Đoàn Nghi lễ CAND hội ngộ khán giả bên Hồ Hoàn Kiếm:

Thêm nhiều bất ngờ thú vị về những nghệ sĩ – chiến sĩ công an

Thứ Bảy, 09/11/2019, 20:49
Tối 9-11, Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân (CAND) thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động đã có một buổi diễn đặc biệt thành công, thu hút đông đảo người dân và du khách tản bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm.


Đây là lần thứ hai dàn nhạc kèn hùng hậu và các nghệ sĩ ca múa nhạc của Đoàn Nghi lễ biểu diễn, chinh phục công chúng bằng sự đa dạng, mới lạ của các kịch mục và cả những thú vị, bất ngờ mới về lực lượng nghệ sĩ mang màu áo lính trong lực lượng công an. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến dự, động viên các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các đại biểu và đông đảo nhân dân theo dõi chương trình.

Theo Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Công an, chương trình biểu diễn của Đoàn Nghi lễ CAND phục vụ nhân dân bên Hồ Hoàn Kiếm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 102 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga (7-11-1917 – 7-11-2019). 

Đây cũng là một trong các chương trình thuộc chuỗi hoạt động của Đoàn Nghi lễ CAND, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, trên khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, được tổ chức theo chủ trương của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhằm xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an gần gũi thân thiện với nhân dân. Chương trình giới thiệu đến công chúng 16 tiết mục biểu diễn, trong đó, đội ngũ đóng vai trò chủ lực vẫn là dàn nhạc kèn của Đoàn Nghi lễ CAND.
Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng ảnh Bác Hồ cho Đoàn Nghi lễ.

Thực tế, từ trước buổi biểu diễn chính thức, khu vực Đài phun nước Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phường Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tấp nập bởi gần trăm nghệ sĩ, chiến sĩ công an đang chuẩn bị cho chương trình. 

Các nghệ sĩ Đoàn Nghi lễ CAND biểu diễn phục vụ nhân dân tối ngày 11-9.

Mặc dù sân khấu đã được dựng, hoàn thiện từ sáng nhưng Thượng tá Trịnh Anh Thông, Phó đoàn phụ trách chuyên môn của Đoàn Nghi lễ CAND vẫn có vẻ hơi lo lắng. Anh cho biết, để có sân khấu phục vụ cho chương trình, đội ngũ làm công tác hậu cần và các nghệ sĩ đã phải làm gần suốt đêm 8-11. Đến sáng 9-11, sân khấu mới được hoàn tất cả về âm thanh, ánh sáng. Đây là sân khấu phục vụ các buổi biểu diễn cơ động của Đoàn. Biểu diễn ở đâu, đoàn dựng sân khấu ở đấy. 

Với các buổi biểu diễn này, sân khấu chỉ rộng 70m2. Để đáp ứng cho chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân trên phố đi bộ và không gian Đài phun nước Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Đoàn phải thuê bổ sung, tăng cường hệ thống âm thanh ánh sáng, tăng diện tích sân khấu lên đến 120m2.

Cũng theo Thượng tá Trịnh Anh Thông, để chương trình thêm mới mẻ, hấp dẫn, Đoàn đã thay đổi nhiều nội dung và hình thức biểu diễn. Ngoài hòa nhạc kèn, Đoàn đã tăng cường nội dung múa, hát. Nội dung hòa nhạc cũng bổ sung nhiều tiết mục mới, phù hợp với số đông và phù hợp với một chương trình biểu diễn đường phố hơn.

Đúng 20h, dưới sự chỉ huy của Đại úy Nguyễn Tiến Dũng, dàn nhạc kèn Đội Nghi lễ CAND “tái xuất” trước nhân dân và du khách. Khi “Hành khúc CAND” rộn rã vang  lên cũng là lúc dòng người trước sân khấu dần chật kín. “Việt Nam quê hương tôi” – một sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đã trở thành ca khúc được nhiều thế hệ người Việt yêu mến chợt trở lên quen mà lạ. Thay vì sự thể hiện của những giọng ca nổi tiếng, ca khúc vang lên trên sân khấu bởi các nghệ sĩ dàn nhạc kèn và dàn nghệ sĩ múa phụ họa.

“Hành khúc thắng lợi” – tác phẩm được các nghệ sĩ dàn nhạc kèn của Đội Nghi lễ CAND biểu diễn trước nhân dân trên phố đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm trở lại trên sân khấu nhưng rộn ràng hơn, nhuần nhuyễn hơn. “Bài ca Hồ Chí Minh” – một sáng tác của Ewan MacColl, đòi hỏi người nghệ sĩ biểu diễn phải đầy bản lĩnh sân khấu và kỹ thuật thanh nhạc đã vút cao trên sân khấu. Sự xuất hiện của tốp ca nữ với “Tâm tình người lính trẻ”, tốp ca nam với ca khúc mang đậm dấu ấn văn hóa Nga -  “Thời thanh niên sôi nổi” khiến bầu không khí quanh khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trở lên sôi nổi. Một số du khách trẻ thoải mái nhịp theo điệu nhạc, nhún nhảy hưởng ứng cùng các nghệ sĩ trên sân khấu.

Sự trở lại của dàn nhạc kèn với “Hành khúc khải hoàn” và “Lời từ biệt cô gái Slavơ” mang đậm dấu ấn văn hóa Nga tạo nhiều bất ngờ thú vị cho khán giả. Tiếp cận, tìm hiểu một nhóm bạn trẻ đang vừa xem, vừa bật điện thoại quay lại cảnh nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, chúng tôi được biết, cả nhóm đang là sinh viên Trường Đại học Văn hóa tại Hà Nội. Khu phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm là địa chỉ “tụ tập” bạn bè cuối tuần thường xuyên của nhóm bạn, nhưng đây là lần đầy tiên họ gặp các nghệ sĩ công an biểu diễn nên phải tranh thủ quay video để khoe với bạn bè trên facebook.

Chăm chú theo dõi gần như từ phút đầu đến cuối chương trình, bác Minh Thúy, một công dân của Thủ đô lâu năm cũng bày tỏ ngạc nhiên. Bởi, theo cách hiểu lâu nay của bác thì dàn nhạc kèn, quen được gọi là kèn Tây, chỉ xuất hiện cùng với các nghi thức quân đội, diễu binh, diễu hành. Bác không ngờ, dàn nhạc kèn của công an lại biểu diễn cả những ca khúc trữ tình, mang âm hưởng dân gian, có cả giai điệu Tây Nguyên, dân ca Tây Bắc như thế…

Hòa nhạc kết hợp múa phụ họa “Nhịp xòe tình bạn” – một tác phẩm mang âm hưởng dân ca và sắc màu văn hóa Tây Bắc khép lại hơn 90 phút của chương trình giữa sự hào hứng và cổ vũ nồng nhiệt của người xem. Những tấm hình kỷ niệm chụp vội, lưu lại nụ cười thật tươi của nghệ sĩ biểu diễn và khán giả là dư âm đẹp khác của các nghệ sĩ – chiến sĩ, như lời hẹn trở lại trong một dịp gần nhất, với chương trình  đặc biệt chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12.


N.Nguyễn
.
.