Thực hiện cao điểm chiến dịch cấp căn cước công dân
- Công an Đống Đa tăng cường lực lượng cấp CCCD gắn chip cho học sinh cuối cấp
- Động viên lực lượng cấp CCCD ở địa bàn đông dân cư
Các đơn vị Công an cấp tại chỗ và lưu động đảm bảo mục tiêu đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp được 50 triệu thẻ.
Để đảm bảo mục tiêu đến ngày 1/7 sẽ thu nhận trên 621.000 hồ sơ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Công an tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai; huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, đẩy mạnh truyên truyền trong nhân dân, tổ chức cấp CCCD theo lộ trình.
Lãnh đạo Công an tỉnh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, tăng cường huy động tối đa các nguồn lực để triển khai thực hiện, đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất.
Đại tá Đỗ Ngọc Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD tại xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn. |
Những ngày này, Công an Lạng Sơn đang dồn lực cho chiến dịch thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp lưu động. Để kịp thời đáp ứng tiến độ, từ ngày 10/3, Công an Lạng Sơn đã đồng loạt ra quân thực hiện “chiến dịch” thu nhận hồ sơ CCCD gắn chíp cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, xuống địa bàn các xã, thôn để thu thập thông tin, triển khai các bước tiếp nhận hồ sơ lưu động.
Thực hiện cấp căn cước ngoài giờ, vào tất cả các ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật, từ 7 giờ hàng ngày và phục vụ đến khi hết công dân có mặt làm thủ tục cấp căn cước. Mỗi ngày làm việc của cán bộ, chiến sĩ kết thúc rất muộn, thường vào khoảng 1 - 2 giờ sáng.
Trung tá Lăng Văn Hiến, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Lạng Sơn cho biết: “Xác định bước thu nhận hồ sơ thông tin cấp CCCD là vô cùng quan trọng nên cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ đều hết sức thận trọng, tỉ mỉ.
Hiện nay, dữ liệu công dân trên địa bàn tỉnh đã được thu nhận xong nên người dân khi đến làm CCCD gắn chíp điện tử sẽ không phải kê khai bất cứ mẫu đơn nào, cán bộ sẽ tiếp nhận thao tác trên máy.
Trung bình để hoàn thiện một hồ sơ CCCD cần khoảng 6 phút cho 5 bước, gồm: khai thông tin; thu nhận vân tay; chụp ảnh; kiểm tra thông tin và ký xác nhận.
Quá trình thu nhận hồ sơ cũng có một số trường hợp vân tay bị mòn, xước, không rõ nên máy khó thu nhận, thu nhận không thành công phải thao tác lại nhiều lần… Dù vậy, ở từng bước, công dân đến làm thủ tục đều được cán bộ Công an tận tình hướng dẫn.
Do số lượng cấp thẻ là rất lớn nên việc cấp CCCD lưu động tại các phường, xã sẽ giảm thời gian đi lại, giảm khoảng cách, thuận lợi cho người dân, góp phần vào công tác cải cách thủ tục hành chính.
Để người dân không phải chờ đợi lâu, Công an các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, căn cứ vào tình hình thực tế để thông báo, mời người dân đến làm thủ tục cấp CCCD và có phương án sắp xếp, bố trí địa điểm, trang thiết bị, cán bộ đón tiếp công dân, không để người dân phải chờ đợi quá lâu; đảm bảo giãn cách theo chỉ đạo của phòng chống dịch COVID-19. Đến ngày 20/3, Công an toàn tỉnh đã thu nhận gần 80.000 hồ sơ cấp CCCD gắn chip cho người dân.
Với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, lực lượng Công an tỉnh Lạng Sơn đã và đang hằng ngày, hằng giờ thực hiện “chiến dịch” thu nhận hồ sơ CCCD. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn nữa, rất cần sự chung tay ủng hộ của nhân dân trên địa bàn.
Khi nhận được thông báo mời, nhân dân cần sắp xếp thời gian đến làm thủ tục theo đúng thời gian, địa điểm quy định, mang theo sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân để phục vụ tra cứu thông tin được chính xác.
Bên cạnh tổ chức lưu động, những trường hợp đặc biệt như: người già đau yếu, neo đơn, người có công, tổ cấp CCCD của công an tỉnh và ở các huyện, thành phố sẽ đến tận nhà làm thủ tục, bảo đảm ai thuộc diện trong quy định đều được cấp thẻ…
Hiện nay, Công an tỉnh Lạng Sơn đã dừng việc cấp thẻ CCCD mã vạch và chứng minh nhân dân 9 số nên công dân chắc chắn phải đổi sang thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử trong thời gian tới để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, góp phần nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số.