Tăng cường các giải pháp đảm bảo TTATGT
Ngày 19/3, tại Hà Nội, Cục CSGT tổ chức hội thảo “Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phân luồng giao thông, chỉ huy điều khiển giao thông phục vụ đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Trung tâm chỉ huy Cục CSGT có thể giám sát hoạt động các phương tiện trên nhiều tuyến giao thông |
Dưới sự điều hành của đồng chí Thiếu tướng Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT, tại hội nghị,10 tham luận của các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, thẳng thắn nhìn nhận những kết quả đã được, và tồn tại để hoàn thiện cả về cơ sở lý luận và khoa học, giải quyết các vấn đề trong công tác tổ chức, chỉ huy, phân luồng giao thông trên địa bàn thủ đô và các thành phố lớn, trong thời gian tới; sẵn sàng phục vụ các hội nghị của Đảng, nhà nước và các sự kiện quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.
CSGT dẫn đoàn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII |
Phát biểu tổng kết tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Quốc Trung yêu cầu cơ quan tham mưu tiếp thu và lĩnh hội đầy đủ ý kiến tham gia của các chuyên gia, các đơn vị, địa phương liên quan nhằm hoàn thiện các phương án, kế hoạch tổ chức, phân luồng giao thông tại những địa bàn trọng điểm.
Các đại biểu tại hội thảo |
Trong đó, tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính, đó là hoàn thiện cơ sở khoa học của công tác “Tổ chức, phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông”, thống nhất về mặt lý luận, đưa ra những luận cứ để khẳng định tính khoa học khi đưa nội dung này vào Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, tạo hành lang pháp lý cho công tác nghiệp vụ của lực lượng CSGT; làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện về lực lượng, phương tiện, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống và chủ động công tác hậu cần, tài chính, chiến đấu sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ không để bị động, bất ngờ; áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong đảm bảo ATGT; duy trì, nâng cao phối hợp với các sở, ban ngành và chính quyền địa phương trong công tác tổ chức lại giao thông; phối hợp từng bước khắc phục thực trạng “hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra với tốc độ phát triển phương tiện, nhu cầu đi lại và mức độ đô thị hóa”; từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, thông qua các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng CSGT như tăng cường TTKS, xử lý vi phạm; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật...