Tọa đàm khoa học về vấn nạn khủng bố ở Đông Nam Á

Thứ Năm, 24/03/2016, 15:27
Sáng 24-3, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và khoa học Công an đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học mang tên “Hoạt động khủng bố tại Đông Nam Á và tác động đến an ninh quốc gia Việt Nam”.

Nhắc đến 5 vụ đánh bom kinh hoàng ở thủ đô Brussles của Bỉ cách đây vài ngày cùng vụ tấn công khủng bố ở Indonesia hồi đầu năm cũng như các vụ việc khác diễn ra ở Pháp, Thái Lan…

Trung tướng, PGS.TS Trần Minh Thư, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học công an, chủ tọa buổi tọa đàm nói, vấn đề phòng chống khủng bố quốc tế ở khu vực Đông Nam Á hiện nay được các nước rất quan tâm ở 3 khía cạnh: một là, tập trung lực lượng để tăng cường khả năng phòng chống; hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng chống khủng bố; ba là, tăng cường quan hệ trao đổi với các cơ quan an ninh, tình báo nước ngoài để chia sẻ thông tin.

Cuộc tọa đàm được tiến hành vào buổi sáng 24-3.

Trong khi đó, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao nhận định, hiện có 3 loại hình hoạt động khủng bố chủ yếu với sự tham gia của nhiều nhóm khủng bố khác nhau.

Đầu tiên, đó là sự lan rộng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đến nay, có khoảng 30 nhóm khủng bố địa phương cam kết trung thành với IS, trong đó 3 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất là Indonesia, Malaysia và Philippines.

Một số nhóm khác như nhóm Abu Sayyaf ở Philippines hay Mujahidan Timor, Jamaah Anshorul Tauhid ở Indonesia đều tuyên bố trung thành với IS và có khả năng tiến hành thánh chiến. Thêm vào đó là hoạt động khủng bố của các phần tử người Duy Ngô  Nhĩ.

Các con số thống kê cho thấy, có 40.000 người Duy Ngô  Nhĩ đang tìm cách đi sang các nước Đông Nam Á để từ đó đi sang các nước thứ 3 là Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ…

Cuối cùng là các lực lượng khủng bố tại chỗ hoạt động riêng lẻ, nhất là ở miền Nam Thái Lan và khu vực Mindanao, Joho của Philippines… Từ đó có thể thấy về số lượng thì chủ nghĩa khủng bố không ngừng tăng trong khu vực Đông Nam Á;  hoạt động công khai như vụ tấn công ở Jakarta (Indonesia) hay vụ nổ bom ở Bangkok (Thái Lan) và có sự liên kết khá sâu rộng giữa những nhóm khủng bố trong khu vực với nhau và với các nhóm khủng bố ngoài khu vực, đặc biệt là về chỉ đạo, cung cấp tài chính, huấn luyện và lên kế hoạch khủng bố.

Đồng quan điểm với TS Trần Việt Thái, Đại tá, PGS.TS Phạm Đình Trường đến từ Học viện An ninh nhân dân cho biết, khủng bố quốc tế có đặc điểm gắn liền với tôn giáo, đặc biệt là trong khu vực Trung Đông và Đông Nam Á – nơi có đông dân Hồi giáo. 

Đồng thời, khủng bố quốc tế còn gắn với yếu tố dân tộc là chủ nghĩa cực đoan. Thời gian qua, khi nhận thức về hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố, các nước Đông Nam Á đã tiến hành nhiều biện pháp ở cấp quốc gia và khu vực để phòng, chống và trấn áp, đi tới loại bỏ các tổ chức khủng bố.

Chẳng hạn, Singapore coi đấu tranh chống khủng bố là một yếu tố cấu thành chính trong chính sách an ninh nội địa và tăng cường tuần tra, truy quét… Còn Malaysia, khi bắt giữ được nhiều thành viên IS, nước này đã thành lập một trung tâm chống bạo lực cực đoan (CVE) tại Kuala Lumpur. Philippines, Indonesia, Thái Lan cũng đã phát động nhiều chiến dịch trấn áp các mạng lưới khủng bố; đề ra các chiến lược đặc biệt nhằm chặn đứng hoạt động khủng bố.

Đại tá Nguyễn Như Hường cho biết, thông qua các cơ chế ASEANPOL và các cơ chế đa phương an ninh khác, các cơ quan an ninh của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là những nước có đông tín đồ Hồi giáo đã gia tăng chia sẻ thông tin, theo dõi chặt chẽ tình hình, thúc đẩy hợp tác pháp lý, kể cả dẫn độ tội phạm…

Và như Trung tướng, PGS.TS Trần Minh Thư đã khẳng định, ở Việt Nam, về mặt lâu dài phải chủ động phối hợp, chia sẻ thông tin tình báo, an ninh với các nước để nắm tình hình, trao đổi và cộng tác với các nước trong việc phòng chống khủng bố. Khâu kiểm soát an ninh ở các sân bay đặt ra vấn đề rất cần thiết nhất là khi vừa xảy 2 vụ đánh bom ở sân bay Zaventem ở thủ đô Brussels của Bỉ.

Huyền Chi
.
.