Chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng để vận hành dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ

Thứ Sáu, 27/11/2020, 12:54
Ngày 27/11, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến kiểm điểm kết quả thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất cấp, quản lý Căn cước công dân (CCCD) tháng 11/2020.


Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an; Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách công tác quản lý hành chính và CBCS Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tất cả các địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, hội nghị nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ trong triển khai, thực hiện 2 dự án và chỉ rõ các biện pháp, nhiệm vụ, phân công lực lượng khi chuyển trạng thái từ giai đoạn 1 là các bước chuẩn bị sang giai đoạn thực hiện. 

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, thời gian gần đây, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành rất quan tâm đến tiến độ triển khai, thực hiện 2 dự án này nên chúng ta cần khẩn trương gấp rút tổ chức thực hiện đúng lộ trình, thận trọng, chắc chắn, các giải pháp được tiến hành đồng bộ và quyết liệt để đảm bảo sự thành công của 2 dự án.

“Dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn lực lượng CAND trong năm 2020 và năm 2021. Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt các nhiệm vụ với lộ trình các bước đi cụ thể kèm theo các mốc thời gian phải hoàn thành tính theo từng ngày (gồm 8 nhóm nhiệm vụ và 48 công việc cụ thể đối với dự án dân cư và 9 nhóm nhiệm vụ đối với 55 công việc của dự án CCCD), đến nay đã hoàn thành công việc rất lớn góp phần thực hiện đúng các mốc thời gian đã đề ra” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh và nhắc lại mốc thời gian Quốc hội đã cho phép khi thông qua dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đó là ngày 1/7/2021 sẽ đưa dữ liệu Quốc gia về dân cư khai thác và sử dụng.

Thiếu tướng Tô Văn Huệ điều hành tham luận

“Theo đó, chúng ta không yêu cầu người dân kê khai bản khai CCCD. Người dân chỉ cần đến để Công an thu thập hình ảnh và vân tay tròn, sau đó, dựa trên những dữ liệu đã có để chuyển về Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cấp rồi chuyển lại CCCD, trả lại cho họ” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc  cho biết, việc thu thập bổ sung cập nhật các thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được cập nhật biến động hàng ngày, hàng giờ; yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương phải hoàn thành các dữ liệu để đến 26/2/2021 chạy thử, đúng 1/7/2021 sẽ chia sẻ dữ liệu với các cấp, các ngành trong toàn quốc. Chính vì vậy từ nay đến hết tháng 12/2020 từng đơn vị, từng cấp phải hoàn thành việc đối chiếu, đảm bảo tính chính xác của dữ liệu, kiểm tra đường truyền thông suốt đến cấp xã, đảm bảo tính bảo mật cao; triển khai tập huấn cho CBCS ở các đơn vị địa phương.

Các đại biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã báo cáo tiến độ kết quả triển khai thực hiện 2 dự án nêu rõ trong tháng 11 Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch, mục tiêu đề ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án. Việc thu thập dữ liệu vân tay tròn qua thiết bị kỹ thuật rút ngắn thời gian từ 10 phút trước kia xuống còn 3-5 phút. Công an các địa phương đã điều tra số người từ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CCCD để báo cáo đề nghị cấp.

Nhiều tỉnh đã có giải pháp, sáng kiến đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, như Công an Nam Định có khẩu hiệu “Nhanh nhưng không ẩu”, nhập số điện thoại của người dân để tiện liên lạc, xây dựng biểu mẫu thống kê theo tháng sinh của số người 14 tuổi trở lên; Công an Thái Bình, Lạng Sơn bố trí thêm cán bộ, máy tính; Công an Thanh Hoá tổ chức cấp CCCD lưu động tại các địa bàn trọng điểm, bố trí cán bộ chi viện giữa các huyện khi có yêu cầu...

Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, các đại biểu đã tập trung đánh giá các vấn đề trọng tâm về đường truyền và giải quyết sự cố; phương pháp bảo đảm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu Quốc  gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”; việc sử dụng thông tin công dân để thực hiện cấp CCCD; báo cáo tình hình tiến độ, các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện 2 dự án; đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới...

Điển hình như ở Thanh Hoá có đã rà soát, có sáng kiến thu thập dữ liệu dân cư đối với 400 người bị bệnh tâm thần hiện đang được chăm sóc tại các Trung tâm bảo trợ xã hội thông qua khai thác thông tin hồ sơ bệnh án; người bảo lãnh và qua tra cứu tàng thư; Công an Đắc Nông đến từng gia đình các hộ dân di cư tự do hiện đang ở trên đất lâm nghiệp để thu thập dữ liệu dân cư, ký cam kết; Công an Đồng Nai, Bình Dương thu thập dữ liệu để chuẩn bị làm CCCD cho những người tạm trú trên địa bàn...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã biểu dương Công an các đơn vị, địa phương trong nỗ lực hoàn thành khối công việc rất lớn của hai dự án.  Biểu dương Cục Truyền thông CAND (trong đó có Báo CAND) đã tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan truyền thông, mạng xã hội để tuyên truyền những công việc Bộ Công an đang làm nhằm tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử; biểu dương những cách làm hay, tốt để các đơn vị, địa phương tham khảo.  Qua đó, đã tập hợp được những băn khoăn, thắc mắc của các tổ chức, nhân dân để giải đáp tạo đồng lòng của nhân dân, cơ quan, đại biểu Quốc hội đối với công tác của Bộ Công an về quản lý cư trú. Nhờ đó, Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với số phiếu rất cao.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu, Cục Cảnh sát QLHC về TTXG - đơn vị thường trực 2 dự án tiếp tục lắng nghe ý kiến của các địa phương, trao đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Cục Hồ Sơ nghiệp vụ bổ sung dữ liệu, phục vụ công tác nghiệp vụ và phục vụ xã hội... Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị tuỳ theo chức năng nhiệm vụ để thực hiện các phần việc, mục tiêu là vận hành hệ thống an toàn, hiệu quả. Các cục nghiệp vụ phải đáp ứng tối đa các yêu cầu và phát sinh tại địa phương.

“Giám đốc Công an các tỉnh phải sát sao hơn nữa để kiểm soát được các đường truyền, thiết bị đến cấp xã; cán bộ phải hiểu tính năng, nguyên tắc sử dụng. Các chỉ huy các cấp phải rất chuyên nghiệp để 1/7/2021 vận hành bình thường. Không thể xin lỗi vì bất cứ lý do gì vì các ngành, các đơn vị sử dụng dữ liệu của Bộ Công an để thực hiện công tác của họ. Nếu sai ở khâu nào khâu đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc còn yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện 2 dự án gắn liền với chỉ đạo của Bộ về xây dựng, hoàn thiện dữ liệu sinh trắc học, đấu tranh phòng chống tội phạm; phát hiện, bắt đối tượng truy nã; tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm hộ, nắm người, giải quyết dược tình hình ANTT ở cơ sở...

Phương Thuỷ
.
.