Trinh sát an ninh kể chuyện phá án đưa người sang nước ngoài lao động trái phép

Thứ Ba, 18/07/2017, 07:52
Chúng tôi đến Phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh Hòa Bình khi cán bộ, chiến sỹ đang bước vào giai đoạn điều tra căng nhất của vụ án tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép sang Malaysia. 


Vụ án này bộc lộ sự gian manh, xảo quyệt của đối tượng chủ mưu, phương thức, thủ đoạn hoàn toàn mới so với các vụ đưa công dân đi nước ngoài trái phép tại nhiều nước mà đơn vị đã khám phá trong những năm trước đây. Ngoài sự sáng tạo trong quá trình điều tra, các trinh sát còn mất nhiều công sức để xác minh sự hợp pháp trong tuyển dụng lao động đi nước ngoài của đường dây này. 

Nhớ lại quá trình tìm ra manh mối ban đầu của vụ án, trinh sát cho biết, cách đây khoảng gần 1 năm, qua công tác nắm tình hình và phát động quần chúng tố giác tội phạm, đơn vị đã nắm được thông tin về một phụ nữ sinh sống tại TP Hòa Bình tổ chức đưa người lao động trái phép sang Malaysia. Từ đó, hướng điều tra tập trung vào việc khoanh vùng những người đã từng xuất cảnh du lịch sang Malaysia, cũng như những người có mối quan hệ nhân thân hay có quá trình làm ăn, sinh sống tại nước này.

Qua rà soát, các trinh sát thấy nổi lên đối tượng Bùi Thị Ngọc Mai, 42 tuổi, trú tại phường Phương Lâm, TP Hòa Bình. Quá trình xuống nơi cư trú của Mai, cũng như xác minh qua nhiều nguồn tin cho thấy, từ năm 2003 đến năm 2011, Mai đã nhiều lần xuất cảnh sang Malaysia.

Phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh Hòa Bình triển khai công tác đấu tranh với các đối tượng đưa người đi lao động trái phép.

Theo người dân cho biết, đánh tiếng là đi du lịch nhưng thời gian Mai lưu lại ở nước ngoài rất lâu và sau khi về thì có rất nhiều người lao động tìm đến nhà Mai để xin việc làm. Bằng biện pháp nghiệp vụ, trinh sát xác định, Mai đã dùng hộ chiếu phổ thông để lao động trái phép tại Malaysia, khi hết hạn hộ chiếu,

Mai nhiều lần làm thủ tục gia hạn visa để được ở lại nước sở tại tiếp tục "lao động chui". Mai đã móc nối với công ty thầu xây dựng ở nước ngoài, sau khi về nước, qua hệ thống chân rết, Mai tuyển lao động, thu tiền của họ để đưa người đi lao động trái phép và hướng dẫn người dân đi làm hộ chiếu, khám sức khỏe rồi trực tiếp đưa người lao động sang nước ngoài.

Phòng An ninh Điều tra đã cử cán bộ đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình xác định Bùi Thị Ngọc Mai không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong nhiều ngày rà soát, xác định bị hại của vụ án, các trinh sát đã phối hợp với Công an các huyện, Công an các địa phương, Cảnh sát khu vực tìm đến nhiều vùng quê hẻo lánh thuộc địa bàn miền núi để nắm tình hình.

Tại 3 xóm của xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, nơi có nhiều hộ dân nghèo, các trinh sát đã nắm được thông tin có 13 người đi lao động xuất khẩu từ Malaysia về. Sau đó, Phòng An ninh Điều tra đã khởi tố vụ án, ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Bùi Thị Ngọc Mai.

Thượng tá Dương Quốc Trung, Trưởng phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, ngoài vụ đưa người lao động trái phép tại Malaysia thì việc điều tra, làm rõ các cá nhân tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài trái phép sang Trung Quốc cũng mất nhiều thời gian, công sức.

Thời gian qua, tình hình xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc diễn biến phức tạp, ước tính có trên 1.000 người.  Qua các vụ án đã được điều tra, khám phá ở địa bàn Hòa Bình cho thấy, đã xuất hiện một số đường dây tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài với quy mô lớn, tuyển dụng lao động trái phép ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong số đó có không ít người đi lao động ở nước ngoài đã vỡ mộng khi sang xứ người phải lao động vất vả, lương thấp, thậm chí không được trả lương, bị chủ quản thúc, một số lao động nữ còn bị ép bán dâm nên nhiều người đã tìm cách trốn về Việt Nam hoặc bị cơ quan chức năng Trung Quốc trục xuất.

Không thể kể hết những khó khăn vất vả của các trinh sát an ninh khi điều tra làm rõ các vụ án tổ chức người đi nước ngoài lao động trái phép. Như trong vụ án Quách Đức Thường, 39 tuổi, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội tổ chức đưa 19 người ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Nghệ An, Hòa Bình. Mất hàng tháng trời đến các địa bàn hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa và những huyện ngoại thành Hà Nội để thu thập chứng cứ, tìm bị hại, các trinh sát mới dựng được chân dung "ông trùm đưa người đi lao động trái phép".

Nắm tình hình, biết Thường chuẩn bị đưa một đoàn người ở các tỉnh đi Trung Quốc, đơn vị đã họp cử các tổ công tác phối hợp với Công an quận Hà Đông, Hà Nội kiểm tra, tạm giữ các lao động khi xe ôtô chuẩn bị xuất phát từ Hà Nội đưa họ đến TP Móng Cái, Quảng Ninh. Cá biệt, có đối tượng còn thành lập công ty, mở chi nhánh tại tỉnh làm bình phong, cam kết hỗ trợ cho vay ban đầu làm các thủ tục rồi trừ dần vào lương, ưu tiên người thuộc hộ nghèo. Vì vậy, các thủ tục diễn ra có sự cam kết giữa người lao động với công ty và chứng kiến của chính quyền địa phương khiến cho việc thu thập chứng cứ và xử lý rất phức tạp.

Chưa kể người dân trốn đi nước ngoài trái phép biết vi phạm pháp luật, có mối quan hệ gia đình với đối tượng chủ mưu nên không tố giác, không hợp tác với cán bộ điều tra, gây khó khăn cho cơ quan An ninh Điều tra khi điều tra vụ án.

Với những nỗ lực phòng ngừa, ngăn chặn nhiều vụ đưa người đi nước ngoài lao động trái phép, Phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã góp phần giữ bình yên trên địa bàn. Không chỉ vậy, đơn vị đã điều tra, làm rõ nhiều vụ vận chuyển, lưu hành tiền giả; chiếm đoạt trái phép vật liệu nổ, phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia... được UBND tỉnh Hòa Bình và các cấp khen thưởng.

Anh Hiếu
.
.