Bài 1: Những đổi thay từ dịch vụ công trực tuyến
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là lãnh đạo Văn phòng Bộ, hơn một năm qua, những CBCS Trung tâm Thông tin chỉ huy (TTCH) Bộ Công an đã âm thầm đặt những viên gạch đầu tiên và dựng xây nên nền móng vững chắc cho Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ nói riêng và hiện tại đã giúp ích nhiều cho Đề án 06 nói chung...
LTS: Sau thành công đặc biệt của 2 Dự án: Xây dựng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân (CCCD) năm 2021, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Bộ Công an đã phối hợp Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Với Đề án này, CSDL quốc gia về dân cư sẽ được kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện Đề án 06, Bộ Công an được xác định là đơn vị gương mẫu, đi đầu với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì lợi ích của đất nước, của người dân; bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống", liên tục kết nối, liên thông, chia sẻ...
Hơn 4 tháng triển khai Đề án 06, kết quả bước đầu của Tổ Công tác của Chính phủ do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng và Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Tổ phó Thường trực đã khẳng định quyết tâm chính trị, thúc đẩy đồng bộ các giải pháp, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ công việc. Trong đó, xoay quanh 5 mục tiêu cốt lõi: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể
Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là lãnh đạo Văn phòng Bộ, hơn một năm qua, những CBCS Trung tâm Thông tin chỉ huy (TTCH) Bộ Công an đã âm thầm đặt những viên gạch đầu tiên và dựng xây nên nền móng vững chắc cho Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ nói riêng và hiện tại đã giúp ích nhiều cho Đề án 06 nói chung.
Chúng tôi có mặt tại Trung tâm TTCH Bộ Công an thuộc Văn phòng Bộ Công an, cũng là lúc các CBCS của đơn vị đang tất bật hội ý nghiệp vụ, bàn kế hoạch chi tiết hỗ trợ Công an các đơn vị, địa phương trong việc xác định, xây dựng các quy trình, cung cấp và tích hợp dữ liệu lên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Để rồi sau đó, với vai trò đơn vị quản lý, vận hành hệ thống, CBCS Trung tâm lại tỏa ra các địa bàn như con thoi, làm nhiệm vụ phối hợp, hướng dẫn đôn đốc, giám sát, giúp đỡ các đơn vị trong tiến trình tích hợp dịch vụ công.
Thượng tá Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm TTCH Bộ Công an cho biết, ngay từ Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 76 (ngày 7/12/2020), Cổng dịch vụ công Bộ Công an đã được khai trương và đi vào hoạt động, đánh dấu mốc quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công an; thể hiện quyết tâm của Bộ Công an trong cải cách, minh bạch hóa các thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, góp phần hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động. Kể từ đó, nhiệm vụ vận hành và duy trì Cổng dịch vụ công của Bộ Công an được giao cho Trung tâm TTCH.
Là người luôn bận rộn bởi được giao phụ trách trực tiếp mảng công nghệ thông tin và dịch vụ công của Văn phòng Bộ, Thượng tá Lê Thành Nam, Phó Giám đốc Trung tâm TTCH cho rằng, giai đoạn ban đầu rất khó khăn vì công việc nhiều, đa dạng, liên quan đến hệ thống TTCH toàn ngành, có thể gọi là tham mưu ứng dụng công nghệ thông tin trong lực lượng tham mưu, tất cả đều mới, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều người biết đến.
"Đến tháng 1/2022, Đề án 06 ra đời, chúng tôi cảm thấy phấn khởi vì đã kịp thời "đi trước đón đầu", đáp ứng yêu cầu của Đề án", anh chia sẻ. Hiện nay, Bộ đã có một hệ thống công nghệ thông tin Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoạt động ổn định, đáp ứng ban đầu cung cấp dịch công của ngành, thay đổi nhận thức của CBCS Công an và người dân về trách nhiệm cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Đến nay, Cổng dịch vụ công Bộ Công an đã đăng tải 304 thủ tục hành chính (187 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4) thuộc 14 nhóm lĩnh vực do Bộ Công an quản lý. Từ ngày 25/12/2021 đến nay, Cổng dịch vụ công Bộ Công an đã tiếp nhận hơn 217.000 hồ sơ, số hồ sơ được giải quyết đúng hạn đạt 99,9%. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cũng như đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính ngày càng tốt hơn, Bộ Công an ban hành Quyết định số 10695 phê duyệt danh mục 224 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc 17 nhóm lĩnh vực cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an năm 2022 (thuộc 4 lực lượng: Quản lý xuất nhập cảnh, Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Giao thông). Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 12 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương rà soát quy trình giải quyết thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm nghiệp vụ bảo đảm triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Quá trình kiểm tra, đôn đốc công việc chung của Văn phòng Bộ, nhất là mảng công việc liên quan đến Trung tâm TTCH, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ đã yêu cầu CBCS rà soát kỹ hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm gần gũi, thân thiện, khoa học, giúp người dân dễ sử dụng...
"Việc ban hành Quyết định và Kế hoạch nêu trên đã đáp ứng yêu cầu về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT trong các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ Công an, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của CBCS trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi, công khai, minh bạch", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên nhấn mạnh thêm.
Liên tục hơn 4 tháng nay, Thiếu tá Nguyễn Đăng Diện, Phó trưởng Ban Kỹ thuật và công nghệ, Trung tâm TTCH tích cực phối hợp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) rà soát toàn bộ 113 quy trình, thủ tục hành chính về hồ sơ, biểu mẫu, kết quả thủ tục hành chính để điện tử hóa quy trình thủ tục hành chính. Đồng thời xây dựng phần mềm nâng cấp hệ thống giao diện Cổng dịch vụ công Bộ Công an, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ dữ liệu để cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương sử dụng thành thạo phần mềm nghiệp vụ và các tính năng trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an...
"Áp lực công việc lớn nhưng do đi đúng hướng từ đầu nên chúng tôi cảm thấy rất thú vị. Thời gian tới sẽ cố gắng tiếp tục tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ứng dụng giá trị to lớn của CSDL quốc gia về dân cư để triển khai cung cấp dịch vụ công cho người dân theo hướng đơn giản, thuận tiện, dễ sử dụng, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ", Thiếu tá Nguyễn Đăng Diện chia sẻ.
Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, công dân số, xã hội số
Cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là nhóm tiện ích đầu tiên, cốt lõi của Đề án 06. Từ tiện ích này, Đề án hướng tới phát triển công dân số, định danh cá nhân. Theo Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH - đơn vị Thường trực, đã triển khai, xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử, bắt đầu thực hiện cấp tài khoản từ ngày 25/2/2022. Đến nay, Bộ Công an đã duyệt chủ trương giao Công an 5 thành phố trực thuộc Trung ương bố trí máy tính tại cấp xã để phục vụ triển khai hệ thống định danh và xác thực điện tử. Đồng thời, kết nối, tích hợp hệ thống xác thực định danh điện tử của Bộ Công an với Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ định danh, xác thực, tạo lập tài khoản điện tử của cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương.
Về phục vụ phát triển công dân số, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã ban hành kế hoạch cấp thẻ CCCD và định danh điện tử cho công dân trên toàn quốc, trong đó ưu tiên cấp định danh điện tử cho 3 nhóm: Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THCS và THPT quốc gia; đối tượng chính sách (người nghèo và cận nghèo, người có công và người được hưởng theo Nghị quyết số 11); đối tượng trong độ tuổi ưu tiên đối với các đơn vị làm về lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông; cán bộ công chức, viên chức, lao động của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể; công nhân viên đang làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy...
Kết quả, tính đến ngày 18/4/2022 đã thu nhận được 393.029 hồ sơ định danh điện tử; đã cấp hơn 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh; có 3.844 cơ sở sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh (đạt tỷ lệ 29,2%); 75.660 công dân sử dụng CCCD khám chữa bệnh...
Để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, vừa qua Bộ Công an cũng đã triển khai thí điểm các sản phẩm, dịch vụ xác thực danh tính dựa trên nền tảng thẻ CCCD gắn chíp điện tử của 5 Ngân hàng có vốn đầu tư của Nhà nước (BIDV, Viettinbank, Vietcombank, Agribank, PVcombank).
Việc xác thực danh tính được trang bị tại các quầy giao dịch của ngân hàng qua việc đối sánh thông tin trực tiếp trên thẻ với các yếu tố sinh trắc học, ảnh chân dung, vân tay của công dân nên bảo đảm độ chính xác rất cao, nhằm chống giả mạo. Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng các tính năng của CCCD và ứng dụng VNEID trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số mạnh nhất như ngân hàng, tài chính, viễn thông, điện, nước...
Về mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, Bộ Công an đã triển khai kết nối chính thức đối với 8 đơn vị: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp….
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị chuyển dữ liệu về để tra cứu, xác thực thông tin, làm sạch dữ liệu cho các bộ, ngành và tiếp tục đồng bộ, làm giàu dữ liệu dân cư", Trung tướng Tô Văn Huệ nhấn mạnh.
Hiện nay, hệ thống CSDL quốc gia về dân cư cũng đã sẵn sàng phân tích, cung cấp các thông tin cơ bản về dân cư để phục vụ hoạch định các chính sách điều hành và phát triển KTXH của Chính phủ, cùng với quá trình kết nối, làm giàu dữ liệu, các thông tin cung cấp từng bước hoàn thiện hơn, phục vụ các mục đích đa dạng trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp...
Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án 06 ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số yêu cầu Bộ Công an thực hiện đề án quyết liệt, mang lại hiệu quả rõ nét, "làm gương", "làm mẫu", "làm đến nơi đến chốn, có hiệu quả", để tạo dấu ấn lan tỏa tại các bộ, ngành, địa phương và trong toàn xã hội.
"Với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án 06 và của Bộ Công an trong vận hành, khai thác CSDL quốc gia về dân cư và quản lý CCCD sẽ được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực, nhiệt tình ủng hộ; góp phần xây dựng được CSDL lớn về người dân, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, Chính phủ số, công dân số; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phục hồi, phát triển KTXH", Thủ tướng bày tỏ tin tưởng.