Công an xã - những thách thức và hiểm nguy

Thứ Ba, 02/01/2018, 08:19
Chúng tôi đến xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình vào một ngày đông gió rét, mưa phùn giăng khắp con đường của xóm Đông Yên. Hỏi thăm đến nhà liệt sỹ Phạm Ngọc Thuận, người trong xóm ái ngại cho biết, khổ thân chị Phương, sốc vì chồng mất đã điên loạn mấy năm trời, nhà cửa dột nát, con cái nhỏ bơ vơ, đến nay 2 con vẫn chưa có công việc ổn định...

Câu chuyện về hoàn cảnh gia đình một liệt sỹ đã ám ảnh chúng tôi trong suốt cuộc hành trình tìm hiểu về những khó khăn, hiểm nguy của lực lượng Công an xã tại cơ sở.

Căn nhà liệt sỹ hôm nay ấm áp hơn bởi sự có mặt của rất đông lãnh đạo, cán bộ của Đoàn công tác Công an tỉnh Hòa Bình, Công an huyện Lạc Thủy, Chủ tịch UBND xã, Công an xã Yên Bồng cùng người thân, bà con chòm xóm. Mọi người cùng thắp nén hương tưởng nhớ liệt sỹ Phạm Ngọc Thuận và bàn chuyện lo đám giỗ bởi chỉ còn vài ngày nữa là tròn 18 năm hy sinh của anh Thuận.

Ký ức buồn đau tái hiện qua lời của người góa phụ, chị Đinh Thị Phương, vợ liệt sỹ Phạm Ngọc Thuận. Đêm 13-12-2000, như thường lệ, anh Thuận nói với vợ là đi làm nhiệm vụ nên chị cũng không hỏi đi đâu, làm gì bởi hiểu tính chất công việc của anh. Rạng sáng, khi 4 mẹ con chị đang ngon giấc bỗng nghe tiếng gọi cửa gấp gáp.

Linh cảm có chuyện chẳng lành, chị Phương vội vã mở cửa thì đã thấy rất đông người trước sân nhà. Ra đến Trạm Y tế xã, chân chị khụy xuống khi thấy chồng nằm trên chiếc giường phủ ga trắng. Chị ngất đi rồi tỉnh lại trong vòng tay bà con chòm xóm mà không tin nổi rằng chồng mình đã hy sinh.

Chị Phương kể, khi anh Thuận mất, tài sản trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc giường và bộ bàn ghế cũ. Nhà cấp 4 dột nát, mỗi khi có mưa thì tứ bề đều dột, chị phải lấy áo mưa mắc lên cao mới có được 1 góc khô cho 4 mẹ con trú tạm, nước mưa còn đổ xuống tường nhà cảm tưởng như căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Ba con gái, đứa lớn lớp 10, đứa thứ 2 lớp 8 và đứa út mới tròn 6 tuổi dường như chưa cảm nhận hết những tai ương đã ập xuống nhà mình khi mọi người đến nhà chuẩn bị tang lễ cho bố. Nhà nghèo đến mức không đủ tiền đong gạo ăn hằng ngày. Đám tang anh Thuận khi ấy đều do Công an tỉnh, Công an huyện, xã, họ hàng, người thân và bà con chòm xóm lo lắng hộ.

Trong khi làm nhiệm vụ ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trên sông Bôi thuộc khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Hòa Bình-Ninh Bình-Hà Nam, đồng chí Phạm Ngọc Thuận đã bị đối tượng Trần Văn Tuyến, trú tại thôn Hồng Phong 3, xã Yên Bồng chống trả quyết liệt làm anh bị thương nặng, lợi dụng đêm tối, đối tượng còn đục thuyền cho chìm xuống lòng sông.

"Một nách 3 con nhỏ, không có nghề gì làm thêm chỉ trông chờ vào mấy xào ruộng, nhà cửa dột nát, chồng mất không một lời trăng trối với vợ con... cú sốc ấy đã làm tôi phát điên", chị Phương cho biết. "Hơn 2 năm trời hóa điên, người cho ít gạo, người cho bó rau, rồi hỗ trợ vật chất từ đồng đội, họ hàng, chòm xóm đã nuôi 3 con tôi lớn, thấy các cháu bỏ học đã đến vận động các cháu đi học lại, rồi đưa tôi đi chữa bệnh, ân tình này thật khó quên...", chị Phương bày tỏ.

Sau 3 năm thì chồng chị Phương được công nhận là liệt sỹ. Năm 2007, được sự hỗ trợ của Bộ Công an, Công an tỉnh và những tấm lòng hảo tâm, mẹ con chị đã có một căn nhà tình nghĩa mới. Năm 2013, Công an tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ 30 triệu đồng để chị sửa lại nhà. Tuy nhiên, với chị Phương, sự ra đi của chồng thực sự vẫn là một cú sốc lớn, mất đi trụ cột gia đình và cuộc sống gần 20 năm qua vẫn còn nhiều khó khăn.

Rời đất Hòa Bình, ngược lên Sơn La, vượt quãng đường gần 30km từ thị trấn, chúng tôi đến bản Hin Phá, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu). Đi bộ gần 1km men theo rặng cây ven đồi dẫn vào gần chân núi mới tới nhà anh Đào Duy Đước, nguyên Công an viên bản Ta Niết. Trời trở lạnh nên anh Đước đi lại rất khó khăn bởi vết thương trên mình đang nhức nhối.

Anh ngậm ngùi nói: "Trong khi làm nhiệm vụ thì tôi bị thương nặng nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ thương binh. Cuộc sống bây giờ rất khó khăn, là đàn ông nhưng tôi không còn mang vác nặng được nữa, việc nặng vợ, con phải làm...".

Đêm 23-9-2011, nhận được tin báo đối tượng Vì Văn Xuân, SN 1984, trú tại bản Hin Phá có mặt tại nhà, tổ công tác Ban Công an xã Chiềng Hắc lập tức lên đường, đến thực hiện lệnh cưỡng chế người đi cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh. Thấy tổ công tác, Vì Văn Xuân chống trả quyết liệt và bỏ chạy.

Chị Đinh Thị Phương, vợ liệt sỹ Phạm Ngọc Thuận chia sẻ về cuộc sống khó khăn của gia đình từ khi chồng hy sinh.

Trong lúc rượt đuổi, đến mép vực, sát lòng suối cạn, đối tượng Xuân chống trả, đồng chí Đước rượt đuổi bắt trượt liền rơi xuống vực, bị thương nặng, gẫy 2 xương sườn, chùn đốt sống. Sức khỏe giảm sút, sau đó anh Đước không còn đủ sức làm Công an viên nên đã xin thôi việc. Trường hợp của anh, sau này Công an huyện Mộc Châu đã nhiều lần làm văn bản đề nghị các cấp nhưng không được công nhận chế độ thương binh.

Lý do mà Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La đưa ra là, việc cưỡng chế đối tượng nghiện ma túy để đưa vào Trung tâm Giáo dục lao động không phải là hành động "trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự".

Là lực lượng bán chuyên trách, trong công việc hằng ngày Công an xã thường xuyên phải đối mặt với mặt trái của xã hội và đủ loại tội phạm với tính chất ngày càng côn đồ, sẵn sàng dùng vũ khí chống trả khi bị xử lý, vây bắt. Thế nhưng, Công an xã lại ít được đào tạo bài bản về trình độ, nghiệp vụ, thiếu kỹ năng trong xử lý tình huống ban đầu; nhiều vụ việc khi giải quyết còn lạm quyền, vi phạm luật.

Tính từ năm 2010 đến năm 2015, Công an các địa phương phối hợp với các trường và đơn vị liên quan tổ chức 139 lớp đào tạo trung cấp nghiệp vụ Công an cho 14.202 Trưởng Công an xã, cán bộ kế cận, cán bộ dự nguồn chức danh Trưởng Công an xã. Hằng năm, Công an các địa phương cũng mở các lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho Trưởng, Phó trưởng Công an xã và Công an viên, qua đó giúp lực lượng Công an xã nắm vững kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống, thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở.

Tuy nhiên, với những chiếc gậy nhựa, dùi cui cao su trong tay, trong thực tế, Công an xã sẽ rất khó có thể trấn áp mạnh được tội phạm, thậm chí bị đối tượng tấn công, dẫn tới trường hợp hy sinh như liệt sỹ Phạm Ngọc Thuận. Và thực tế hiện nay, việc công nhận thương binh, liệt sĩ đối với Công an xã vẫn rất khó khăn và chậm trễ, nhiều đồng chí chưa được công nhận là thương binh, liệt sĩ.

Từ khi triển khai thực hiện Pháp lệnh Công an xã năm 2009 đến nay, có 44 đồng chí Công an xã hy sinh, 487 đồng chí bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ, trong đó chỉ có 27 đồng chí được công nhận liệt sĩ, 128 đồng chí được công nhận thương binh.

Theo Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn hiện nay chủ yếu do lực lượng Công an xã đảm nhiệm. Đây là địa bàn rộng lớn, chiếm 80% diện tích cả nước.

Từ năm 2011 đến hết năm 2015, trên toàn quốc xảy ra 247.359 vụ phạm pháp hình sự; trong đó, ở địa bàn nông thôn xảy ra 131.734 vụ phạm pháp hình sự. Công việc áp lực và đầy hiểm nguy chực chờ như vậy nhưng việc đầu tư kinh phí và con người cho lực lượng Công an xã quả thực chưa tương xứng.

Ngay cả việc đầu tư kinh phí xây dựng trụ sở làm việc riêng cho các đơn vị Công an xã cũng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, một số nơi, Công an xã vẫn chung phòng làm việc với các ban, ngành khác tại trụ sở UBND xã, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Công an xã.

Đến nay, chỉ có 1.411/9.327 Ban Công an xã có trụ sở làm việc riêng (chiếm 15,1%).

Anh Hiếu
.
.