Người cựu binh hết mình với công việc của Trưởng ban Bảo vệ dân phố
Năm 1999, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông tham gia công tác tại tổ dân phố 26, phường Kim Tân và được mọi người tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ Dân phố kiêm Bí thư Chi bộ khu dân cư Nhạc Sơn 2. Năm 2006, Chi bộ khu dân cư Nhạc Sơn 2 chia tách, ông vẫn giữ “y nguyên” chức tổ trưởng Dân phố của mình.
Thấy ông làm tốt, lại được quần chúng nhân dân yêu quý, kính trọng, tín nhiệm, năm 2008, lãnh đạo chính quyền phường Kim Tân đã bổ nhiệm ông “gánh” thêm nhiệm vụ: Trưởng ban Bảo vệ dân phố.
Ông Bùi Văn Sỹ đang trò chuyện, giáo dục các đối tượng nghiện ma tuý. |
Kim Tân là phường trung tâm chính trị, văn hoá của thành phố Lào Cai, tập trung đông dân cư sinh sống, trên địa bàn có nhiều loại hình kinh doanh – dịch vụ… tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định về trật tự xã hội.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt ở cơ sở trong công tác phối hợp với Công an phường thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, ông Sỹ đã chỉ đạo lực lượng bảo vệ dân phố tham gia trên 30 vụ truy bắt các đối tượng phạm tội, trong đó có những đối tượng thuộc diện truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Còn nhớ vụ án bắt đối tượng Trần Đặng Trung Kiên, 34 tuổi, trú tại phường Kim Tân, thành phố Lào Cai vào tháng 5 năm 2010, nhận được tin báo tại khu vực nhà chờ xe cầu số 4, phường Kim Tân phát hiện 1 đối tượng đang sử dụng trái phép chất ma tuý, ngay lập tức ông Sỹ cùng lực lượng bảo vệ dân phố phối hợp với Công an thành phố Lào Cai đến bắt đối tượng.
Bị lực lượng Công an vây bắt, Kiên chống trả quyết liệt hòng tẩu thoát, trong lúc vật lộn, giằng co, ông Sỹ đã bị đối tượng cắn bị thương và chảy máu.
Sự việc ông Sỹ bị đối tượng nghiện cắn bị thương khiến cả gia đình và bạn bè, đồng đội ông Sỹ lo lắng. Kiên là đối tượng nghiện ma tuý lâu năm, nếu Kiên bị HIV thì ông Sỹ sẽ ra sao? Mặc dù đã được xét nghiệm máu ngay sau đó, nhưng phải mất 6 tháng sau mới có kết quả.
6 tháng chờ đợi là những tháng ngày cả gia đình ông sống trong sự lo lắng và hi vọng. Thấy ông tuổi già, vẫn tất bật ngày đêm với công việc khiến gầy thêm đi, vợ con ông lại càng không kìm được nước mắt… Rồi may mắn cũng đến, kết quả xét nghiệm ông Sỹ âm tính với HIV, không ai giấu nổi niềm vui.
Ông Sỹ cho biết, ngoài vai trò là Trưởng Ban bảo vệ dân phố, ông còn là “giám đốc” nhà cai nghiện của phường Kim Tân nữa. Thấy tôi đang tò mò về cái chức vụ “giám đốc”, ông Sỹ vỗ vai tôi, tươi cười giải thích: “Đó chỉ là biệt danh mà anh em trong nhà cai nghiện đặt cho tôi thôi…”.
Thế rồi ông Sỹ tâm sự về “công việc thứ hai” không kém phần khó khăn ấy, hầu hết Công an các phường trên địa bàn thành phố đều có nhà cai nghiện, ở phường Kim Tân, mỗi năm nhà cai nghiện đón từ 40 đến 45 lượt đối tượng.
Công tác quản lý, cai nghiện gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là quãng thời gian đầu tiên khi mới vào nhà cai nghiện, bị đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, người nghiện lên cơn thèm thuốc thì rất nguy hiểm, khi đó họ không còn là chính mình nữa, sẵn sàng làm tất cả mọi thứ kể cả để thoát ra ngoài tìm ma tuý.
Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, ông Sỹ nhận ra một điều từ sâu thẳm trong hình hài gầy gò, ốm yếu, nghiện ngập kia là một con người đang hối cải và mong muốn được hoàn lương để trở về đoàn tụ với gia đình, hoà nhập với cộng đồng.
Suy nghĩ vậy, ông Sỹ tự nhủ lòng mình phải biết cảm thông, chia sẻ và cùng đồng cam, cộng khổ với họ, có như vậy những người nghiện sẽ có thêm động lực để cai nghiện cho dứt điểm. Nghĩ là làm, ngày nào ông cũng đến thăm hỏi, động viên anh em trong nhà cai nghiện, ngày ít cũng 2 – 3 lần.
Bằng tấm lòng yêu thương của người cán bộ quản lí, không ít những người sau khi cai nghiện thành công, trở về với cuộc sống đời thường đã vươn lên trở thành những người sản xuất, kinh doanh giỏi, những công dân có ích cho xã hội. Với ông Sỹ mỗi một người cai nghiện thành công là một niềm vui không thể nào tả xiết.
Năm nay đã gần 60 tuổi, nhưng ông Sỹ vẫn còn khoẻ mạnh và lạc quan lắm. Trước khi chia tay, ông Sỹ nói một câu khiến tôi nhớ mãi: Con người chỉ sống một lần thôi, hãy làm cho chữ “tâm” luôn sáng giữa đời.