Nhiều kinh nghiệm hay trong quản lý giáo dục thanh thiếu niên hư ở Bích Đào
- Nhiều mô hình giữ trật tự có hiệu quả tại Hải Dương
- Nóng bỏng giữ trật tự giao thông tại cửa ngõ phía Tây Hà Nội
Trong đó, huy động được sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể và nhân dân, giúp đỡ thành công nhiều thanh niên hư thuộc diện quản lý có tiến bộ.
Đồng chí Nguyễn Đức Vũ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bích Đào (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cho biết, từ năm 1997, do có sự điều chỉnh địa giới hành chính, phường Bích Đào đã được sáp nhập của 3 phường khác là Đinh Tiên Hoàng, Ninh Sơn, Ninh Phúc nên nảy sinh nhiều vấn đề, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn xã hội do có những nhóm thanh thiếu niên hư thường xuyên tụ tập...
Mô hình 3+1 phường Bích Đào thường xuyên tổ chức kiểm tra lưu trú, tạm trú. |
Trước tình hình trên, để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên, đặc biệt là thanh, thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật, Đảng ủy, UBND phường đã xây dựng kế hoạch, đặc biệt thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện Chỉ thị số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên.
Trên cơ sở đó, phường Bích Đào thành lập Ban chỉ đạo quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn phường do Chủ tịch UBND phường làm trưởng ban, 4 phó ban, 12 đồng chí là trưởng các ngành, các đoàn thể và 13 tổ trưởng tổ dân phố làm thành viên.
Đáng chú ý, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện phong trào 3+1 gồm: Công an xã, phường với cán bộ đoàn thể quần chúng, cán bộ tổ dân phố, thôn, xóm cùng với gia đình giúp đỡ một thanh thiếu niên hư về quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật. Sau đó, từng tổ dân phố đã thành lập tiểu ban chỉ đạo thực hiện phong trào 3+1. Phường tổ chức ký cam kết thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Công an, Quân sự, MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội LHPN, Hội CCB, Hội Nông dân, trường THCS, các thôn trên địa bàn xã về việc tăng cường công tác phối hợp quản lý giáo dục thanh, thiếu niên hư…
Đối với Công an phường Bích Đào đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, kiểm tra lưu trú, tạm trú. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an viên nắm chắc tình hình địa bàn, phát hiện những thanh, thiếu niên hư thường xuyên tụ tập chơi bời, bỏ học, nghiện game để có biện pháp phối hợp với thôn, đến tận gia đình có con em hư để thông báo; đồng thời triệu tập, gọi hỏi răn đe, yêu cầu viết cam kết; thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nhất là những nơi thanh, thiếu niên hay tụ tập; phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm, bảo đảm đúng người, đúng pháp luật. Phối hợp nắm bắt tình hình, tư tưởng để động viên kịp thời những gia đình có con em hư.
Theo Đại úy Lê Văn Tuấn, Trưởng Công an phường Bích Đào, ban đầu để tiếp cận các cháu gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì một số gia đình không hợp tác do ngại ngùng sợ mất thanh danh, xấu hổ với họ hàng làng xóm; còn bản thân các cháu mặc cảm, có trường hợp thấy tổ chức đoàn thể, Công an đến là né tránh không gặp, thậm chí còn buông lời khó nghe… Nhưng với sự kiên trì, bằng các biện pháp nghiệp vụ phối hợp với tình cảm, chia sẻ, Công an phường Bích Đào phối hợp với tổ chức đoàn thể mỗi lần đến các gia đình đều giải thích cặn kẽ việc đưa các cháu vào diện quản lý với mục đích là để giúp đỡ nhằm hạn chế vi phạm pháp luật.
“Hàng ngày, chúng tôi thay nhau đến thăm hỏi, trò chuyện với gia đình, gần gũi, nắm được tâm tư, nguyện vọng của các cháu, để có biện pháp giáo dục, chuyển hóa phù hợp”- Đại úy Lê Văn Tuấn chia sẻ. Kết quả trong vòng 1 năm, đã có nhiều cháu trên địa bàn được giáo dục thành công, trở về là công dân tốt, con ngoan của gia đình, góp phần kiềm chế và làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm giữ vững ổn định an ninh trật tự địa bàn. Từ 5 thanh, thiếu niên hư đưa vào diện quản lý, giáo dục, đến nay đã giúp đỡ được 4 em tiến bộ.
Chia sẻ về mô hình 3+1 được triển khai trên địa bàn, bà Đặng Yến Thủy, Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng Tổ dân phố Vạn Thịnh, phường Bích Đào cho biết: Tại khu dân cư có trường hợp cháu Trần Đức Tài, không tập trung vào việc học tập, sau đó là bỏ học, thường xuyên tụ tập chơi bời, đi chơi khuya dẫn đến hư hỏng. Do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ mải lo làm ăn nên không có nhiều thời gian chăm lo thường xuyên cho con cái. Khi cháu Tài làm cho quán bar có quen một cô gái và dắt về nhà đòi bố mẹ cưới mặc dù chưa đến tuổi. Cưới xong, cháu này không tu chí làm ăn, thường xuyên gây gổ chửi bới vợ con, bố mẹ, bỏ nhà đi từ sáng đến đêm không về…
Trước cảnh đó, tổ dân phố đã báo lên chính quyền phường can thiệp, đưa cháu Tài vào diện để quản lý, giáo dục… Sau một thời gian được đưa vào diện quản lý, giáo dục, với sự giúp đỡ của các đoàn thể, đặc biệt là Công an phường, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, cán bộ trong phường, cháu Tài đã bắt đầu thay đổi. Đến nay, sau khoảng 3-4 tháng thường xuyên nhận được sự quan tâm giúp đỡ của mô hình 3+1, cháu Tài đã thực sự chuyển biến, đã biết tự động làm việc nhà, phụ giúp gia đình bán hàng…
Hiệu quả từ mô hình 3+1 về công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn phường Bích Đào đã và đang được nhân rộng trên địa bàn TP Ninh Bình. Để có được kết quả khả quan đó, là nhờ có sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn, trong đó lực lượng Công an là nòng cốt.