Giảm thủ tục hành chính cho dân, tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm
- Chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng để vận hành dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ
- Những điểm mới về đăng ký thường trú, tạm trú theo Luật Cư trú năm 2020
Hiện, các cán bộ, chiến sĩ Công an vẫn đang “miệt mài” bước vào “trận chiến” mới hoàn thành mục tiêu vào tháng 11, cấp CCCD cho 100% công dân trong độ tuổi trên toàn quốc.
Vậy việc sử dụng CCCD gắn chíp có lợi ích gì? CSDLQG về DC sẽ được vận hành như thế nào? Báo CAND đã cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an để hiểu rõ hơn vấn đề này.
- PV: Thưa Thiếu tướng, sau 1 năm thực hiện xây dựng, ngày 1-7, hai dự án CSDLQG về DC và sản xuất, cấp, quản lý CCCD đã chính thức vận hành, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH liệu đã "thở phào" hay bắt tay vào "trận chiến" mới?
+ Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Mặc dù dự án CSDLQG về DC và sản xuất, cấp, quản lý CCCD đã chính thức vận hành, tuy nhiên khối lượng công việc trong thời gian tới vẫn còn rất lớn. Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH từ Trung ương đến địa phương cần phải tiếp tục tập trung nỗ lực hơn nữa hoàn thành việc triển khai kết nối CSDLQG về DC với các Bộ, ban, ngành, và các địa phương. Từ đó, sử dụng có hiệu quả những tiện ích của dữ liệu dân cư và CCCD phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và cắt giảm các thủ tục hành chính nhằm phục vụ nhân dân được tốt hơn; triển khai có hiệu quả Luật Cư trú năm 2020 để các quy định của Luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện quyền tự do cư trú…
- PV: Về phía người dân, điểm thay đổi cơ bản nhất sau khi hai dự án này chính thức vận hành là gì?
+ Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Việc hai dự án chính thức đi vào hoạt động sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (chi phí do phải đi lại, công chứng, chứng thực các loại giấy tờ...). Bên cạnh đó, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành; trong đó, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong CSDLQG về DC phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Công dân sẽ không phải xuất trình nhiều loại giấy tờ khi giao dịch với các cơ quan, tổ chức.
- PV: Hiện nay Bộ Công an đã hoàn thành cấp 50 triệu thẻ CCCD. Vậy dự kiến bao giờ thì 100% công dân cả nước thuộc diện cấp CCCD sẽ được cấp mới?
+ Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Mục tiêu của Bộ Công an là hoàn thành cấp 50 triệu thẻ CCCD mới trước ngày 1/7/2021. Tính đến hết tháng 6/2021, Công an các địa phương trên toàn quốc đã thu nhận hơn 57 triệu hồ sơ cấp CCCD. Hiện nay, cán bộ, chiến sỹ Bộ Công an đang nỗ lực hết mình, phấn đấu hoàn thành việc in hoàn chỉnh và trả thẻ CCCD mới cho công dân trong thời gian sớm nhất. Bộ Công an dự kiến và phấn đấu cơ bản hoàn thành việc cấp CCCD gắn chíp điện tử cho 100% công dân Việt Nam thuộc diện được cấp trong tháng 10/2021.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH. |
- PV: Có người dân đi làm CCCD gắn chíp mấy tháng nay vẫn chưa nhận được thẻ, và nhiều người vẫn băn khoăn khi thẻ bị lộ lọt thông tin, bị kiểm soát hoạt động cá nhân. Thiếu tướng có thể giải thích rõ hơn về điều này?
- Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Mục tiêu ban đầu đến ngày 1/7/2021 sẽ cấp 50 triệu thẻ CCCD. Nhưng chip điện tử phải nhập từ nước ngoài về trong khi dịch COVID-19 ảnh hưởng tới việc sản xuất chíp trên thế giới. Do đó, số lượng nhập về không đủ để sản xuất thẻ kịp tiến độ. Tuy nhiên việc này không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch, công việc của người dân vì người dân vẫn có thể sử dụng chứng minh nhân dân cũ hoặc thông báo số định danh và thông tin công dân trong CSDLQG về DC để tiến hành giao dịch. Bộ Công an phấn đấu đến tháng 11 sẽ trả toàn bộ thẻ CCCD gắn chíp cho công dân.
Chíp điện tử trong thẻ CCCD là thiết bị lưu trữ dữ liệu sinh trắc học và dữ liệu công dân, không có chức năng định vị hay theo dõi quá trình di chuyển của người dân. Pháp luật Việt Nam không cho phép làm điều đó. Người dân hoàn toàn yên tâm khi sử dụng CSDLQG về DC gắn chíp.
- PV: Thiếu tướng có thể cho biết sau khi có thẻ CCCD gắn chip - mã số định danh cá nhân, vậy, sổ hộ khẩu giấy sẽ có còn giá trị không?
+ Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Theo quy định của Luật Cư trú thì từ ngày 1/7/2021, cơ quan Công an sẽ không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi công dân đăng ký thường trú, tạm trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/122022. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
- PV: Từ 1/7, những giao dịch dân sự có cần có hộ khẩu giấy nữa hay không? Những giấy tờ như sổ đỏ đã ghi địa chỉ hộ khẩu thường trú mà khác với địa chỉ thường trú trong dữ liệu DCQG có cần phải đi đính chính sổ đỏ không?
+ Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Từ 1/7 CSDLQG về DC sẵn sàng kết nối. Bây giờ còn phụ thuộc vào các bộ ban ngành khác. Các đơn vị khác có cơ sở dữ liệu của mình và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết công việc cho người dân thì không cần sổ hộ khẩu nữa.
Tuy nhiên, một số đơn vị chưa kết nối được nên họ vẫn yêu cầu sổ hộ khẩu để thực hiện các giao dịch. Đây là lý do để chúng ta có thời gian chuyển tiếp từ 1/7 đến cuối năm 2022. Sau này bỏ sổ hộ khẩu thì tất cả các dịch vụ cần đến hộ khẩu sẽ thay đổi hoàn toàn, bởi chúng ta chấm dứt hộ khẩu giấy vào cuối năm 2022.
Đối với các trường hợp đã thu hồi sổ hộ khẩu, khi thực hiện các giao dịch hành chính thì có thể đề nghị Công an xã, phường, thị trấn cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú để chứng minh nơi thường trú với các cơ quan, tổ chức.
- PV: Với việc bỏ quản lý sổ hộ khẩu giấy, ước tính người dân sẽ giảm bớt được bao nhiêu thủ tục hành chính và chi phí, thưa Thiếu tướng?
+ Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Bỏ sổ hộ khẩu giấy cắt giảm đi rất nhiều chi phí cho người dân, ví dụ người dân khi làm thủ tục hành chính, giao dịch phải photo, công chứng xuất trình nhiều giấy tờ liên quan. Khi chuyển sang sử dụng số định danh cá nhân thì những cái đó không còn cần thiết nữa.
Việc đi lại của người dân sẽ được giảm đi rất nhiều khâu trung gian, tiết kiệm thời gian, chi phí, thúc đẩy kinh tế phát triển. Mức độ giảm chi phí ra sao tùy thuộc ngành nghề, lĩnh vực. Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư sẽ đem lại lợi ích về kinh tế hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
- PV: Người dân lo lắng khi có hộ khẩu nhưng mới bán nhà, chưa mua nhà mới thì có bị xóa hộ khẩu? hoặc họ đang có hộ khẩu ở Hà Nội, làm việc ở Hà Nội nhưng tạm trú ở địa phương khác, vậy họ có bị bỏ hộ khẩu ở Hà Nội không thưa Thiếu tướng?
+ Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Trường hợp công dân đã bán nhà cho người khác sẽ bị xóa đăng ký thường trú nếu sau 12 tháng kể từ ngày chuyển nhượng vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.
Trường hợp công dân có hộ khẩu Hà Nội nhưng ở địa phương khác sẽ bị xóa đăng ký thường trú nếu vắng mặt liên tục tại nơi đăng ký thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở đó hoặc không khai báo tạm vắng. Trường hợp họ đăng ký tạm trú tại nơi ở đó thì sẽ không bị xóa đăng ký thường trú.
Quy định như trên là để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú, tránh tình trạng cư trú ảo, đồng thời cũng tạo áp lực để người dân có ý thức hơn trong việc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về cư trú.
- PV: Người dân đi nhập khẩu, tách khẩu được thực hiện ở đâu từ 1-7 thưa Thiếu tướng?
+ Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành thì công dân nộp hồ sơ tại Công an cấp xã nơi đăng ký thường trú hoặc đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến để thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng…
- PV: Hệ thống CSDLQG về DC đã kết nối thử nghiệm thành công với trong lực lượng Công an và ngoài ngành như thế nào? Liệu có điểm nào còn cần nâng cấp, chỉnh sửa không, thưa Thiếu tướng?
+ Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản kết nối, khai thác dịch vụ xác thực thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ 236 dịch vụ công cấp độ 4. Trong đó có 183 dịch vụ công cấp tỉnh, 36 dịch vụ công cấp huyện và 17 dịch vụ công cấp xã. Tính đến cuối tháng 6-2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia đã kết nối 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện nay CSDLQG về DC cũng đã kết nối với Cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cơ sở dữ liệu của Cục CSGT để tra cứu, xác thực thông tin công dân. Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với CSDLQG về DC để cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Bộ Công an đang tập trung rà soát và nghiên cứu các giải pháp tối ưu để điều chỉnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu do hệ thống dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành được đầu tư theo các nền tảng công nghệ không đồng nhất. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng khẩn trương nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý điều chỉnh việc chia sẻ với các đơn vị trong và ngoài ngành.