Văn bản, chính sách mới:

Những điểm mới của Nghị định 22/2019/NĐ-CP về tố cáo và giải quyết tố cáo trong CAND

Thứ Sáu, 05/04/2019, 08:33
Ngày 25-2-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 22/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong CAND. Trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị định số 91/2013/NĐ-CP ngày 12-8-2013, Nghị định số 22/2019/NĐ-CP có sửa đổi, bổ su ng cho phù hợp với Luật Tố cáo 2018 và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an.


1. Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong CAND

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an quy định tại Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 6-8-2018 của Chính phủ, để đảm bảo nguyên tắc xác định thẩm quyền quy định tại Điều 12 của Luật Tố cáo năm 2018 và phù hợp với cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, Nghị định số 22/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong CAND đối với từng cấp, từ Trưởng Công an cấp xã đến Bộ trưởng Bộ Công an. Trong đó, một số điểm mới quan trọng của Nghị định số 22/2019/NĐ-CP như sau:

- Ngoài việc quy định rõ thẩm quyền theo từng cấp chức vụ trong CAND, Nghị định quy định thêm nguyên tắc xác định thẩm quyền trong các trường hợp các đơn vị có sự hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; các cán bộ, chiến sĩ đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, chiến sĩ Công an. Cụ thể:

+ Khoản 8 Điều 5 của Nghị định quy định: “Tố cáo cán bộ, chiến sĩ hoặc cơ quan, đơn vị cấp dưới của cơ quan, đơn vị đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đang quản lý cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị đó chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết.

 Tố cáo cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan, đơn vị trong CAND đã bị giải thể do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý cơ quan, đơn vị Công an trước khi bị giải thể giải quyết”.

+ Khoản 9 Điều 5 Nghị định quy định: Thẩm quyền giải quyết tố cáo cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ xảy ra trong thời gian trước đây nay đã chuyển cơ quan, đơn vị hoặc khô ng còn là cán bộ, chiến sĩ Công an theo nguyên tắc sau:

* Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị cán bộ, chiến sĩ Công an đó công tác tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị cán bộ, chiến sĩ Công an đang công tác phối hợp giải quyết;

* Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác và giữ chức vụ cao hơn thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đang quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an đó chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;

Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác và giữ chức vụ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đó thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị cán bộ, chiến sĩ đang công tác chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đã quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;

* Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác mà không thuộc 3 trường hợp nêu trên thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đang quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo phối hợp giải quyết;

* Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, chiến sĩ Công an thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ Công an tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết;

- Quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với Trưởng phòng, thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Cục thuộc cơ quan Bộ.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định quy định như sau: “Giám thị trại giam, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng; Trưởng phòng, Thủ trưởng các đơn vị tương đương cấp phòng có con dấu riêng thuộc đơn vị cấp cục và tương đương thuộc cơ quan Bộ giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ từ Đội trưởng và tương đương trở xuống; giải quyết tố cáo đơn vị cấp đội hoặc tương đương cấp đội thuộc quyền quản lý trực tiếp”.

Quy định như trên phù hợp với thực tiễn cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an vì sau khi hợp nhất, chia tách, giải thể, có đơn vị cấp phòng thuộc cơ quan Bộ có quân số đông, nếu không quy định Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì Cục trưởng, thủ trưởng đơn vị tương đương cấp Cục sẽ quá tải trong việc giải quyết tố cáo.

- Quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ Công an biệt phái đến công tác tại cơ quan, tổ chức khác ngoài CAND.

Trước đây, Nghị định số 91/2013/NĐ-CP ngày 12-8-2013 không quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ Công an biệt phái dẫn đến khi tiếp nhận đơn tố cáo trong trường hợp này các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác định thẩm quyền giải quyết. Để khắc phục thiếu sót này, Nghị định 22/2019/NĐ-CP đã quy định nội dung này để thực hiện. Cụ thể: Tại khoản 10 Điều 5 Nghị định quy định:

Thẩm quyền giải quyết tố cáo cán bộ Công an biệt phái đến công tác tại cơ quan, tổ chức khác ngoài CAND theo nguyên tắc sau:

+ Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong thời gian công tác trước khi biệt phái thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an quản lý trực tiếp tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật giải quyết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết;

+ Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức mới thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi cán bộ đó đang công tác giải quyết.

(Còn nữa)

Nguyễn Văn Cường (Thanh tra Bộ Công an)
.
.