Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống đại dịch, bảo đảm an ninh con người

Thứ Ba, 24/08/2021, 13:29

Tại Phiên họp Ủy ban Chính trị ngày 24/8, nghị viện các nước tiếp tục đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết 02 về "Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN" do Brunei Darussalam bảo trợ và Nghị quyết 03 về "Tăng cường ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN" do Thái Lan bảo trợ.

Thúc đẩy hiểu biết chung và cách tiếp cận an ninh con người

Đóng góp vào dự thảo Nghị quyết 02, đại diện Đoàn Việt Nam nêu rõ: Việt Nam đánh giá cao đề xuất của Malaysia và ủng hộ việc thông qua Nghị quyết này. Tuy nhiên, Việt Nam nhận thấy, hiện nay, khái niệm "an ninh con người" chưa được định nghĩa thống nhất tại Liên Hợp Quốc và ASEAN mà mới chỉ đưa ra một số thành tố.

Trong đó, Liên Hợp Quốc cho rằng, an ninh con người gồm hai khía cạnh chính: một là, an toàn trước những mối đe dọa kinh niên như nạn đói, bệnh tật và sự đàn áp; hai là, bảo vệ chống lại sự phá vỡ đột ngột và gây tổn thương đối với mẫu hình cuộc sống hằng ngày - cho dù trong gia đình, trong công việc hay trong cuộc sống. Theo đó, xác định an ninh con người bao gồm các thành phần như: an ninh kinh tế; an ninh lương thực; an ninh y tế; an ninh môi trường; an ninh cá nhân; an ninh cộng đồng và an ninh chính trị.

Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống đại dịch, bảo đảm an ninh con người -0

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức tham dự Phiên họp Ủy ban Chính trị. 

Do chưa có một khái niệm chung nên mỗi nước lại có cách tiếp cận riêng và từ đó đưa khái niệm này vào chính sách quốc gia, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển của mỗi nước. Trên thực tế, những thành tố về đảm bảo "an ninh con người" được thể hiện rải rác trong các văn kiện có liên quan của ASEAN như: Tuyên bố ASEAN về nhân quyền; Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; Khung phục hồi Tổng thể ASEAN.

"Việc đưa ra một khái niệm chung về an ninh con người cũng cần phải được xem xét và thảo luận kỹ hơn, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền của mỗi quốc gia và không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Phải có sự đồng thuận chung, nhận thức chung về an ninh con người dựa trên các định nghĩa của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên bố ASEAN về nhân quyền", đại diện Đoàn Việt Nam nhấn mạnh.

Trên tinh thần này, Việt Nam khuyến nghị thúc đẩy hiểu biết chung về khái niệm và cách tiếp cận an ninh con người, trên cơ sở cần đảm bảo tuân thủ Hiến chương ASEAN, Tuyên bố ASEAN về nhân quyền và các văn bản khác có liên quan của ASEAN.

Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống đại dịch, bảo đảm an ninh con người -0

Các đại biểu tham dự phiên họp. 

Hiện đại dịch COVID-19 đang tác động nặng nề đến an ninh con người, Việt Nam đề nghị các Nghị viện AIPA thúc đẩy chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng chống đại dịch, kiểm soát lây lan dịch bệnh, cũng như các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Những chia sẻ dữ liệu và công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này cũng góp phần bảo đảm an ninh con người, trong đó, Việt Nam cũng có thể chia sẻ các kinh nghiệm trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ truy vết và cảnh báo, quản lý giãn cách, quản lý tiêm chủng...

Xây dựng Cộng đồng ASEAN tôn trọng luật lệ, lấy người dân làm trung tâm

Về Nghị quyết 03, các Đoàn đại biểu hoan nghênh việc AIPA xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về Thúc đẩy ngoại giao nghị viện hướng tới Cộng đồng ASEAN. Đây cũng là một chủ đề mà Đoàn Việt Nam rất quan tâm bởi thời gian qua, thế giới và khu vực đã trải qua những biến đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị và an ninh, nhất là tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.

"Hơn lúc nào hết, các quốc gia cần đề cao trách nhiệm trong hợp tác duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định để tập trung ứng phó và khắc phục tác động của đại dịch. Củng cố nền hòa bình và an ninh bền vững dựa trên tuân thủ luật pháp quốc tế là lợi ích của mọi quốc gia. Để đạt được điều này, các nghị viện cần phát huy vai trò tích cực hình thành môi trường hòa bình, an ninh khu vực dựa trên luật lệ", đại diện Đoàn Việt Nam khẳng định.

Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống đại dịch, bảo đảm an ninh con người -0

Các đại biểu tham dự phiên họp trực tuyến (ảnh chụp màn hình). 

Những năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện ở cả cấp độ song phương và đa phương. Tại Ủy ban Chính trị của Đại hội đồng AIPA-41 năm 2020, Việt Nam đã đề xuất và cùng tham gia bảo trợ với Thái Lan một nội dung tương tự.

Đoàn Việt Nam cho rằng, là cơ quan lập pháp, nghị viện các nước một mặt có thể nội luật hóa các cam kết quốc tế, tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ và cam kết đối với các công ước và luật pháp quốc tế; mặt khác , xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; đồng thời, củng cố sự tin cậy lẫn nhau, bảo đảm các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương ASEAN về tôn trọng chủ quyền, thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao.

"Ngoại giao nghị viện cần góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc, đồng thời ủng hộ Chính phủ các nước ASEAN đẩy mạnh hội nhập khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN tôn trọng luật lệ, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới người dân, cùng ứng phó với những thách thức toàn cầu như COVID-19", Đoàn Việt Nam nêu quan điểm.

Quỳnh Vinh
.
.
.