Bài 2: Băng qua biển mưa đến với bộ đội

Thứ Ba, 17/01/2023, 09:05

Vượt qua nghìn trùng sóng gió, những ngày đầu năm, tiếp sau hải trình đến đảo Trường Sa và An Bang, đoàn công tác đã thăm, chúc Tết, động viên CBCS làm nhiệm vụ trên các điểm đảo thuộc đảo Đá Đông.

Một quy luật trên biển chính là nương theo những con sóng thuỷ triều để tàu hạ xuồng, di chuyển quân lên đảo. Theo kế hoạch, trong 2 ngày liên tiếp, tàu 561 sẽ hạ xuồng chở đoàn công tác và các phóng viên vào ba điểm đảo Đá Đông A, B, C. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi, Trưởng Đoàn công tác trao đổi với chỉ huy Hải đội 411, Lữ 955 và thuyền trưởng tàu 561 quyết định đẩy nhanh tiến độ, đưa 2 mũi xuất phát từ điểm đảo Đá Đông C sang Đá Đông A. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi biết đến khái niệm băng xuồng qua đảo và cũng lần đầu tiên trải nghiệm di chuyển trên biển trong cơn mưa.

img_1275.jpg -0
CBCS tàu 561 luôn sẵn sàng tâm thế đưa Đoàn công tác Hải quân và báo chí xuống đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa an toàn.

Hạnh phúc khi được rèn luyện ở nơi đầu sóng, ngọn gió

Trong hơn 40 phóng viên có mặt trên tàu Hải quân 561 đi tuyến đảo phía Nam có rất nhiều đồng nghiệp giống như tôi mới đi công tác đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa lần đầu tiên. Những ngày đầu, chúng tôi còn lạ lẫm với cách chuẩn bị vật chất trước mỗi lần lên đảo hay cách di chuyển xuống xuồng vào đảo, rồi từ đảo vào tàu và cố gắng làm tốt nhất các hướng dẫn của tổ đưa đón người lên xuống xuồng để chân khỏi bước hụt, rớt lại trên tàu khi có đợt sóng cao lan tới đẩy xuồng áp sát mạn tàu. Nhưng sau những chuyến đi xuồng, nhóm PV ngày càng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hơn.

Bài 2: Băng qua biển mưa đến với bộ đội -0
Nhóm phóng viên băng xuồng từ  điểm đảo Đá  Đông C sang điểm đảo Đá Đông A.

Nhớ lại trải nghiệm thú vị đó mới thấy, có lẽ, chỉ đi biển ở Trường Sa mới cảm nhận được rõ rệt những thuận lợi, khó khăn khi đi công tác ở vùng biển đảo. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, dù được các thành viên đoàn công tác Lữ đoàn 146 và tàu 561 quan tâm, chăm sóc tận tình nhưng do cơ địa mỗi người khác nhau mà nhiều PV trong đoàn vẫn nếm "đặc sản say sóng", nôn liên tục và ăn rất ít, thậm chí chỉ ăn cháo loãng. Ấy vậy nhưng chỉ cần nghe chỉ huy đoàn công tác thông báo, đọc danh sách các tổ công tác trước mỗi khi vào đảo là PV như được tiếp thêm sức mạnh, hồ hởi, nhanh chóng cho đồ tác nghiệp vào túi bảo quản, đi dép rọ chống trơn trượt, đội mũ cối để tránh mưa, nắng và mặc áo mưa chống bị sóng đánh vào xuồng làm ướt người. Khi đến tập trung ở boong lái để nghe hiệu lệnh của sĩ quan điều hành đề nghị lãnh đạo đoàn công tác cùng nhóm PV di chuyển xuống xuồng CQ, xuồng truyền tải vào đảo, không ai bảo ai chúng tôi đều tự giác lấy áo phao mặc vào người. Đúng 13h, nhóm PV đầu tiên đã xuống xuồng truyền tải di chuyển từ tàu ra điểm đảo Đá Đông C.

Thời tiết biển Trường Sa mùa này đỏng đảnh như cô gái mới lớn lúc dịu dàng, lúc nắng, mưa thất thường, khi giông bão nổi lên bất chợt. Khi đoàn chúng tôi xuất phát, biển đang trong xanh, nắng trải dài ấm áp, vậy mà lúc xuồng chuẩn bị neo vào điểm đảo Đá Đông C cơn mưa bất ngờ ập đến làm mọi người không kịp trở tay. Điều xúc động khiến chúng tôi thấy ấm áp xua tan giá lạnh của cơn mưa biển chính là nghi lễ trang trọng mà chỉ huy, CBCS Đảo Đá Đông C đón đoàn công tác. Ngay khi bước chân lên đảo, chúng tôi rửa mặt, rửa tay ở những chậu nước được CBCS trên đảo đặt ngay sát nơi đậu xuồng. Điều này chúng tôi đều thấy ở các đảo, thể hiện sự quan tâm chu đáo đến các thành viên đoàn công tác sau hành trình đi xuồng đến đảo do tay, chân sẽ bị bám nước biển, muối mặn. Do thời gian tác nghiệp không nhiều vì xuồng phải theo con sóng di chuyển ra khỏi đảo nên dù trải qua một hành trình vất vả trên biển tất cả các PV đều túa đi các ngả để tìm nhân vật, tìm khuôn hình quay, chụp. Ai cũng muốn lấy thật nhiều tư liệu để sau này có những tác phẩm hay, nhân vật đặc biệt với những chi tiết, điểm nhấn đắt giá.

Bài 2: Băng qua biển mưa đến với bộ đội -0
Thượng úy Phạm Ngọc Thành, Chỉ huy trưởng điểm C đảo Đá Đông trả lời phỏng vấn PV Báo Công an nhân dân.

Phơi phới tuổi 20 cống hiến cho đất nước, bảo vệ vùng biển thiêng liêng, Trung sĩ Nguyễn Công Thành, SN 2002, quê Bình Định cho biết em vừa nhận nhiệm vụ tại điểm Đảo Đá Đông C. Dù trải qua một hải trình dài cũng bị say sóng nhưng khi đặt chân lên đảo là tinh thần của Thành đã phấn chấn, hồ hởi lên rất nhiều. Đây là lần đầu tiên trải nghiệm từ đất liền ra đảo, cũng là chuẩn bị đón Tết đầu tiên xa nhà nhưng Thành cho biết em và gia đình đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để em yên tâm cống hiến, phấn đấu, rèn luyện nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Đón Xuân dù xa đất liền nhưng Thành vẫn cảm nhận được rõ nét được tình cảm, sự quan tâm qua chuyến thăm của Bộ Quốc phòng, quân và dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, cũng như đoàn công tác qua những lời thăm hỏi, động viên, qua những chuyến tàu chở quà tết, hàng hoá, nhu yếu phẩm ra đảo. Để đón một mùa Xuân bình yên, đủ đầy, tươi vui trên đảo, Thành và các đồng nghiệp đang tích cực dàn dựng, chuẩn bị các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian… Trung sĩ Nguyễn Công Thành cho biết, Tết này dù xa gia đình nhưng em vẫn thấy ấm áp vì đã có đồng đội thân yêu luôn đoàn kết, gắn bó, chia sẻ buồn vui nơi đảo xa và hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đưa chúng tôi đi tham quan điểm đảo, Thượng uý Phạm Ngọc Thành, Chỉ huy trưởng điểm C đảo Đá Đông bày tỏ sự xúc động khi nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước mỗi khi Tết đến, Xuân về. Anh cho biết, được đón những vị khách đặc biệt thăm đảo, nhận những món quà Tết ấm áp nghĩa tình nối đất liền với biển đảo quê hương đó là nguồn động viên rất lớn với CBCS. Các anh nguyện luôn chắc tay súng, giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc; vượt qua mọi khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió, gác lại riêng tư để đất nước trọn niềm vui.

Bài 2: Băng qua biển mưa đến với bộ đội -0
Trồng rau sạch ở đảo Đá Đông luôn được CBCS thực hiện thường xuyên để cải thiện bữa ăn.

Hải trình đặc biệt

Trong ráng chiều, khi cơn mưa trên biển vừa ngớt, chúng tôi đã có một hải trình đáng nhớ khi đươc băng xuồng từ điểm Đá Đông C sang điểm Đá Đông A. Lúc này, do yêu cầu của đoàn công tác, một số PV đã di chuyển từ xuồng truyền tải sang xuồng CQ đi cùng chỉ huy Đoàn công tác. Thời tiết vẫn bất lợi bởi những con sóng bủa vây ào mạnh vào mạn xuồng làm mọi người uớt hết, mưa lại bắt đầu nặng hạt. Chuyến băng xuồng này chúng tôi phải di chuyển gần 1 giờ đồng hồ bởi thuyền viên phải liên tục bẻ lái, đè sóng đi vào luồng lạch an toàn nhất. Đây là quãng thời gian lâu nhất so với các lần chúng tôi lên xuồng vào các đảo.

Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146, Phó Trưởng Đoàn công tác tuyến 2 đi các đảo phía Nam và sĩ quan điều hành Đại úy Vũ Ngọc Tuyên cùng công tác tại Lữ đoàn 146 đã bắt nhịp các bài hát như: Nơi đảo xa, Gần lắm Trường Sa, Bâng khuâng Trường Sa, Tổ quốc gọi tên mình… Trong cơn mưa trên biển, giữa cái lạnh ùa về mang theo hơi muối mặn thấm vào mặt, vào tóc, chúng tôi đã cùng hát vang những bài ca ca ngợi biển đảo quê hương, tình yêu đất nước con người, tình yêu đôi lứa để cho quãng thời gian trở nên ngắn hơn, cho tinh thần mọi người vui vẻ, phấn khởi khi sang một điểm đảo mới.

Đi sâu vào đảo Đá Đông A, bước theo cầu thang lên phía vọng gác, ấn tượng nhất với chúng tôi chính là phía xa trên nền biển xanh, hình ảnh những chiến sĩ Hải quân căng tràn nhiệt huyết, sức sống tuổi trẻ đang bồng súng đứng gác, chắc tay súng giữ biển trời. Trung sĩ Nguyễn Hoài Nam, sinh năm 2002, quê Bình Thuận nước da bánh mật chắc khoẻ đang thực hiện ca gác cuối cùng trong ngày trên đảo. Đây có lẽ là kỷ niệm khó quên trong đời bởi hôm nay chính là thời điểm kết thúc thời gian Nam làm nhiệm vụ ở đảo. Trung sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, thời gian qua em đã luôn rèn luyện, phấn đấu và học hỏi kinh nghiệm các thế hệ CBCS công tác trên đảo để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ngày trở về đất liền đã cận kề nhưng Nam thấy bịn rịn, cảm xúc khó tả bởi đã gắn bó với đảo, coi như ngôi nhà của mình và coi biển cả là quê hương.

Bài 2: Băng qua biển mưa đến với bộ đội -0
Trung sỹ Nguyễn Công Thành công tác tại đảo Đá Đông C đọc ấn phẩm đặc biệt Báo Công an nhân dân.

Trò chuyện với chúng tôi bằng giọng nói dễ thương, Nam chia sẻ, ấn tượng nhất với em đó là mỗi lần đón đoàn ra đảo. Bởi mỗi khách quý đến với đảo đều mang theo hơi ấm của đất liền, của hậu phương, mang theo tình cảm, những món quà động viên, khích lệ những người chiến sĩ trên đảo yên tâm công tác, vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.  Nam hy vọng rằng khi cập cảng, đón em về ăn Tết sẽ là ba mẹ và hai em của mình bởi đã lâu em chưa được gặp họ. Nam cũng bộc bạch rằng, Tết này, khi về nhà em sẽ kể cho gia đình mình và người thân, bạn bè những ngày tháng được sống, cống hiến sức trẻ, hạnh phúc vì được rèn luyện trong môi trường Quân đội, được công tác ở một địa bàn tuyến đầu đặc biệt, vinh dự, tự hào được trưởng thành từ nơi đầu sóng ngọn gió, đó là quãng thời gian tươi đẹp không thể nào quên trong hành trang cuộc đời của mình.

Thời gian chỉ vẻn vẹn hơn 1 giờ đồng hồ ở trên mỗi điểm đảo thuộc đảo Đá Đông nhưng những gì chúng tôi đã thấy, những nhân vật chúng tôi đã gặp đều mang đến cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc đặc biệt, trải nghiệm khó quên trong cuộc đời làm báo. Ngay từ trước khi xuống đảo nghe tàu 561 phát đi các thông tin về điểm đảo sắp tới chúng tôi đã rất háo hức, không giấu được sự tò mò thôi thúc khi đặt chân đến đảo, cả sự hồi hộp trên suốt hải trình. Đặc biệt là  cảm phục về ý chí, rèn luyện, khát vọng vươn lên của chỉ huy, CBCS mỗi đảo nơi chúng tôi đặt chân đến. Để Xuân về trên cánh sóng Trường Sa, góp phần cho đất nước bình yên trọn vẹn, CBCS đã gác lại riêng tư, vượt qua mọi khó khăn thử thách, phát huy ý chí tự lực, tự cường bảo vệ và xây dựng huyện đảo ngày càng phát triển, xứng tầm là vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông.

Anh Hiếu (còn nữa)
.
.