Từ chứng minh nhân dân đến thẻ căn cước – bước chuyển mình tất yếu

Cận cảnh một buổi cấp, đổi thẻ căn cước công dân tại Hà Nội

Thứ Hai, 27/03/2017, 10:01
Qua hơn 1 năm triển khai kế hoạch làm thẻ căn cước công dân (CCCD), Đội QLHC về TTXH, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội mỗi ngày đón từ 80 đến 100 người dân đến làm thẻ CCCD. Có mặt tại đây, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, tận tụy, hướng dẫn của cán bộ và những nụ cười, niềm phấn khởi nhận thẻ mới.

Tại tầng 2 của Đội  QLHC về TTXH, Công an quận Thanh Xuân, nơi cấp thẻ căn cước công dân lại đông hơn thường lệ. Phía bên ngoài 6 bàn trống được kê sát vào nhau, trên bàn dán tờ hướng dẫn được in chữ to niêm yết “Thông báo cấp căn cước công dân” và “Hướng dẫn tờ khai căn cước công dân”.

Cán bộ Công an quận Thanh Xuân lấy dấu vân tay của người dân.

Người đến làm thủ tục chỉ phải mang theo sổ hộ khẩu bản gốc, lấy tờ khai và viết theo hướng dẫn. Sau lớp kính là 4 bàn đón tiếp, đọc tên người đến lượt vào làm các thủ tục như trình phiếu, lăn tay, chụp ảnh… Mọi thao tác được tổ công tác thẻ CCCD  thực hiện nhanh, thuần thục và tiết kiệm thời gian cho bà con nhân dân.

Trung tá Vũ Đăng Mùi, Tổ trưởng thẻ CCCD, Đội QLHC về TTXH, Công an quận Thanh Xuân vừa chụp ảnh, đưa thông tin máy tính cho hay, số công dân thực hiện làm thẻ CCCD có tăng so với trước đây vì nhu cầu đi lại của người dân nhiều hơn, chế độ phúc lợi xã hội cho người cao tuổi, người tàn tật chặt chẽ hơn, phổ quát hơn; nhận thức của người dân tăng lên và một số thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, địa chính cũng cần giấy tờ cá nhân của mỗi người, vì vậy họ chủ động, tự giác đi làm CCCD.

Theo ghi nhận của PV, trong buổi sáng có gần 80 công dân đến làm thẻ CCCD, trong đó người cao tuổi nhất là cụ Phạm Đăng Khoa (SN 1934), trú ở Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội và người nhỏ tuổi nhất là cháu Đoàn Trung Hải Nam (SN 2003), trú tại phường Nhân Chính (Thanh Xuân).

Cụ Khoa tuy tuổi đã ngoài bát thập nhưng vẫn còn minh mẫn, tự đạp xe đến làm thẻ căn cước: “Hôm trước tôi lên phường làm giấy uỷ quyền cho con trai lĩnh lương nhưng CMND từ năm 2003 hết hạn nên phải làm lại. Ngày xưa thủ tục nhiều, bây giờ nhanh gọn hơn" – cụ cho biết. Là người đi làm giấy tờ tuỳ thân lần đầu, Hải Nam chia sẻ: “Em đi cùng với bố, CMND của bố đến thời hạn phải đổi nên đổi sang thẻ CCCD, còn em nghe thông tin thẻ CCCD có thể thay thế nhiều loại giấy tờ khác nên cũng tò mò, bỡ ngỡ, được chụp ảnh tại chỗ, được lưu vân tay bằng điện tử…”.

Cạnh đấy, chị Trần Thị Tính, phường Thanh Xuân Nam tươi cười cho biết: “Tôi chuyển hộ khẩu từ quê xuống Hà Nội nhưng vẫn dùng CMND cũ. Năm nay hết thời hạn 15 năm, do đang bán nhà cần giao dịch giấy tờ nên phải đi làm thẻ CCCD. Không ngờ nhìn nó cứng, bền và đẹp hơn CMND cũ”.

Còn anh Nguyễn Văn Hùng (31 tuổi), phường Thanh Xuân Bắc cho biết, anh đi đổi từ CMND sang thẻ căn cước mới. “Lúc đầu, nghe nói khai khó khăn, thủ tục nhiều. Nhưng đến nơi được các anh chị Công an tận tình hướng dẫn, lại có tờ khai mẫu dán dưới bàn nên trong vòng 10 phút tôi đã khai xong”.

Thay vì phải mang theo hộ khẩu và xác nhận của Công an phường sở tại thì nay, thủ tục cấp CCCD cho người dân đã đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều. Theo ông Phạm Bá Chuê (SN 1952), quê Tiên Lãng, Hải Phòng thì thẻ CCCD rất tiện lợi vì có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến đời sống người dân như chuyển nhượng nhà đất, giao dịch ngân hàng, liên quan đến việc con cháu đi học, các quan hệ với các tổ chức đoàn thể…

“Trước đây tôi có dùng CMND 12 số rồi nhưng do thay đổi chỗ ở nên lại làm thẻ CCCD. So với thẻ cũ, thẻ này hình thức gọn nhẹ, dễ cất giữ. Mà cán bộ hướng dẫn thì nhiệt tình, chu đáo” – ông Chuê nói. “Ngày xưa, để làm được CMND, chúng tôi phải xếp hàng, làm thủ tục rườm rà. Hôm nay 8h30’ tôi có mặt mà hơn 9h đã xong việc, kê khai rất đơn giản, đúng là tiện lợi hơn hẳn”, cán bộ hưu trí quận Thanh Xuân nói với thêm.

Ngoài việc làm thẻ CCCD tại trụ sở Công an quận, cán bộ, chiến sỹ còn thực hiện làm thẻ căn cước lưu động cho các công dân có nhu cầu. Theo Trung tá Vũ Đăng Mùi, từ đầu năm 2017 đến nay, Đội QLHC về TTXH, Công an quận  đã 5 đợt đến từng nhà dân trong địa bàn quận để làm thẻ CCCD cho người có công cách mạng, già yếu, tàn tật, bị liệt.

Đầu tháng 3, tổ công tác đã xuống gia đình có công cách mạng là vợ chồng ông bà Lê Thị Phương Mai (90 và 93 tuổi), trú tại phường Nhân Chính. Mỗi cử chỉ nhẹ nhàng, lịch sự, với thái độ ân cần, chu đáo của những cán bộ, chiến sĩ Công khi tận tình đến từng nhà làm thẻ CCCD cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã nhận được nhiều lời khen ngợi và lòng tin yêu của người dân đối với lực lượng Công an.

Bà Nguyễn Phương Thúy (60 tuổi) tâm sự: “Đáng lẽ ra chúng tôi phải ra trụ sở nhưng lại được cán bộ Công an quận đến tận nhà làm CCCD khiến chúng tôi rất xúc động”.

Cũng theo Trung tá Vũ Đăng Mùi, có người dân bị liệt, đầu óc không tỉnh táo, nhận thức được nhưng con, cháu vẫn yêu cầu làm CCCD. Những trường hợp này anh em làm mất nhiều thời gian hơn trong khâu chụp ảnh, lấy vân tay... nhưng vẫn cố gắng hoàn tất các thủ tục, đem CCCD đến giao lại cho người nhà.

“Việc cấp CCCD tận nơi cư trú thoạt nhìn thì đơn giản nhưng khá phức tạp bởi hệ thống máy móc thiết bị là cố định nhưng phải di chuyển xuống địa bàn, lắp đặt ở từng hộ gia đình, rồi lại tháo dỡ và sang hộ khác. Tuy nhiên, anh em cán bộ, chiến sĩ vẫn quyết tâm phục vụ người dân” – Trung tá Mùi cho biết thêm.

Tận mắt chứng kiến buổi làm CCCD mới thấy nỗi vất vả của các cán bộ thực hiện. Một dãy bàn kín người dân vây quanh chờ đến lượt nên các cán bộ phải cố gắng nhiều hơn; có cụ cao niên nặng tai, có người mắt kém; có người phản ứng gay gắt, không muốn đổi CMND sang thẻ CCCD vì thay đổi số thì không giao dịch, làm việc được… Trước những trường hợp này, tổ công tác lại phải nhẹ nhàng giải thích nhiều nhưng không vì thế mà có thái độ bực bội với người dân.

Được biết, từ ngày 15-11-2016 đến 17-3-2017, Đội Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an quận Thanh Xuân đã cấp mới cho 4.996 trường hợp, cấp đổi 63 và cấp lại 135 trường hợp. Thời gian tới, việc thực hiện làm CCCD lưu động sẽ tiếp tục được Đội QLHC về TTXH, Công an quận Thanh Xuân tiếp tục triển khai đến các đơn vị còn lại trên địa bàn quận.

Qua đó đã giảm đến mức thấp nhất tình trạng tồn đọng hồ sơ và cấp phát thẻ căn cước đến công dân một cách nhanh nhất. Với nhiều tiện ích mà thẻ CCCD đem lại, có thể thấy đây là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền, lợi ích chính đáng của mình.

Minh Hiền – Quỳnh Vinh
.
.