Hội thảo khoa học cho cán bộ làm công tác báo chí trong CAND

Chủ Nhật, 13/08/2017, 08:09
Vừa qua, Học viện Chính trị CAND đã tổ chức Hội thảo khoa học "Hoàn thiện chương trình bồi dưỡng kiến thức chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác báo chí trong Công an nhân dân".


Dự và chủ trì hội thảo có Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND; GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận TW. 

Tham dự hội thảo có Thiếu tướng, TS Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Bộ Công an; Thiếu tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Tổng Biên tập Tạp chí CAND; Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Phùng Hồng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí CAND; Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó Tổng biên tập Báo QĐND; đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Chính trị CAND, Ban Tuyên giáo TW, Cục Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên thảo luận cùng các đại biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Trương Giang Long nhấn mạnh: Cùng với báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí CAND đã không ngừng trưởng thành, phát triển và lớn mạnh, là kênh thông tin quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác Công an, là cầu nối giữa lực lượng CAND với nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trong những năm qua, việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác chính trị trong CAND chưa được tiến hành một cách thống nhất, đồng bộ dẫn đến sự chênh lệch kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong đội ngũ cán bộ báo chí CAND. 

Số cán bộ phóng viên, biên tập viên tuyển dụng ngoài ngành Công an có trình độ chuyên môn cao nhưng chưa được bồi dưỡng thường xuyên về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ Công an; ngược lại, số cán bộ tốt nghiệp các trường Công an làm nhiệm vụ trong lĩnh vực báo chí CAND lại chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức báo chí. Từ đó dẫn đến khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các hoạt động nghiệp vụ báo chí trong CAND. 

Từ thực tiễn trên, Học viện Chính trị CAND đã xây dựng dự thảo Chương trình bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên báo chí trong toàn lực lượng CAND, với  sự tham gia của các chuyên gia và đơn vị liên quan (X15, X21, X24, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn công tác báo chí và quản lý báo chí trong CAND; xác định rõ tính chất đặc thù của từng loại đối tượng bồi dưỡng để xây dựng chương trình phù hợp; thời gian và phương thức tổ chức của từng loại chuyên đề bồi dưỡng. 

Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo CAND, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Bộ Công an, Thiếu tướng Phạm Văn Miên cho rằng, cần đào tạo phóng viên báo chí viết bài không sai về pháp luật nhưng không được lộ nghiệp vụ của lực lượng Công an. Muốn thế, cần bổ sung những chuyên đề bồi dưỡng liên quan đến kiến thức, nghiệp vụ cơ bản và pháp luật liên quan đến hoạt động của lực lượng CAND cho cán bộ làm công tác báo chí, đây là kiến thức rất quan trọng. Hiện trong nhiều cơ quan báo chí Công an, có một số phóng viên tuyển từ bên ngoài, nên chưa nắm hết được nhiều thuật ngữ, từ ngữ liên quan đến nghiệp vụ công an. 

Đối với những kiến thức lý luận, Thiếu tướng Phạm Văn Miên đề xuất: Cần điều chỉnh những chuyên đề lý thuyết vĩ mô cho phù hợp với từng đối tượng, cần tăng cường phần tương tác và thực hành cho người học.

Tại hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Vi Dân cho rằng, trong thời buổi khoa học công nghệ phát triển, cần chú trọng tới đội ngũ kỹ thuật viên để việc làm báo không bị lạc lậu. Theo Thiếu tướng Trần Vi Dân, những cơ quan tạp chí trong CAND, do đặc thù phạm vi hoạt động không rộng như những cơ quan báo chí khác, những người làm báo cần lựa chọn đúng vấn đề để đăng tải, từ đó khai thác để tìm ra quy luật, phục vụ công tác nghiên cứu.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Phùng Hồng góp ý: Cần xây dựng rõ chương trình bồi dưỡng đội ngũ làm báo chứ không phải đào tạo lại, cập nhật những kiến thức mới trong tình hình hiện nay. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo TW cho rằng: Cần xây dựng chương trình bồi dưỡng gắn với môi trường báo chí hiện đại và xây dựng chương trình riêng cho đội ngũ quản lý báo chí và phóng viên báo chí ngành Công an; nghiên cứu xem xét xây dựng chuyên đề "Kỹ năng xử lý một số tình hình báo chí điển hình".

Nhật Trường
.
.