Dùng chữ tâm cảm hóa các đối tượng lầm đường lạc lối

Thứ Ba, 03/07/2018, 08:10
Với những thành tích đã đạt được, Phòng 2, Cục Bảo vệ chính trị V, Tổng cục An ninh, Bộ Công an đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; 2 năm liên tiếp (2016-2017) được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc”; Bộ Công an tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc cấp cơ sở” trong 3 năm (2013-2015).

6 cá nhân của đơn vị được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; 4 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và hơn 40 lượt cán bộ, chiến sỹ được tặng Bằng khen của Bộ và Tổng cục.

Hội trường Tổng cục An ninh lặng đi trước câu chuyện sẻ chia của Trưởng phòng 2, Cục Bảo vệ chính trị V về cuộc đấu trí, đấu lý và những áp lực cán bộ, chiến sỹ đơn vị  phải đối mặt trong cuộc đấu tranh chống đối tượng phản động lưu vong... Đó là quá trình đấu trí với Đặng Hoàng Thiện, thành viên của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” đặt bom xăng tại cổng nhà ga đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Ngay khi sau khi Thiện bị bắt giữ, Phòng 2 đã lập tổ công tác trực tiếp đấu tranh với đối tượng này. Trong quá trình đó, đối tượng bất hợp tác với cơ quan điều tra, không thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân, nhưng bằng sự cương quyết, khôn khéo, cán bộ Phòng 2 đã tập trung đấu tranh, buộc đối tượng phải tâm phục, khẩu phục; khai nhận đồng bọn.

Mở rộng điều tra, đơn vị đã làm rõ thủ phạm  gây cháy tại kho tạm giữ xe của Công an tỉnh Đồng Nai vào ngày 8-4-2017; đấu tranh, ngăn chặn kịp thời ý đồ đánh bom tại một số công trình; cũng như ý đồ kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự, rải truyền đơn nhằm phá hoại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 của tổ chức này.

Kế đó là trường hợp của đối tượng là “ủy viên trung ương Việt Tân”..., với thông tin ban đầu rất ít ỏi, đối tượng thường thay đổi tên, họ, di chuyển nhiều chỗ, nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Bị cáo Thiện (X), người cầm đầu vụ đánh bom xăng vào sân bay Tân Sơn Nhất, và đồng bọn trong phiên tòa phúc thẩm ngày 5-6.

Câu chuyện giúp chúng tôi hiểu hơn chiến công, sự hy sinh của những chiến sỹ Công an, đấu tranh với đối tượng phản động lưu vong. Nhiệm vụ của của họ khó khăn bắt đầu từ công tác truy tìm, đấu tranh, cảm hóa đến quá trình xử lý đối tượng. Với họ, nhiệm vụ đặt ra không chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn, không để xảy ra các hoạt động khủng bố, phá hoại mà quan trọng hơn là không để các đối tượng tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chính trị đối lập ở trong nước... Do đó, quá trình đấu tranh vừa phải vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng; đồng thời phải tác động, cảm hóa để chúng từ bỏ hoạt động chống đối.

Vượt qua những khó khăn, trong những năm qua, Phòng 2, Cục Bảo vệ chính trị V đã góp phần ngăn chặn nhiều kế hoạch chống phá của các tổ chức phản động, đập tan âm mưu khủng bố, phá hoại, kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự; bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị của đất nước.

Một trong những bí quyết thành công của đơn vị đó là việc vận dụng lời Bác dạy “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”. Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Lê Đình Dũng, Trưởng phòng 2 cho biết: Các đối tượng phản động lưu vong hoạt động ngày càng tinh vi. Chúng thực hiện theo nhóm kín, sử dụng thông tin cá nhân giả, đồng thời triệt để lợi dụng không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội để hoạt động khiến việc xác minh, truy tìm tung tích của số này gặp không ít khó khăn. Một số trường hợp còn luôn tìm cách xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ và đường tiểu mạch vào nước ta để thực hiện hoạt động chống phá.

Trong trường hợp này, chúng sử dụng giấy tờ giả, thay đổi hộ chiếu nhập cảnh để che giấu tung tích... Anh chia sẻ: Với những đối tượng di chuyển liên tục qua nhiều địa phương thì đây quả là công việc vô cùng vất vả. Khối lượng công việc lớn, lực lượng của đơn vị có hạn song với sự quyết tâm, mưu trí, linh hoạt trong công tác truy tìm, đơn vị đã nhiều lần tổ chức truy tìm đối tượng thành công, dù thông tin thu thập được ban đầu rất sơ sài, địa bàn trải dài trên nhiều địa phương trong cả nước.

Truy tìm đã khó, đấu tranh để đối tượng khuất phục, thừa nhận hành vi của chúng cũng là vấn đề nan giải và vô cùng phức tạp. Một số trường hợp đối tượng ngoan cố, không thừa nhận hành vi sai phạm, thể hiện thái độ bất hợp tác...Trong quá trình đó, cán bộ Phòng 2 đã lấy chữ tâm của người Công an phân tích cho đối tượng hiểu được con đường đúng đắn, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; tạo niềm tin và sự an toàn cho đối tượng. Từ đó, đã dần thay đổi về nhận thức, một số đối tượng đã khai báo thành khẩn.

Trong những năm qua, Phòng 2 đã chủ động đề xuất nhiều biện pháp đấu tranh mới, bắt giữ thành công nhiều đối tượng, trong đó phải kể đến trường hợp của Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Oai... Năm 2003, Trần Thị Nga (SN 1977, ở phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Quá trình lao động, Nga bị tai nạn và được Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Quốc Quân, đều là những đối tượng trong tổ chức Việt Tân giúp đỡ, huấn luyện, kết nạp vào “Việt Tân”.

Khi về nước, Nga có nhiều hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, theo âm mưu, chỉ đạo của “Việt Tân”. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng 2 phối hợp với cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hà Nam và các đơn vị nghiệp vụ đã lật tẩy được hành vi phạm tội của đối tượng.

Trong tình hình hiện nay, cán bộ Phòng 2 đã không quản gian khó, vận dụng sáng tạo lời dạy của Bác, tiếp tục “chân cứng, đá mềm” luôn nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện âm mưu, ý đồ hoạt động của các thế lực thù địch, để ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả góp phần cùng Cục Bảo vệ chính trị V, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Xuân Mai
.
.