Việt Nam luôn coi trọng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm ma túy

Chủ Nhật, 08/09/2019, 00:09
Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống tội phạm ma túy, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm này.


Hiện nay, tội phạm ma túy có tính quốc tế, hoạt động có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia, xuyên khu vực; phương thức, thủ đoạn liên tục thay đổi. Cuộc chiến phòng, chống tội phạm ma túy còn nhiều cam go, phức tạp. Vì vậy các quốc gia muốn đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy đều cần có sự hỗ trợ, hợp tác của các quốc gia khác. 

Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống tội phạm ma túy, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm này.

Phóng viên Báo CAND có cuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an.

Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an.

Phóng viên: Thưa Trung tướng  Phạm Văn Các, Cục trưởng, ông nhận định như thế nào về diễn biến tình hình tội phạm ma túy trong khu vực và trên thế giới.

Cục trưởng Phạm Văn Các: Tội phạm sản xuất, mua bán và vận chuyển ma túy trái phép trên thế giới và trong khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, tính quốc tế hóa ngày càng cao. Các đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển phân phối ma túy xuyên quốc gia ngày càng gắn kết chặt chẽ. Tính chất, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, sẵn sàng dùng vũ khí để chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. 

Nguy hiểm hơn, nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy hoạt động, núp dưới danh nghĩa các nhà đầu tư, liên doanh liên kết, kinh doanh dịch vụ...  hoạt động khi tập trung, lúc phân tán trên các khu vực trung chuyển trọng điểm tại các quốc gia như: Nigieria, Ghana, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Qatar, Ả rập Xê út, Myanmar, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Hà Lan, Brazil, Colombia, Mexico, các nước trung tâm châu Âu…

Ma túy từ 3 trung tâm sản xuất ma túy lớn của thế giới là khu vực Trăng lưỡi liềm vàng, khu vực Tam giác vàng, Nam Mỹ sẽ tiếp tục được vận chuyển theo cả các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường bưu điện đến các khu vực và các nước có nhu cầu cao về sử dụng ma túy.

Phóng viên: Trước thực trạng tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, Việt Nam đã có những kinh nghiệm, sáng kiến nào trong công tác hợp tác quốc tế để thực hiện mục tiêu ngăn chặn, tiến tới loại bỏ ma túy ra khỏi đời sống, xã hội, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Phạm Văn Các: Thực tế cuộc đấu tranh trong phòng, chống tội phạm ma túy đã khẳng định không một quốc gia đơn lẻ nào tự chống chọi thành công với tội phạm ma túy mang tính quốc tế cao như vậy. Do đó, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy. Thông qua việc tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực phòng, chống ma túy với các nước, các tổ chức phi Chính phủ, đặc biệt với cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ (DEA), Úc (AFP),  các nước tiểu vùng sông Mê Công, các nước ASEAN, nhất là với các quốc gia có chung đường biên giới.

Những năm qua, bằng nhiều hoạt động hợp tác quốc tế đa phương và song phương về phòng, chống ma tuý, chúng ta đạt được nhiều kết quả nổi bật, rất đáng ghi nhận. Thông qua việc ký kết, tham gia 3 Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy, ký kết các hiệp định, thỏa thuận; tham dự các diễn đàn, các hội nghị quốc tế, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong công tác phòng, chống ma túy ngày càng được nâng cao, thể hiện qua việc chúng ta đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

Gần đây nhất là việc Việt Nam đã nêu ra ý tưởng và được ghi nhận tại Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng, chống ma túy, diễn ra vào tháng 10-2018 tại Thủ đô Hà Nội; trong đó ASEAN nhất quán không hợp pháp hóa vấn đề sử dụng ma túy. 

Ngoài ra, thông qua các hội thảo, hoạt động trao đổi đoàn, chúng ta còn học tập và trao đổi được nhiều kinh nghiệm phòng, chống ma tuý với các nước; tranh thủ được sự ủng hộ về tài chính, trang thiết bị của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc các lực lượng Công an, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển.

Chủ trương, chính sách, pháp luật phòng, chống ma túy của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu; kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy.

Nhằm phát huy vai trò Chủ tịch đương nhiệm ASEAN về phòng, chống ma túy, Bộ Công an Việt Nam có sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, từ ngày 10 đến 12-9, tại Hà Nội. Đây là một cơ chế hợp tác bất thường được nhóm họp trước diễn biến phức tạp, khó lường của tội phạm ma túy, cảnh báo nguy cơ, thách thức mới, đòi hỏi các nước chung tay cùng Việt Nam và vì chính mình đối phó với hiểm họa ma túy.

Phóng viên: Thưa Cục trưởng, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy giữa Việt Nam và các quốc gia/ đối tác trong khu vực, trên thế giới đã thu được một số kết quả nổi bật, ông có thể chia sẻ điều này?

Cục trưởng Phạm Văn Các: Các cơ quan chức năng Việt Nam thường xuyên trao đổi thông tin, xác minh đối tượng, hỗ trợ điều tra các vụ án ma túy với cơ quan chức năng của các nước bạn và tiếp nhận sự chia sẻ thông tin của các nước, nhất là các quốc gia có chung đường biên giới, các đối tác. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2019, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam đã chỉ đạo và tổ chức các lực lượng phối hợp đấu tranh triệt phá nhiều vụ ma túy lớn.

Điển hình, vụ bắt giữ đối tượng người Trung Quốc, thu giữ 507,2kg Ketamin (lớn nhất từ trước tới nay, trị giá khoảng 500 tỷ VNĐ); vụ bắt 9 đối tượng người Trung Quốc và 4 đối tượng người Việt Nam, do đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, thu giữ 300kg ma túy tổng hợp dạng đá; vụ thu giữ 1.918kg ma túy tổng hợp và 100 bánh heroin, bắt giữ 18 đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới Việt Nam - Lào để đi nước thứ ba. 

Thông qua thông tin do Cảnh sát Việt Nam cung cấp, lực lượng chức năng các nước đã triệt phá được nhiều đường dây ma túy. Vụ gần đây nhất, nhờ thông tin Việt Nam cung cấp, Philippines đã bắt giữ 276kg ma túy đá giấu trong container từ Cảng Cát Lái – TP Hồ Chí Minh vận chuyển, cập cảng Manila vào ngày 22-3-2019. Tổng thư ký Cơ quan quốc gia phòng, chống ma túy Philippines đã gửi thư cảm ơn Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam.

Có thể khẳng định, lực lượng phòng, chống ma túy Việt Nam luôn chủ động và tích cực hợp tác với lực lượng Cảnh sát, thực thi pháp luật các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy; đưa ra nhiều sáng kiến tham mưu xây dựng, ký kết và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản hợp tác phòng, chống ma túy; tham gia đầy đủ các cơ chế hợp tác đa phương, song phương về phòng, chống ma túy. 

Đồng thời đẩy mạnh trao đổi thông tin qua cơ chế đường dây nóng với các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng có chung đường biên giới phối hợp tiến hành xác minh, điều tra các chuyên án về ma túy...

Phóng viên: Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12-9, vậy Việt Nam kỳ vọng gì ở hội nghị này, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Phạm Văn Các: Hội nghị lần này là sáng kiến của Việt Nam theo chỉ đạo của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an mời các nước láng giềng, một số quốc gia có liên quan và các tổ chức quốc tế đến Việt Nam nhằm bàn bạc, thống nhất, đánh giá… 

Về công tác phòng, chống ma túy; thấy rõ trách nhiệm của các nước, các đối tác và đưa ra giải pháp đối phó với tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp; xuất hiện ngày càng nhiều đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Vì vậy, sẽ có nhiều nội dung được thảo luận tại hội nghị lần này nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, trong đó trọng tâm là:

Các nước và tổ chức quốc tế sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin, cảnh báo xu hướng mới nổi của tội phạm ma túy và nguy cơ tiềm ẩn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với thế giới, khu vực, với Việt Nam và cả các quốc gia khác; tập trung phân tích và đánh giá tình hình, nắm bắt biến động mới của các tuyến, địa bàn và đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy trái phép trong khu vực. 

Trên cơ sở đó sẽ thảo luận thống nhất các giải pháp cấp bách, chiến lược lâu dài  nhằm phối hợp đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy đặc biệt là các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy hoạt động trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không...

Hội nghị cũng sẽ nêu tuyên bố chung, khẳng định cam kết của các quốc gia và các đối tác nhằm chia sẻ nhận thức cấp cao về tính cấp thiết của việc tăng cường hợp tác và phối hợp tác chiến trong đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy ở trong và ngoài khu vực.

Trên cương vị là nước Chủ tịch cơ chế hợp tác Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 6, với vai trò điều phối và dẫn dắt triển khai các hoạt động hợp tác về phòng, chống ma túy trong ASEAN, việc  Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc cùng một số đối tác là các cơ quan về phòng, chống ma túy của Hoa Kỳ, Australia và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc là hoạt động hết sức cần thiết. 

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần này là dịp để Việt Nam khẳng định quyết tâm và thông báo kết quả đạt được của Việt Nam trong công tác phòng, chống ma túy; thể hiện rõ thiện chí và mong muốn cùng với các nước, các tổ chức quốc tế thực thi có hiệu quả cam kết chính trị mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh với tội phạm ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng cộng đồng ổn định, phát triển ở mỗi nước trong khu vực và trên thế giới.

Minh Hiền
.
.