Nỗ lực vì sự bình yên của... “thủ phủ” sầu riêng

Thứ Ba, 16/10/2018, 08:41
Hơn 5 năm qua, địa bàn huyện Krông Pắk được mệnh danh là “thủ phủ sầu riêng” của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung với tổng nguồn thu gần 2.000 tỷ đồng/năm. Sầu riêng được mùa, được giá khiến hàng trăm thương lái đổ xô về đây thu mua. Kéo theo đó là vấn nạn “bảo kê” thu mua của các tay “anh chị” khiến tình hình an ninh diễn ra khá phức tạp…

Hết đường bảo kê, ép giá

“Khoảng 1h30 rạng sáng một ngày trung tuần tháng 9-2015, trong lúc 36 công nhân thu mua sầu riêng của doanh nghiệp đang ngủ trong một nhà trọ ở thôn 19/5, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk thì bỗng nghe ngoài cửa có tiếng ồn ào, hàng chục chai xăng ném tới tấp vào cửa chính, bùng cháy. Các công nhân phải bung cửa sau chạy thoát thân, tìm dụng cụ để dập tắt lửa...”, ông Lê Minh Tâm, chủ một doanh nghiệp thu mua sầu riêng trên địa bàn nhớ lại.

Cũng theo ông Tâm, trước đó, vào đầu năm 2015, doanh nghiệp của ông mới “chân ướt, chân ráo” từ Tiền Giang chuyển lên huyện Krông Pắk để mở cơ sở thu mua sầu riêng. “Vào thời điểm đó, các công nhân cũng như tôi thường xuyên bị các tay anh chị ghé thăm, đe dọa rằng nếu không quay trở về Tiền Giang sẽ bị thịt. Quá lo sợ, tôi điện thoại báo cho Công an thì mấy hôm sau bị ném xăng giữa đêm. Sau khi nhà trọ bị khủng bố, lo sợ nguy hiểm tính mạng, gần 20 công nhân đã bỏ việc về quê…”, ông Tâm nhớ lại.

Đó là câu chuyện của mấy năm về trước, những ngày giữa tháng 10-2018, chúng tôi có dịp trở lại “thủ phủ sầu riêng” để tìm hiểu thì chứng kiến một cảnh bình yên, “thế giới ngầm” hầu như mất bóng. Cảnh mua bán diễn ra khá nhộn nhịp, những gương mặt tươi cười luôn hiển hiện trên mặt các ông chủ cũng như người nông dân.

“Mấy năm về trước, vấn nạn giang hồ đổ xô về “bảo kê” thu mua sầu riêng diễn ra khá công khai, lộ liễu. Nhưng từ đầu năm 2016, khi Công an mạnh tay với những băng giang hồ bảo kê, ép giá…, việc thu mua sầu riêng yên bình hẳn. Công an còn cử lực lượng tuần tra, túc trực suốt ngày đêm ở gần các vựa thu mua, nhà vườn nên các tay anh chị không có cơ hội đe dọa, lấy tiền bảo kê doanh nghiệp hay chèn ép người dân”, ông Tâm phấn khởi.

Ông Nguyễn Tiến Điệp (Giám đốc Công ty TNHH TM-DV nông sản Huynh Đệ) cho biết, khoảng 4 năm trước, tại Krông Pắk chỉ có khoảng 10 chủ vựa, chủ yếu là ở Tiền Giang lên thu mua và gặp rất nhiều trở ngại, luôn lo sợ. Các chủ vựa thường bị đe dọa và còn phải “trả phí” từ 1-2 triệu đồng/tấn sầu riêng cho các tay anh chị nếu muốn yên thân làm ăn. Ngay cả bãi đậu container chờ bốc hàng cũng có người điều phối để lấy 200.000 đồng/xe/lần.

“Hai năm nay thì các tay giang hồ lớn bé, trong và ngoài tỉnh không còn dạt về đây nữa vì Công an làm rất gắt. Làm bậy sẽ bị xử lý ngay”, ông Điệp cho biết.

Niềm vui của các công nhân làm việc tại các vựa thu mua sầu riêng khi không còn phải lo lắng trước nạn bảo kê của giang hồ.

“A lô” là Công an có mặt

Dẫn chúng tôi đi thăm những vườn sầu riêng trĩu quả trên địa bàn, Thiếu tá Nguyễn Đức Thuận, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Krông Pắk cho biết, để lập lại trật tự thị trường mua bán sầu riêng trên địa bàn, 3 năm nay hàng chục cán bộ, chiến sĩ liên tục bám địa bàn mỗi khi mua thu hoạch về.

Một tổ công tác gồm 20 cán bộ, chiến sĩ Công an huyện cũng được thành lập từ đầu vụ sầu riêng và có nhiệm vụ tuần tra trên toàn diện tích sầu riêng của huyện và tại các vựa thu mua. Một chốt Công an cũng được đặt gần nơi các vựa sầu riêng tập trung để bảo vệ việc mua bán lành mạnh, an toàn suốt 24/24h…

Cũng theo Thiếu tá Nguyễn Đức Thuận, tất cả các nhà vườn, chủ vựa thu mua sầu riêng trên địa bàn đều có số điện thoại của lãnh đạo và thành viên trong tổ công tác Công an huyện. “Khi có người lạ, biểu hiện nghi ngờ đều được người dân, các chủ vựa báo về để anh em trinh sát sớm nắm bắt tình hình, kiểm soát địa bàn. Bất kể ngày đêm, sớm khuya anh em đều có mặt kịp thời khi có tin báo. Chính từ đây các đối tượng có biểu hiện đòi bảo kê, trộm cắp sẽ bị răn đe ngay từ đầu. Đến nay, tình trạng đòi bảo kê, trộm cắp trên địa bàn hầu như không còn diễn ra”, Thiếu tá Nguyễn Đức Thuận nói.

Còn theo Trung tá Lê Hữu Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Pắk, để đạt được kết quả như hiện nay, đơn vị đã kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn các đối tượng nghi vấn. Theo đó, đầu mỗi vụ sầu riêng, Công an huyện “lên danh sách” các đối tượng hình sự xuất hiện tại địa phương để có biện pháp đề phòng, răn đe.

“Công an huyện thường xuyên có kế hoạch bố trí trinh sát, phối hợp tuần tra với Công an các xã, thị trấn có thu mua sầu riêng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tội phạm. Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị Công an ở các địa phương khác để nắm thông tin về các đối tượng hình sự để đưa ra biện pháp răn đe hiệu quả”, Trung tá Tuấn thông tin.

Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Krông Pắk đã kịp thời ngăn chặn 13 vụ nhúng hóa chất vào sầu riêng, tham mưu xử phạt số tiền 330 triệu đồng giúp đảm bảo uy tín nghề trồng sầu riêng trên địa bàn huyện.

“Để quản lý tốt hơn nữa việc trồng, buôn bán sầu riêng, chúng tôi cũng phối hợp với đơn vị xuất nhập cảnh Công an tỉnh ngăn chặn các thương lái Trung Quốc vào tận vườn để làm giá, tránh nguy cơ kiểm soát thị trường sau này. Chúng tôi khuyến khích các chủ vựa thành lập hợp tác xã để có thông tin giá mua, giá bán rõ ràng, tránh việc tranh giành, gây mất an ninh trật tự”, Trung tá Lê Hữu Tuấn kiến nghị.

Văn Thành
.
.