Tập trung giúp dân khắc phục hậu quả bão số 5
- Công an Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả sau bão số 5
- Đổ bộ đất liền, bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
- Quảng Nam sơ tán hơn 1.500 người trước khi bão số 5 đổ bộ
Tại Hà Tĩnh, vào lúc 5h sáng ngày 18/9, do ảnh hưởng của bão số 5, một trận lốc xoáy đã quét qua địa bàn xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân. Lốc xoáy chỉ kéo dài chưa đầy 30 phút nhưng đã gây thiệt hại nặng nề cho chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn. Lốc xoáy đã làm 75 nhà dân ở thôn Bắc Sơn, xã Cương Gián bị tốc mái, hàng nghìn viên ngói, tấm lợp xi măng văng xuống đất vỡ vụn, một số bờ rào đổ sập, nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả của bà con bị hư hỏng nặng.
Công an Hà Tĩnh thu dọn cây xanh ngã đổ do lốc xoáy gây ra. |
Lực lượng Công an Hà Tĩnh đang phối hợp với chính quyền địa phương giúp người dân khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra. |
Công an tỉnh Hà Tĩnh giúp dân lợp lại nhà cửa sau lốc xoáy |
Tại Quảng Bình, ngay từ sáng sớm ngày 18/9, Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Công an tỉnh đã đến các khu neo đậu tàu thuyền, vùng cửa sông, cửa biển để kiểm tra tình hình mưa bão, chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở cùng chính quyền địa phương giúp dân phòng chống và khắc phục hậu quả mưa bão.
Tại Cửa Phú, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Đại tá Nguyễn Tiến Nam đã yêu cầu lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng tại địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân di chuyển người, neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn.
Đại tá Nguyễn Tiến Nam kiểm tra việc phòng chống, khắc phục bão số 5. |
Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình giao nhiệm vụ cụ thể cho Công an các đơn vị, địa phương chủ động bố trí lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn để bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, không để các loại tội phạm lợi dụng tình hình bão, lũ để phạm tội.
Sau bão, thường xảy ra mưa lũ, đặc biệt ở huyện miền núi, biên giới Minh Hóa, vì vậy, Công an huyện Minh Hóa đã bố trí ứng trực 100% quân số, thành lập 5 tổ công tác với 40 CBCS tăng cường xuống các địa bàn xung yếu để giúp đỡ nhân dân, chuẩn bị 2 xe ô tô, 2 ca nô sẵn sàng phục vụ khi có yêu cầu ứng cứu. Chỉ đạo lực lượng CSGT thành lập 3 Tổ công tác tiến hành tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt tại những điểm có nguy cơ ngập, sạt lở…để kịp thời hướng dẫn, phân luồng, cảnh báo khi có sự cố xảy ra.
Tại Quang Trị, Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, ngay sau bão số 5, chiều 18/9, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng tại chỗ trước đó được huy động phối hợp Công an xã, chính quyền, đoàn thể địa phương và các lực lượng khác giúp dân ứng phó bão số 5 khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão.
Tại huyện Hải Lăng, đến 15h chiều cùng ngày, lực lượng đã giúp dân lợp lại mái nhà bị bão làm tốc mái với tổng cộng 9 nhà tập trung chủ yếu ở các xã ven biển bãi ngang như Hải An, Hải Khê. Tại huyện Hướng Hóa cũng giúp lợp lại tất cả 6 nhà do bão làm tốc mái.
Công an Quảng Trị tham gia dọn dẹp cây xanh bị bão số 5 làm gãy đổ. |
Bão số 5 gây ra những thiệt hại khác, nhiều cây xanh trên địa bàn Quảng Trị bị gãy đổ, đường từ trung tâm thị tứ Tà Rụt vào A Vao, huyện Đakrông; đường vùng Lìa từ ngã 3 Tân Long vào Pa Tầng, huyện Hướng Hóa bị ngập lụt suốt nhiều giờ, nhiều điểm sâu trên 1 m. Lực lượng Công an xã, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích đã phải ứng trực, canh ở hai đầu con đường không cho người dân qua lại nguy hiểm. Ngay sau nước rút, các lực lượng cùng với các đoàn thể và người dân địa phương đã tổ chức cào làm sạch bùn non để việc đi lại không bị trơn trượt xảy ra tai nạn.
Nhiều nhà cửa ở Hải Lăng bị bão số 5 làm tốc mái. |
Thượng tá Hoàng Văn Trung, Trưởng Công an huyện Đakrông cho hay, nhiều lực lượng của đơn vị đã phối hợp với các lực lượng khác tổ chức khắc phục hậu quả sạt lở đường Hồ Chí Minh tại nhiều điểm đoạn nhánh Đông cầu Treo Đakrông đi A Lưới, Thừa Thiên Huế. Do sạt lở nặng cần phải huy động thêm phương tiện máy móc cơ giới nên trước mắt lực lượng tập trung dọn dẹp những lớp đất, đá đổ ra đường, cắm biển cảnh báo không cho người dân qua lại những điểm đường bị sạt lở nguy hiểm này.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện miền núi Đakrông bị ngập lụt, chia cắt. |
Đặc biệt, do chủ quan, hai vợ chồng trẻ ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông từ rẫy về nhà đã không may bị nước cuốn trôi người vợ, hiện chưa tìm thấy. Một trường hợp khác ở Hải Lăng cũng do chủ quan trong ứng phó với bão đã bị cây cối ngã đổ làm bị thương. Báo cáo của Trung tâm phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Quảng Trị, bão số 5 kèm theo mưa lớn, lụt cục bộ đã gây thiệt hại đáng kể tại nhiều địa phương. Bên cạnh 15 ngôi nhà dân bị tốc mái, hàng ngàn cây xanh lâu năm bị gãy đổ, đường sá giao thông bị sạt lở, ách tắc, hơn 1.000 ha lúa Hè Thu cũng bị thiệt hại mất trắng do người nông dân không kịp thu hoạch.