Chuyển đổi số - dấu ấn tiên phong và đột phá

Bài 2: Bộ Công an gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Đề án 06

Chủ Nhật, 22/05/2022, 08:28

Ngay sau 2 “đại dự án” đặt nền móng cho chuyển đổi số là xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử được hoàn thành, Bộ Công an đã và đang tiếp tục phát huy vai trò chủ công gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)... Tất cả vì mục đích chung: Mang lại lợi ích cho đất nước, cho người dân, doanh nghiệp.

Dồn tâm lực, thể hiện rõ vai trò thường trực, chủ công

Với mục tiêu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính... gần 4 tháng qua, với vai trò thường trực, toàn lực lượng Công an đã rốt ráo, dồn tâm lực để triển khai nhanh, có hiệu quả Đề án 06.

Bài 2: Bộ Công an gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Đề án 06 -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an phường Dịch Vọng Hậu thực hiện các thao tác trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Một ngày trung tuần tháng 5/2022, chúng tôi đến thăm đơn vị Thường trực Đề  án 06 và cảm nhận được phần nào những đóng góp, cống hiến thầm lặng của đơn vị, của CBCS lực lượng quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) toàn quốc sau thời gian dài về cơ sở để đồng hành, “chia lửa” với các đơn vị, chiến sĩ tham gia thực hiện. Trao đổi với PV về Đề án 06, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết: Đây là một đề án quan trọng nhằm phát huy hơn nữa vị thế, vai trò của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an xây dựng cung cấp cho khối dịch vụ công, nhất là các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa các cấp. Theo đó, thời gian qua, để đẩy mạnh thực hiện Đề án 06, Bộ Công an, bên cạnh định kỳ giao ban các thành viên của Tổ công tác, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH còn làm việc với các bộ, ngành địa phương để triển khai các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện Đề án. “Chủ động nắm bắt tình hình thực tế trong công tác triển khai thực hiện Đề án 06 để kịp thời báo cáo, đề xuất cấp trên tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, chúng tôi thường xuyên họp, không theo lịch cố định, có hôm họp xuyên đêm với các bộ, ngành liên quan hơn 20 giờ liên tục để tìm ra đáp án, xây dựng kế hoạch…”- Trung tướng Tô Văn Huệ nhấn mạnh.

Hiện nay, các nhiệm vụ của Đề án 06 đang bước vào giai đoạn “then chốt” để hoàn thành mục tiêu của năm 2022. Vì vậy, toàn lực lượng ở 4 cấp Công an, trong đó Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cùng Văn phòng Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ là 3 đơn vị “chủ lực”, thường trực tham mưu cho Chính phủ về Đề án  luôn thể hiện rõ vai trò tiên phong, không ngại vất vả, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “hết việc, không hết giờ”, làm việc hiệu quả... để đưa Đề án 06 về gần với dân hơn.

17h30 ngày 10/5, chúng tôi có mặt tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, thuộc Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - với nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Tổ công tác triển khai Đề án của Chính phủ, không khí làm việc tại đây vẫn tất bật, khẩn trương mặc dù trời đang dần ngả sang tối. Các CBCS vẫn miệt mài làm việc bên máy tính, liên tục nhận các cuộc điện thoại gọi đến để trao đổi, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho Công an các địa phương trong quá trình thực hiện Đề án 06... “Hình ảnh những chiến sĩ tận tụy, miệt mài, không biết đến giờ nghỉ để từ nghiên cứu các nghị quyết của Chính phủ, tìm hiểu kinh nghiệm triển khai của các quốc gia tiên tiến trên thế giới đến việc trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành liên quan... để xây dựng nên sơ đồ của Đề án 06, đến việc đưa Đề án 06 tới gần với người dân hơn không phải chỉ có riêng ngày hôm nay, mà diễn ra từ nhiều tháng nay”- Thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết.

Chia sẻ thêm công tác “hậu trường”, kỹ thuật của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư,  Thượng úy Nguyễn Sỹ Thái, Phó Tổ trưởng tổ 9 cho biết: Để thực hiện tốt vai trò tham mưu, thường trực trong việc thực hiện Đề án 06, Ban Giám đốc Trung tâm đã chỉ đạo thành lập 9 tổ. Mỗi tổ từ 10 đến 30 CBCS, được phân chia theo từng nhóm để làm việc sao cho đạt hiệu quả, với nhiệm vụ khác nhau như: Tổ pháp lý phụ trách công tác nghiên cứu, đề xuất xây dựng, điều chỉnh Luật, Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử và các văn bản có liên quan thực hiện các dịch vụ công… Đây là công việc không thể “một sớm, một chiều” là có kết quả ngay; tổ định danh thực hiện nghiên cứu ứng dụng VNEID - ứng dụng định danh điện tử quốc gia, phát triển hệ thống định danh và xác thực điện tử, phát triển công dân số -  là một vấn đề mới ở Việt Nam; tổ kỹ thuật phụ trách đánh giá về hạ tầng kết nối, chia sẻ, đề xuất kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu với các bộ, ban ngành, 63 địa phương; Trung tâm nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư (thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư) phụ trách nghiên cứu về việc ứng dụng tiện ích phục vụ phát triển kinh tế xã hội như ứng dụng định danh điện tử vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng (người dân có thể mở tài khoản, thực hiện các giao dịch chuyển tiền, rút tiền tại ngân hàng chỉ với thẻ CCCD…); nhóm tiện ích triển khai ứng dụng các tính năng của chip điện tử gắn trên thẻ CCCD…

Phát huy vai trò thường trực của Công an các cấp

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Công an đã luôn bảo đảm duy trì dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ các nhiệm vụ của Đề án; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật kết nối, chia sẻ để phục vụ phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng cao nhất các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cũng theo Trung tướng Tô Văn Huệ, "làm sạch" dữ liệu và duy trì thường xuyên, hàng ngày việc bổ sung, cập nhật dữ liệu dân cư, bảo đảm luôn "đúng, đủ, sạch, sống" là yêu cầu có ý nghĩa sống còn đối với Cơ sở dữ liệu dân cư. Đây cũng là tài nguyên quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định hiệu quả đối với Đề án 06. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các địa phương quyết liệt chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nội dung này và coi đây là mệnh lệnh chiến đấu, kỷ luật công tác của lực lượng Công an để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Chính phủ và nhân dân giao phó.

 Với vai trò thường trực, Bộ Công an chủ trì xây dựng báo cáo định kỳ Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ tại các Bộ, ngành, địa phương và đề xuất kiến nghị với Thủ tướng nội dung, vấn đề cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện; phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức triển khai, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án 06/CP; tham mưu Chính phủ thành lập tổ công tác triển khai Đề án từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, thôn…; tham mưu cho Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia chỉ đạo các bộ, ban, ngành địa phương bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ bí mật Nhà nước; xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra các đơn vị thực hiện triển khai Đề án 06, để kịp thời nắm, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Đối với Công an cấp tỉnh: Thực hiện triển khai Đề án theo hướng dẫn của Bộ Công an; tập hợp, báo cáo định kỳ nội dung công tác triển khai thực hiện Đề án 06 lên cấp Trung ương, cơ quan thường trực tổ công tác của Chính phủ theo ngày, tuần, tháng…; Công an cấp huyện là cơ quan thường trực của tổ công tác cấp huyện tập trung đảm bảo “làm sạch” dữ liệu, thông báo đầy đủ mã định danh và triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân; Công an cấp xã là cơ quan thường trực của tổ công tác cấp xã tập trung đảm bảo “làm sạch” dữ liệu, thông báo đầy đủ mã định danh và triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Những kết quả đáng khích lệ

Từ những tổ công tác trên, từng kế hoạch thực hiện Đề án 06 đã được triển khai một cách bài bản, nhanh chóng, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; Thông tư của Bộ Công an quy định về việc kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Đồng thời, các bộ, ngành cũng đã từng bước tích hợp các dịch vụ của mình trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để bảo đảm người dân có thể thực hiện nhanh chóng, hiệu quả, chính xác.

Trong đó, nổi bật là vai trò gương mẫu đi đầu của Bộ Công an với việc hoàn thành 8/11 dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06, gồm: Xác nhận số CMND khi đã được cấp thẻ CCCD; cấp lại, cấp đổi thẻ CCCD; khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú;  thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đă đăng ký mẫu dấu; thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu; đăng ký, cấp biển số môtô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội). Đồng thời mở rộng thực hiện 187/224 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng CAND, trong đó mở rộng phân cấp đến tận cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện.

Qua việc kết nối đã xác thực, làm sạch nhiều dữ liệu có liên quan, phục vụ tích cực việc thực hiện các dịch vụ công, đồng thời từng bước bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ các tiện ích của Đề án. Điển hình như đã đồng bộ được 17,8 triệu thông tin bảo hiểm xã hội để làm giàu dữ liệu dân cư và tích hợp sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh.

Bộ Công an đã triển khai thí điểm mô hình dịch vụ công trực tuyến tại một số cơ sở của phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, tạo sự thuận lợi cho người dân; triển khai thí điểm ứng dụng thẻ CCCD gắn chip trong thực hiện các giao dịch ngân hàng tại Ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank giúp giảm thời gian thực hiện giao dịch, bảo đảm an toàn cho khách hàng...Kết quả trên cho thấy, nền tảng chuyển đổi số của quốc gia đã và đang hiện hữu với sự quyết tâm cao, đầy trách nhiệm, nỗ lực to lớn của toàn ngành Công an vì nhân dân phục vụ.

Tại Hội nghị đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP theo chức năng của lực lượng CAND mới đây, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc thực hiện Đề án đang ở giai đoạn "then chốt" để hoàn thành mục tiêu năm 2022, do đó cần tiếp tục phát huy, không để chùng xuống. "Công an các đơn vị, địa phương cần xác định quyết tâm chính trị cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu của lực lượng CAND; phân công trách nhiệm từng nội dung công việc gắn với tiến độ hoàn thành và kết quả cụ thể, qua đó, tạo dấu ấn lan tỏa trong các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án 06” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Minh Hiền (Còn nữa)
.
.