Những điểm mới của Thông tư quy định việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo trong CAND

Thứ Tư, 02/09/2020, 10:42
Ngày 3/8/2020, Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Thông tư số 85/2020/TT-BCA quy định việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân (CAND) thay thế Thông tư số 10/2014/TT-BCA ngày 4/3/2014 cho phù hợp với Luật Tố cáo 2018, Nghị định số 22/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong CAND và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an.


Thông tư số 85/2020/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/9/2020. So với Thông tư 10/2014/TT-BCA, Thông tư này có những điểm mới sau đây:

1. Căn cứ pháp lý:

Bổ sung Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25/11/2015 vì tại Mục 2 Chương IX, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ tạm giam xác định đây là một lĩnh vực tố cáo trong CAND. Theo đó, Thông tư bổ sung các quy định như sau:

Xử lý ban đầu thông tin tố cáo đối với tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan Thi hành tạm giữ, tạm giam cấp nào thì chuyển đến Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp xem xét, giải quyết (khoản 4 Điều 6).

Quản lý công tác giải quyết tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam, các cấp trong CAND giúp Thủ trưởng cùng cấp thống nhất quản lý về công tác giải quyết tố cáo thuộc lĩnh vực của mình (khoản 6 Điều 18).

2. Tiếp nhận thông tin tố cáo:

Bổ sung quy định cán bộ xử lý hoặc người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm “giữ bí mật thông tin người tố cáo” để phù hợp với Luật Tố cáo và tình hình thực tế công tác giải quyết tố cáo trong CAND hiện nay (Điều 5).

3. Xử lý ban đầu thông tin tố cáo:

Đối với thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung: Về thời hạn xử lý: Chỉnh sửa thời hạn kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo từ 10 ngày làm việc xuống còn 07 ngày làm việc (từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc đối với trường hợp kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh) cho phù hợp với Luật Tố cáo 2018 (điểm a, khoản 1 Điều 6).

Lưu đơn: Thông tư quy định 03 trường hợp lưu đơn (điểm c, d, đ, khoản 1 Điều 6),  cụ thể: Trường hợp đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân, trong đó có cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong CAND hoặc đã được hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi đơn tố cáo đến thì lưu đơn, không xử lý. Trường hợp người tố cáo không trực tiếp tố cáo mà ủy quyền cho người khác tố cáo hoặc có căn cứ xác định người tố cáo không đủ năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện theo quy định của pháp luật thì lưu đơn, không xử lý. Trường hợp tố cáo đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật, được kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản nhưng người tố cáo tiếp tục tố cáo mà không cung cấp thông tin, tình tiết mới thì không xem xét, xử lý và lưu đơn.

Đối với thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự: Để phù hợp với Luật Tố cáo, Nghị định 22/2019/NĐ-CP và thực tiễn công tác tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo ngay từ lúc ban đầu, Thông tư bổ sung quy định cán bộ, chiến sĩ Công an không giữ chức vụ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi đang thi hành nhiệm vụ công vụ nếu tiếp nhận thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thuộc phạm vi nhiệm vụ của mình thì phải kịp thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình biết và tiến hành ngay việc xác minh nội dung tố cáo, áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật (điểm c, khoản 2 Điều 6).

4. Thẩm quyền giải quyết tố cáo:

Nội dung cơ bản được kế thừa Thông tư số 10/2014/TT-BCA, nhưng xuất phát từ thực tiễn công tác giải quyết tố cáo và để hạn chế tối đa những tác động, ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành Công an, Thông tư bổ sung thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Công an trong việc giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới đối với trường hợp có nội dung tố cáo phức tạp, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành Công an khi xét thấy cần thiết (Điều 8).

Thông tư không quy định cho Thủ trưởng Công an cấp dưới vì Luật Tố cáo, Nghị định số 22/2019/NĐ-CP đã quy định rõ về thẩm quyền giải quyết tố cáo và để tránh sự tùy tiện trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an các cấp, đẩy nhiều vụ việc tố cáo tiếp và giải quyết lại vụ việc tố cáo lên cấp Bộ. Tuy nhiên, đối với Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương thì Thông tư có quy định giải quyết khác là Cơ quan Thanh tra có trách nhiệm thực hiện công tác thanh tra đột xuất đối với đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý của Thủ trưởng Công an cùng cấp theo yêu cầu của việc giải quyết tố cáo khi được giao (điểm d, khoản 1 Điều 17).

5. Trường hợp người tố cáo rút tố cáo:

Thông tư dẫn chiếu theo quy định của Luật tố cáo 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ (khoản 2 Điều 10).

6. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết và quản lý công tác giải quyết tố cáo:  

Thông tư kế thừa nội dung của Thông tư số 10/2014/TT-BCA, trong đó trách nhiệm và chức năng quản lý giải quyết tố cáo của Tổng cục Xây dựng lực CAND được thay thế bởi Cục Tổ chức cán bộ Bộ Công an cho phù hợp Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an (khoản 2 Điều 17 và khoản 5 Điều 18).

7. Báo cáo công tác giải quyết tố cáo:

Thông tư chỉnh sửa thời gian báo cáo định kỳ hàng tháng, báo cáo 6 tháng, báo cáo năm và báo cáo vụ việc theo quy định về chế độ báo cáo trong CAND.

Trên đây là một số nội dung mới của Thông tư số 85/2020/TT-BCA ngày 3/8/2020 của Bộ trưởng trưởng Bộ Công an quy định việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong CAND. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương cần phổ biến, quán triệt các quy định của Thông tư đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ CAND đặc biệt là lực lượng Thanh tra CAND các cấp để góp phần xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.

Hoàng Anh Tuấn
.
.