Hiệu quả từ mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng cháy chữa cháy”
- Hội nghị phối hợp phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
- Hội thao nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cơ sở khu công nghiệp
- Báo CAND tập huấn phòng cháy chữa cháy cho cán bộ, chiến sĩ
Với 165 hội viên là những nữ cán bộ, chiến sỹ không trực tiếp chiến đấu với giặc lửa, họ luôn đau đáu đồng hành với những người lính PCCC. Sau 2 năm thực hiện, mô hình này đã đạt được những hiệu quả thiết thực, được Bộ Công an công nhận là 1 trong 20 mô hình “Công trình, phần việc tiêu biểu của phụ nữ CAND giai đoạn 2012 – 2017”.
Ngay từ khi triển khai, mô hình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cơ sở hội, chi hội phụ nữ các phường và nhân dân. Hội phụ nữ Cảnh sát PCCC đã phối hợp với UBND các phường, xã tổ chức tuyên truyền đến 15/15 quận, huyện với 4.700 cán bộ hội chủ chốt ở cơ sở. Nội dung gồm những thông tin về tình hình cháy nổ, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC; qui định pháp luật và trách nhiệm của chủ hộ về PCCC; vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn PCCC tại gia đình; các kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ…
Đại uý Phạm Thị Hương Chi, Phó trưởng Phòng Cảnh Sát PCCC số 1 cho biết: “Mô hình “Ngôi nhà an toàn PCCC cho phụ nữ” được tích hợp các tiêu chí: Nhà phải có ít nhất 1 đến 2 lối thoát nạn, thoát hiểm. Hệ thống điện lắp đặt theo đúng tiêu chuẩn PCCC. Bố trí và sử dụng các loại bếp ga, bếp than, bếp điện, thắp hương, đốt vàng mã... đảm bảo an toàn. Phải có các phương tiện chữa cháy cần thiết. Các thành viên trong gia đình phải có kiến thức về PCCC.
Đặc biệt “Ngôi nhà an toàn PCCC” phải được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với cộng đồng, xã hội, an toàn với các nhà, công trình xung quanh, có mối quan hệ mật thiết với hàng xóm, láng giềng”
Tại các lớp tuyên truyền, học viên được truyền đạt các kiến thức cơ bản về an toàn PCCC trong thiết kế, thi công, xây dựng, cải tạo nhà ở, trong sản xuất kinh doanh hàng hoá, nhất là trong xử lý các tình huống, kỹ năng thoát nạn an toàn; cách sử dụng các loại bình chữa cháy xách tay khi xảy ra cháy nổ…
Hội phụ nữ đơn vị còn có các hình thức tuyên truyền, tập huấn kiến thức PCCC sâu rộng đến người dân như lồng ghép vào các buổi họp cụm dân cư, tổ dân phố, phát các tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng... Đơn vị còn tặng mỗi hộ nghèo trên địa bàn quận từ 1 đến 2 bình chữa cháy.
Từ khi mô hình được triển khai sâu rộng, ý thức về công tác PCCC của cán bộ, hội viên hội phụ nữ ở các khu dân cư đã được nâng cao, từ đó nêu cao cảnh giác, bảo đảm an toàn PCCC, góp phần thiết thực ngăn chặn hỏa hoạn, giữ gìn sự bình yên từng mái nhà, ngõ phố.
Nhằm phát huy hiệu quả mô hình này, mới đây Giám đốc Cảnh sát PCCC Hải Phòng vừa đồng ý cho Hội phụ nữ Cảnh sát PCCC đăng ký với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hải Phòng triển khai mô hình “Nữ Cảnh sát phòng cháy – Vì một cộng đồng không cháy, nổ”.