Công an Lâm Đồng chung tay giúp đỡ bà con vùng tâm lũ

Chủ Nhật, 11/08/2019, 17:39
Ngày 11-8, tại những vùng ngập lụt nghiêm trọng nhất của tỉnh Lâm Đồng nước đã bắt đầu rút. Hàng trăm CBCS Công an vẫn đang sát cánh cùng bà con khắc phục hậu quả của trận lũ lụt lịch sử, giúp nhân dân vùng bị thiệt hại nặng nề sớm ổn định cuộc sống.

Ngay khi mưa lớn như trút nước đang đổ xuống các tỉnh Tây Nguyên, hàng trăm CBCS Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP Bảo Lộc tức tốc lên đường vào vùng tâm lũ. Suốt tuần qua, cùng với lực lượng Quân đội, các tổ chức đoàn thể, Công an Lâm Đồng đã chung tay sát cánh, đồng hành cùng bà con vùng lũ.

Công an huyện Đức Trọng phối hợp với lực lượng chức năng triển khai CBCS vào vùng tâm lũ giúp đỡ nhân dân

Nhờ có sự chủ động ứng phó kịp thời mà hàng trăm gia đình bị lũ dữ bao vây, cô lập, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng đã được Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với lực lượng chức năng giải cứu thành công. Ngay khi nước lũ vừa rút, các CBCS Công an lại chung tay giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, gấp rút dựng lại nhà cửa, đường sá, xịt rửa bùn đất...

Trong những ngày qua, hàng trăm người dân bị cô lập do nước lũ đã được lực lượng chức năng giải cứu thành công

Đại tá Lê Thái, Trưởng Công an huyện Đức Trọng cho biết, nước lũ từ thượng nguồn đổ về, dâng ngập QL27 qua địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, gây chia cắt giao thông cục bộ, hơn 500 gia đình bị nước lũ dâng ngập. Ngay trong đêm 8-8, 50 CBCS Công an huyện Đức Trọng đã được điều động tới hiện trường khẩn trương giúp dân sơ tán người và tài sản tới nơi an toàn.

Nước lũ rút, Công an lại giúp dân khắc phục hậu quả

Hàng chục CBCS Công an huyện Đức Trọng đã nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả. Các anh đã tới từng gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất giúp dân dọn dẹp nhà cửa, quét xịt bùn đất, vừa làm vừa động viên bà con vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Những gia đình bị thiệt hại nặng nề đã nhận được sự chia sẻ từ các CBCS Công an

Bà Nguyễn Thị Thương, thôn Thanh Bình, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng cảm kích khi nói về Công an: “Nước lũ đổ về rất nhanh, chỉ trong ít phút đã tràn vào nhà, cả thôn nhốn nháo, hoảng loạn vì không kịp sơ tán tài sản. Đúng lúc đó thì Công an xuất hiện. Các chú ấy xử lý rất nhanh, nhiều tài sản và người bị cô lập đều được giải cứu kịp thời nhờ thế mà người dân chúng tôi không ai bị sao, hạn chế được thiệt hại. Rồi khi nước rút, các chú Công an lại tới giúp dọn dẹp, làm việc rất có trách nhiệm khiến nhân dân chúng tôi ai cũng cảm kích!..”.

Công an giúp dân dọn dẹp sau lũ dữ

Nhờ có sự vào cuộc kịp thời, trách nhiệm của Công an huyện Đức Trọng và các lực lượng chức năng, đến thời điểm này hậu quả ở vùng rốn lũ xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng đã cơ bản được khắc phục, cuộc sống của những gia đình bị ảnh hưởng đã trở lại bình thường.

Mặc dù diện tích bị ngập lụt không lớn nhưng huyện Lạc Dương lại là địa phương chịu tổn thất nặng nề bậc nhất của tỉnh Lâm Đồng. Nhiều trang trại, diện tích rau hoa ứng dụng công nghệ cao trị giá hàng chục tỷ đồng bị nước lũ quét qua, cuốn phăng tất cả. Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, đợt lũ lụt này đã gây thiệt hại cho huyện Lạc Dương ít nhất 77 tỷ đồng.

Công an chung tay giúp bà con ổn định cuộc sống sau mưa lũ

Tại huyện Lạc Dương, ngay trong ngày cao điểm mưa lũ, hàng chục CBCS Công an huyện do Thượng tá Nguyễn Văn Lân, Phó Trưởng Công an huyện chỉ huy đã được điều tới hiện trường phối hợp với Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng giải cứu thành công hàng chục người đang bị mắc kẹt giữa dòng nước dữ đang cuồn cuộn chảy siết.

Sau khi nước rút, các CBCS Công an huyện Lạc Dương lại hành quân vào xã vùng sâu Đưng Knớ, chung tay giúp dân dựng lại nhà cửa đã bị mưa lớn nước lũ gây sập đổ, xiêu vẹo. Trong hai ngày qua, nhiều căn nhà của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đưng Knớ đã được Công an huyện Lạc Dương phối với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng dựng lại, giúp bà con bị tổn thất nặng nề do mua lũ sớm ổn định cuộc sống.

Với bà con vùng tâm lũ Tây Nguyên, mất mát, thiệt hại về tài sản là vô cùng lớn. Hàng nghìn gia đình cơ nghiệp cả một đời làm lụng tích cóp có được đã bị cuốn phăng theo dòng nước dữ. Với họ, nay phải bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất để gây dựng lại cơ nghiệp. Nhân dân các vùng tâm lũ Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng: Một miếng khi đói bằng một gói khi no!...

Khắc Lịch
.
.