Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Quảng Ninh:

Điện tử hóa hệ thống tàng thư căn cước công dân

Thứ Hai, 13/03/2017, 08:33
Xác định việc áp dụng khoa học kỹ thuật là mũi nhọn nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ của đơn vị, lực lượng hồ sơ Công an tỉnh Quảng Ninh không ngừng đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình công tác. Tính đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước điện tử hóa hệ thống tàng thư căn cước công dân.


Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng trở lên phức tạp với sự gia tăng của các loại tội phạm mới, hoạt động tinh vi, xảo quyệt hơn. Cùng chung với nhiệm vụ của lực lượng Công an toàn tỉnh, công tác hồ sơ đứng trước những thách thức lớn về việc cập nhật, khai thác thông tin số liệu phục vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm. 

Xác định áp dụng khoa học công nghệ là chìa khóa để lực lượng hồ sơ đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ với khối lượng và thời gian rút ngắn hơn, Phòng Hồ sơ tích cực đổi mới toàn diện, từng bước đưa công tác hồ sơ nghiệp vụ lên chính quy, hiện đại.

Đây là thời kỳ bắt đầu tin học hóa công tác hồ sơ nghiệp vụ nên khối lượng công việc tăng gấp đôi, một mặt CBCS vừa cập nhật, khai thác, trao đổi thông tin trong dữ liệu thủ công, mặt khác phải thực hiện trong dữ liệu điện tử. 

CBCS Phòng Hồ sơ cập nhật tra cứu dữ liệu đối tượng trong tàng thư căn cước can phạm với tàng thư căn cước công dân.

Cán bộ chiến sĩ bước vào giai đoạn chuyển giao còn nhiều bỡ ngỡ, cùng với đó cơ sở vật chất tin học còn hạn chế, số lượng hồ sơ tăng vọt do sự gia tăng của các loại vụ việc, đối tượng và sự thay đổi của chế độ hồ sơ (trong 30 năm đã 4 lần thay đổi chế độ hồ sơ An ninh và Cảnh sát). 

Trung bình, mỗi cán bộ chiến sĩ phải tra cứu 100 hồ sơ/ngày phục vụ cho các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương. Việc làm thêm giờ, ngoài giờ, đột xuất trở nên quen thuộc. 

Mặc dù khó khăn chồng chất, biên chế thiếu, khối lượng công việc nhiều, nhưng tập thể đơn vị đã xây dựng mô hình, công trình mới như “Kết nối tàng thư căn cước can phạm, căn cước công dân”, “Phụ nữ tiếp nhận tra cứu yêu cầu nghiệp vụ” phục vụ cho việc bảo vệ chính quyền, đấu tranh với các loại tội phạm và công tác bảo vệ nội bộ.

Với những bước đổi mới toàn diện trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác đăng ký, quản lý, khai thác hồ sơ, tài liệu đã góp phần quan trọng vào việc điều tra, khám phá hàng trăm nghìn vụ án, vụ việc. 

Nếu như trước đây việc tiếp nhận, đăng ký, khai thác hồ sơ làm bằng thủ công yêu cầu nhiều người làm mất nhiều thời gian, thì hiện nay với việc xây dựng và duy trì mô hình “một cửa” hiệu quả công tác được nâng lên, thời gian rút ngắn từ 7 ngày xuống còn từ 1 đến 3 ngày, đối với trường hợp khẩn cấp tra cứu trả kết quả trong ngày. 

Đến nay, lực lượng Hồ sơ Công an tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành xong việc điện tử hóa gần 2 triệu tờ khai chứng minh nhân dân, kết nối căn cước can phạm với căn cước công dân (kết nối 68.200 đối tượng trong tàng thư căn cước can phạm với tàng thư căn cước công dân, phát hiện 54.400 đối tượng có thông tin tài liệu), xây dựng 6 hệ cơ sở dữ liệu về thông tin tội phạm trên các mặt... Đây là công việc hết sức quan trọng, góp phần trực tiếp vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. 

Điển hình, vào ngày 3-10-2014, đơn vị tiếp nhận danh, chỉ bản do Công an TP Hạ Long đối với Trần Anh Hùng, SN 1986, trú tại xã Hồng Thái Tây, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, bị bắt về tội danh cố ý gây thương tích. Qua tập trung tra cứu, rà soát danh chỉ bản đối tượng trong tàng thư thu thập được trường hợp Trần Văn Hùng, SN 1986, là đối tượng truy nã theo Lệnh truy nã số 50/QĐTN ngày 1-7-2013 của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh về tội khai thác tài nguyên trái phép (đối tượng đã thay đổi tên đệm). Ngay sau đó, đơn vị đã trao đổi với Công an TP Hạ Long kịp thời bắt giữ, xử lý đối tượng theo quy định.

Hiện nay, lực lượng Hồ sơ Công an tỉnh Quảng Ninh đã được trang bị, xây dựng 2 trung tâm cơ sở dữ liệu điện tử (Trung tâm cơ sở dữ liệu hồ sơ An ninh và Trung tâm thông tin tội phạm của lực lượng Cảnh sát) phục vụ quản lý toàn bộ các thông tin liên quan căn cước công dân, thông tin về tài liệu, đối tượng phạm tội trên địa bàn toàn tỉnh và được kết nối với các Cục nghiệp vụ.

Với những kết quả thu được, lực lượng Hồ sơ tiếp tục ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao hiệu quả công tác, góp phần cùng lực lượng Công an toàn tỉnh giữ vững tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.

Hà Tâm
.
.