Lớp học dã chiến ven sông Đà
- Nơi “rốn” lũ Đà Bắc không vơi tình người
- "Rốn" lũ Đà Bắc và những câu chuyện lay động lòng người
- “Nuôi” con chữ nơi tâm lũ Đà Bắc
- Những hình ảnh nhói lòng từ "rốn lũ" Đà Bắc
Từ xã Yên Hòa (Đà Bắc), con đường liên xã dẫn vào trụ sở UBND xã Đồng Ruộng những ngày này đã được thông tuyến. Trận mưa lũ thật hung tàn, chỉ sau vài giờ xuất hiện, nó đã khiến nhiều nơi ở Đà Bắc trở nên tiêu điều.
Ông Quách Công Lâm, Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng đón chúng tôi ở trụ sở UBND xã. Với ông Lâm cũng như bà con nơi đây không muốn tin những gì mưa lũ mới gây ra với địa bàn là sự thật. Trong các ngày 10 và 11-10, mưa lớn kéo dài. Thoáng chốc khắp các nóc nhà, vạt rừng trắng xóa màu nước. Lũ quét, sạt lở đất xuất hiện. “Chỉ trong một đêm, lũ dữ đã khiến 2 người chết, 6 người bị thương, đồng thời gây sạt lở 95 ngôi nhà. Trong số này, có 25 hộ dân ở xóm Nhạp phải di dời đến đồi Tân Hương ở tạm”, ông Lâm cho biết.
Đây là lần thứ 2, chúng tôi trở lại “rốn” lũ Đà Bắc. Từ bến Hạt (xã Yên Hòa), chúng tôi vẫn phải sử dụng đò để đến đồi Tân Hương – nơi 25 hộ gia đình và các em học sinh điểm Trường Tiểu học xóm Nhạp ở tạm, nhưng thời gian đã rút ngắn đi rất nhiều. Anh Lường Văn Tuyên chủ con đò chở chúng tôi. Anh Tuyên nói, trong cơn lũ dữ mới thêm thấy tinh thần hiếu học của các em học sinh. Các em không quản khó khăn vất vả, điều kiện học tập thiếu thốn, ngày ngày vẫn lên lớp. 14h20, ánh nắng hắt xiên rặng tre trước mặt. Bến đò tạm Tân Hương – xóm Nhạp hiện ra mỗi lúc một gần. Chị Đinh Thị Hiếu, vợ anh Tuyên vội vã chạy lên trước mũi tàu, dùng cây gậy để neo đò. “Nơi đây là điểm trường dã chiến của các em xóm Nhạp đấy!”, chị Hiếu cho biết.
Cô giáo Lường Thị Huyến và cán bộ Công an huyện Đà Bắc động viên các em học sinh xóm Nhạp ở đồi Tân Hương. |
Cùng với 25 lán trại dành cho 25 hộ dân xóm Nhạp, nơi đây còn có 2 lán trại của 2 lớp học ghép “1 và 3” cùng “4 và 5” – điểm trường Tiểu học xóm Nhạp (Trường Tiểu học và THCS Đồng Ruộng). Các em học sinh nơi đây đang miệt mài nuôi con chữ dẫu phía trước là vô vàn khó khăn. Trong lán trại dã chiến có diện tích chưa đầy 20m2, cô giáo Lường Thị Huyến, giáo viên chủ nhiệm lớp ghép “1 và 3” say sưa giảng bài cho các em học sinh. Tấm bạt phủ hai bên hông của lán trại được kéo lên nhằm tăng ánh sáng cho lớp.
“Trời nắng, ánh sáng còn thiếu vậy, trời mưa, âm u, ánh sáng còn thiếu nữa. Vất vả lắm anh ạ!”, cô giáo Huyện giọng buồn buồn. Do không gian chật, nên lớp ghép “1 và 3” của cô giáo Huyến được chia làm 2 dãy. Một dãy dành cho các em học sinh lớp 3 và một dãy dành cho các em học sinh lớp 1. Chiếc bảng viết theo đó cũng được phân làm hai nội dung giảng bài. Lần lượt nội dung lớp 3 giảng trước, lớp 1 giảng sau. Cứ như thế, con chữ được cô Huyến truyền tải đến các em học sinh.
“Em nào phát âm lại cụm từ trên nào?”, thấy cô Huyến hỏi, em Đinh Hoàng Hải, học sinh lớp 1 lập tức giơ tay. “Hải đánh vần cho cô nào!”. Tiếng em Hải to và lưu loát: “A… nhờ… a…. nhà, nhà!”, “ư… a… ưa, cờ… ưa, cưa… hỏi… cửa”, “nhà cửa!”. Chứng kiến hình ảnh này, bất giác, chúng tôi thấy ấm lòng. Con chữ đã thăng hoa nơi đồi Tân Hương.
Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con nơi đây đang dùng máy phát điện chạy bằng xăng, dầu nên nguồn sáng không thể đáp ứng đủ được nhu cầu sử dụng của các lớp học nơi lán trại dã chiến. Những ngày qua, các em học sinh phải “nuôi” con chữ trong điều kiện ánh sáng hạn chế. Ánh nắng dần tàn, lán trại dã chiến của các em học sinh lớp ghép “4 và 5” nằm cách lớp cô giáo Huyến không xa.
Đây là lớp của cô giáo Sa Thị Thu. Lớp có 7 học sinh đều là con em các hộ gia đình xóm Nhạp ở đây. Chiều hôm nay, cô giáo Thu lên lớp với môn Toán học. Cô Thu bảo rằng, sau khi mưa lũ gây ra sạt lở, ngày 13-10, 25 hộ dân cùng các em học sinh điểm Trường Tiểu học xóm Nhạp đã được chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Quân đội đưa lên đồi Tân Hương ở tạm.
Không để sự học của các em gián đoạn, vài ngày sau, các lán trại dã chiến nơi đây đã trở thành nơi nuôi con chữ của các em. Các thầy cô đã lên lớp trở lại. Mưa lũ khiến cuộc sống bà con xóm Nhạp chất chồng khó khăn. Nhưng không vì thế mà các em thấy nản rồi không lên lớp. Trái lại, khi nhận được thông báo từ các thầy cô, 12 em học sinh xóm Nhạp đã lên lớp đầy đủ.
Em Đinh Thị Quỳnh, học sinh lớp 5 có đôi mắt tròn vo. Các bài tập Toán mà cô giáo Thu đưa ra, chỉ trong ít phút, Quỳnh đã có ngay lời giải. Nhìn nét chữ sắc nét, rõ ràng của Quỳnh lưu lại trên nền giấy ô li – vở bài tập Toán, chúng tôi thấy thật xúc động. Khó khăn không ngăn bước em đến trường. Quỳnh kể, rạng sáng 11-10, trong lúc đang ngủ, nghe bố mẹ gọi to. Quỳnh liền chạy ra ngoài cửa và theo bố mẹ xuống đò…
“Mấy ngày sau, cháu thấy bố Đinh Đại Công bảo, cháu lên lớp trở lại. Cháu mừng lắm. Mừng vì được đến lớp, được gặp, cùng các bạn ôn bài”, Quỳnh thỏ thẻ. Trò chuyện với chúng tôi, Quỳnh còn kể rằng: “Con thích học môn Toán nhất. Sau này, con muốn được làm cô giáo, được lên lớp giảng bài như cô Thu, cô Huyến, thầy Thụ… vậy!”.
Xúc động thay, khi ở chính cái nơi thiếu điện, thiếu nước, thiếu không gian, đồ dùng, thiết bị học tập này, con chữ vẫn đang thăng hoa từng ngày. Mong sao, ước mơ của thầy trò nơi đây sớm thành hiện thực - cơn hoạn nạn sẽ mau chóng qua.
Trao đổi với PV Báo CAND, thầy Trần Tuấn Vang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đồng Ruộng cho biết, hiện khối Tiểu học của nhà trường có 5 lớp học với 170 em học sinh; khối THCS có 4 lớp với 80 em học sinh. Các em học sinh chủ yếu là người dân tộc Tày, Mường, Thái… Đợt mưa lũ lịch sử xảy ra vào đêm mùng 10 và rạng sáng 11-10 trên địa bàn vừa qua đã cuốn phăng điểm trường Tiểu học ở xóm Nhạp. Ngay sau khi lán trại dã chiến được dựng lên ở đồi Tân Hương, ngày 16-10 các em học sinh đã lên lớp trở lại. Dẫu hiện khó khăn vẫn còn bủa vây nơi đây, song thầy trò điểm trường xóm Nhạp trên đồi Tân Hương luôn nỗ lực miệt mài nuôi con chữ, không để sự học của các em bị gián đoạn. |