Tăng cường hợp tác an ninh mạng Việt Nam-EU

Thứ Năm, 27/08/2020, 17:17
Nhằm triển khai cam kết hợp tác giữa hai Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, ngày 27/8, Cục Đối ngoại, Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Đại sứ quán Hà Lan đồng tổ chức hội thảo trực tuyến về Luật quốc tế trên không gian mạng.


Tham dự hội nghị trực tuyến có Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an; ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam; bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam; đại diện Vụ luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao; Cục an ninh nội địa, Cục cảnh sát Hình sự Bộ Công an, Cục an ninh mạng va phòng chống tội phạm công nghệ cao- Bộ Công an…

Hội thảo trực tuyến nhằm trao đổi thông tin kinh nghiệm, tăng cường công tác của lực lượng Công an phòng chống các tội phạm mạng, bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, bảo đảm quyền con người, đặc biệt chú nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em - thường là các đối tượng hướng tới của tội phạm mạng…

 
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại phát biểu tại hội thảo.

Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Pier Giorgio Aliberti nói: “Mọi người đều có nhu cầu rất lớn để tìm hiểu về không gian mạng và vấn đề này hiện mang tầm cỡ an ninh quốc gia và đang trở nên ngày một phức tạp hơn, đóng vai trò thiết yếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, khi mà các hệ thống trở nên chặt chẽ hơn, trách nhiệm đảm bảo sự vận hành thông suốt và hiệu quả của không gian mạng cũng vì thế mà lớn hơn bởi một vụ tấn công mạng có thể để lại hậu quả khôn lường. Số lượng các vụ tấn công mạng thời gian qua đang ngày một gia tăng và có thể tác động tiêu cực tới thương mại toàn cầu. Chính vì thế, tôi cho rằng một cuộc thảo luận liên quan đến lĩnh vực này là rất quan trọng khi cung cấp những góc nhìn mới, khoa học và gợi ý cách chúng ta có thể bảo vệ hệ thống và các giá trị quan trọng, phòng tránh những cuộc tấn công mạng dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế”.

Tại hội thảo, các báo cáo viên đã chia sẻ các chuyên đề: Luật quốc tế về hoạt động trên không gian mạng; Chủ quyền trên không gian mạng; Trách nhiệm của nhà nước về hoạt động mạng; Sử dụng vũ lực và tự vệ trên không gian mạng… Các báo cáo đã giúp các đại biểu có cái nhìn rõ hơn về định hướng phát triển chính sách phát triển công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, phòng thủ, ngăn chặn tấn công trên không gian mạng để bảo vệ quyền con người, giá trị, lợi ích, an ninh của đất nước.

Bà Liis Vihul, cố vấn, Giám đốc Tập đoàn Luật quốc tế của không gian mạng chia sẻ, theo Luật quốc tế, nhà nước chịu trách nhiệm về hoạt động mạng khi: hành vi vi phạm pháp luật trên mạng không phải là các quy chuẩn do nhà nước quy định và vu cáo nhà nước là vi phạm pháp luật. Giáo sư Michael Schmitt khẳng định, các biện pháp đối phó với hoạt động vi phạm trên không gian mạng của các nước khác là cần thiết, trong trường hợp là phương thức duy nhất để bảo vệ các lợi ích thiết yếu của quốc gia, chống lại các hiểm họa ảnh hưởng trầm trọng đến quyền lợi của người dân và lợi ích đất nước.

Hội thảo diễn ra ngày 27-8.

Đại diện cho Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an cho biết trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến đến nền kinh tế số, không ngừng nâng cao điều kiện sống cho người dân. Luật An ninh mạng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12/6/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Với 7 chương, 43 Điều, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, bên cạnh đó là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Sau hơn 1 năm có hiệu lực, Luật An ninh mạng đã góp phần nâng cao hiệu lực công tác bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng; xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh; tạo môi trường bình đẳng về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tạo cơ chế pháplý giúp đấu tranh với tội phạm mạng, bảo đảm tốt hơn quyền con người.
Các đại biểu ở đầu cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, Bộ Công an luôn chú việc tổ chức các hội thảo và tập huấn trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, trình độ cho cán bộ các cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình thực thi luật… Thời gian qua, EU cũng đã tham vấn tích cực đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng theo trình tự, thủ tục mà pháp luật Việt Nam quy định, phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Bế mạc hội thảo, bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam khẳng định, các báo cáo viên và các đại biểu tại hội thảo đã đóng góp ý kiến tích cực, chia sẻ kiến thức về Luật quốc tế cũng như các kinh nghiệm, vấn đề, trách nhiệm của Chính phủ trong việc vận hành không gian mạng, bảo đảm quyền con người. Bà Elsbeth Akkerman khẳng định, hội thảo đã góp phần phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hà Lan và đưa quan hệ giữa Bộ Công an Việt Nam với các cơ quan hữu quan Hà Lan, EU ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu.


Thu Trang
.
.