Xúc động bức thư của nữ Đại úy Công an viết cho con trong chiến dịch cấp CCCD

Thứ Ba, 25/05/2021, 08:11
Ròng rã hơn 2 tháng thực hiện chiến dịch làm căn cước công dân (CCCD), khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả mà lực lượng Công an đã trải qua, trong đó, có nhiều cán bộ nữ đang nuôi con nhỏ. Bởi vậy, tâm sự của Đại úy Phan Thùy Dung, cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Nghệ An, mẹ của 2 cậu con trai 9 tuổi và 6 tuổi, cũng là tiếng lòng của nhiều người mẹ - người lính khác.


Cùng với Công an cả nước, Công an tỉnh Nghệ An đang triển khai làm thủ tục cấp căn cước công dân (CCCD). Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh trọng điểm được Bộ Công an lựa chọn thực hiện "chiến dịch 50 triệu CCCD", bắt đầu từ tháng 3/2021. Cùng với đồng đội, những nữ cán bộ, chiến sĩ Công an Nghệ An gác lại niềm riêng, dốc sức cùng “chiến dịch”.

Chúng tôi tranh thủ gặp và trao đổi với Đại úy Phan Thùy Dung vài phút khi chị vừa ra ca. Chị chia sẻ, những ngày qua, công việc lúc nào cũng quá tải. Mỗi ngày, đơn vị tiếp từ 700 đến 800 công dân đến làm CCCD. Ngày làm việc bắt đầu từ 5h sáng và thường kết thúc lúc 1 - 2h sáng hôm sau. Có hôm tiếp dân cả đêm nhưng chị chưa thể về nhà nghỉ vì phải chờ tiếp nhận số liệu của Công an các huyện, thành phố gửi về để kịp thời báo cáo. 

Chị cũng cho biết thêm: “Gia đình mình có hai cháu trai, cháu nhỏ cũng chỉ mới gần 6 tuổi, chồng cũng công tác trong ngành, nội ngoại lớn tuổi, nên cũng có phần vất vả, từ ngày triển khai chiến dịch, mình phải dậy từ 4h, chuẩn bị mọi thứ để kịp có mặt trước 5h cho ngày làm việc mới".
Đại úy Phan Thùy Dung cùng đồng đội làm CCCD cho người dân.

Cũng vì công việc quá bận rộn nên quỹ thời gian dành cho các con vô cùng hạn hẹp. “Các con thường thắc mắc: Mẹ ơi, tại sao mẹ làm việc nhiều như vậy, mẹ có thể ôm con và em ngủ một đêm được không? Dù biết rằng mình đang phấn đấu vì mục tiêu chung nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn chạnh lòng khi nghĩ đến các con phải chịu thiệt thòi”, chị Dung chia sẻ.

Xin lược trích bức thư Đại úy Phan Thùy Dung gửi cho con để độc giả hiểu hơn về những khó khăn của người lính đang thực hiện nhiệm vụ làm CCCD.

"Con trai của mẹ!

Mẹ không còn biết thứ Bảy hay Chủ nhật, không còn biết ngày nghỉ hay ngày lễ. Công việc nối tiếp nhau, "vắt" từ ngày này qua ngày khác, bởi chỉ một người chậm lại thôi, là cả một "guồng máy" đang rầm rập sẽ bị gián đoạn.

Những bữa ăn vội vã, những phút ngả lưng mà ngủ say như chết chỉ trong vài phút, những đêm muộn vẫn cặm cụi bên máy... đã quá quen thuộc với những người lính làm công tác quản lý hành chính như mẹ. Cuộc chiến này không có tiếng súng nhưng đòi hỏi mỗi người lính phải luôn trong tư thế quyết tâm cao nhất.

Lúc viết những dòng này, bên má mẹ bỗng thấy tê tê, cảm giác của cú tát như trời giáng của một công dân là bệnh nhân tâm thần vẫn còn rất rõ. Có những lần người dân phải chờ lâu vì đông quá nên to tiếng, mẹ thấy tủi thân lắm nhưng không dám khóc, cũng không dám trách, chỉ cố gắng giải thích giúp họ hiểu và thông cảm.

Có những lần vì mưa, việc tiếp nhận hồ sơ làm CCCD bị gián đoạn do mất điện, không bỏ phí thời gian, mọi người hò nhau kéo máy đến địa điểm khác. Áo mưa che máy, người ướt đẫm cũng mặc, bởi mỗi giây, mỗi phút đều không được bỏ phí.

Mẹ đã rưng rưng xúc động khi người dân nửa đêm mang túi ngô luộc nóng hổi đến và nói "các con ăn đi cho ấm bụng mà làm". Một cô bé lúc 2h sáng đưa cho mẹ một cái bánh chưng lót dạ và muốn đưa mẹ về. Rồi những anh chị học sinh cấp 3 trong lúc chờ đến lượt đã hát cho mẹ và đồng đội nghe. Và cả ánh mắt đầy hi vọng của gia đình một bệnh nhân khi được làm gấp CCCD để kịp đi cấp cứu.

Chỉ cần người dân tin tưởng và yêu thương, mẹ thấy mình được tiếp thêm sức mạnh nhiều lắm.

Nhưng mẹ cũng chỉ là một người mẹ như bao phụ nữ khác. Mẹ cũng muốn sáng sáng cuống cuồng giục con đến lớp. Chiều muộn có thể tới xem một màn đồng diễn mà con và các bạn dày công luyện tập trong ngày biểu diễn. Hay đêm về, mẹ được hít hà mùi mồ hôi của con và nghe con kể chuyện trường, chuyện lớp.

Nhưng rồi, công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cứ cuốn mẹ đi, từ 4h sáng đến qua ngày hôm sau, khi trở về con đã say giấc. 2 tháng qua, dẫu chỉ là một đứa trẻ mới 9 tuổi thôi nhưng con dường như đã lớn, đã biết tự lập hơn, biết chăm lo cho bản thân, biết tự giác học bài.

Chiến dịch cấp CCCD đang đi đến những ngày cuối cùng, khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vừa làm CCCD, vừa chống dịch, vì thế nhiệm vụ mà mẹ và đồng đội càng nặng nề hơn. Có thể mẹ vẫn phải vắng nhà nhiều hơn; con và em vẫn phải tự ăn, tự học, tự chơi; những bữa cơm cả nhà quây quần bên nhau hiếm hoi như trước.

Mẹ tin, con sẽ hiểu và thông cảm cho mẹ! Bởi mẹ yêu màu áo của mình, nhiều như yêu các con!".

Đọc bức thư hẳn độc giả sẽ hình dung được một phần những khó khăn, vất vả của các cán bộ nữ Công an nói chung, trong đó có Đại úy Phan Thùy Dung trong thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chiến dịch CCCD. Phía trước vẫn còn đó những sự hy sinh, vất vả chờ đợi, nhưng với đức tính cần mẫn, chịu thương chịu khó, cộng với tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì nhân dân phục vụ của người chiến sỹ Công an, chắc chắn rằng chị và đồng đội sẽ vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Minh Tâm
.
.