộc kinh tế vào nước ngoài; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin giả, sai sự thật.

Tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm giai đoạn sau dịch bệnh, tội phạm trên lĩnh vực thương mại điện tử, nhất là lừa đảo mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng là vắc xin, test kít thử nhanh, thực phẩm chức năng, thuốc ngừa COVID-19; ngăn chặn các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn để vi phạm pháp luật; có phương án cụ thể phòng ngừa, phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong mua sắm, phân bổ trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm, vắc xin. Tích cực phối hợp tham gia quản trị xã hội, trọng tâm là phối hợp tích hợp, quản lý thông tin tiêm chủng, khai báo sức khỏe của công dân qua mã QR trên căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương dảm bảo an ninh, trật tự, ổn định xã hội; quan tâm, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, nhất là đối với số người dân về quê từ các tâm dịch; các giải pháp phục hồi và ổn định thị trường lao động, hỗ trợ nhằm “giữ chân” và thu hút lao động quay trở lại làm việc; không để sót, lọt địa bàn đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ, nhất là trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch. Đổi mới cách làm, sáng tạo hơn nữa trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, sự tham gia, đóng góp tích cực của người dân với lực lượng Công an trong phòng, chống dịch bệnh.

Tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, cá nhân đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an - nhà lãnh đạo luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, không quản hy sinh gian khổ, cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân nguyện nỗ lực phấn đấu, tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, tham gia phòng, chống dịch COVID-19, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân, thực sự là “Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự”.

Tô Ân Xô - Mai Xuân Thảo - Nguyễn Thị Phương
.
.