Phạm nhân lao động, sản xuất ngoài trại giam: Giúp phạm nhân hoàn lương, tái hoà nhập cộng đồng

Bài 2: Giám sát chặt chẽ, tạo hiệu quả năng suất lao động

Thứ Năm, 23/05/2019, 09:23
Tại một số nơi an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “Điểm lao động” ngoài trại giam.

Việc tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam có phải là biện pháp giáo dục cải tạo tốt hay không? hoặc có phải như lo ngại của một số đại biểu Quốc hội về việc cho phạm nhân ra ngoài lao động là không mang tính trừng trị đối với người đang phải chấp hành án phạt tù? Chúng tôi ghi nhận thực tế tại các điểm lao động ngoài trại giam.

Khu sản xuất ngoài trại giam của Trại giam Hoàng Tiến (thuộc tỉnh Hải Dương) tường, rào chắn bằng dây thép gai, tách biệt hẳn với khu dân cư. Đây là cơ sở dạy nghề và sản xuất gạch ngói của Công ty Gốm Mỹ. Khu vực này cách cổng trại khoảng 1km.

Mấy hôm nay trời nắng nóng nên doanh nghiệp đầu tư thêm hàng chục chiếc quạt công nghiệp để xua tan không khí oi bức. Đang giờ giải lao nên phạm nhân và công nhân được nghỉ ngơi, uống nước chanh đường.

Điểm dễ dàng phân biệt giữa công nhân và phạm nhân đó là những chiếc áo kẻ sọc đặc trưng. Ở trong khu sản xuất, cán bộ quản giáo, cán bộ bảo vệ đều đang làm nhiệm vụ của mình.

Quản giáo cùng các phạm nhân nghỉ ngơi sau giờ lao động.

Ngay trong khu sản xuất là nơi ở của các phạm nhân được đưa lao động tại Công ty Gốm Mỹ.  Để quản lý số phạm nhân lao động tại đây, Trại giam Hoàng Tiến đã yêu cầu công ty bố trí chỗ ở riêng cho các phạm nhân, ngoài khu ở của phạm nhân có hệ thống khoá, camera quan sát, các cán bộ của trại giam giám sát 24/24h bằng cách trực tiếp và qua 20 camera giám sát của doanh nghiệp.

Đại uý Lương Văn Chử, cán bộ phụ trách phạm nhân lao động ngoài Trại giam Hoàng Tiến cho biết, các cán bộ giám sát, quản lý phạm nhân lao động ngoài trại giam luôn có tinh thần trách nhiệm cao, giám sát chặt, đôn đốc sát sao, nên 3 năm qua, từ khi đưa phạm nhân ra ngoài lao động, chưa xảy ra bất kỳ một tình huống vi phạm, một nguy cơ mất an ninh trật tự nào.

Ông Dương Tuấn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Tiến (Gốm Mỹ) cho biết, Công ty phối hợp với Trại giam Hoàng Tiến đưa phạm nhân ra ngoài lao động đến nay đã được 3 năm, mọi việc phối hợp chặt chẽ, tuân thủ đầy đủ các quy định về việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại tạm giam, tạo hiệu quả và năng suất lao động cho doanh nghiệp.

Ngoài các cán bộ của Trại giám sát trực tiếp và qua camera, tổ an ninh của doanh nghiệp cũng phối hợp chặt chẽ với các cán bộ trại giam để giám sát các phạm nhân này. Khi lao động tại doanh nghiệp, các phạm nhân ngoài việc chịu sự giám sát chặt chẽ, có khu ăn ngủ riêng, thì được doanh nghiệp bố trí các chế độ ăn uống, lương thưởng như của công nhân.

“Đưa phạm nhân ra ngoài lao động ngoài việc khai thác khả năng lao động, còn giúp phạm nhân trau dồi tay nghề, được tiếp xúc với báo chí, sách vở, với các công nhân khác, từ đó giúp phạm nhân cải tạo tốt hơn, khi tái hoà nhập cộng đồng tốt hơn” - ông Dũng nói.

Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện cho trại giam chọn lựa những phạm nhân cải tạo tốt, những phạm nhân có mức án không gây nguy hiểm lớn cho xã hội và đặc biệt có sức khoẻ, có tay nghề, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất, để tạo điều kiện cho phạm nhân có kinh nghiệm, có điều kiện trau dồi tay nghề để sớm có việc làm khi tái hoà nhập cộng đồng.

Về lo ngại việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động, vấn đề quản lý phạm nhân, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực các phạm nhân lao động ngoài trại tạm giam như thế nào, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm cho biết, khi đưa phạm nhân ra ngoài lao động, trại giam đã phải chọn lọc những phạm nhân có đủ điều kiện để anh em phạm nhân có sự tiếp xúc với bên ngoài, không bỡ ngỡ, quen với công việc khi thời hạn cải tạo đã gần hết.

Nhiều phạm nhân sau khi lao động tốt tại doanh nghiệp, khi hết hạn tù đã được nhận làm việc luôn. Việc quản lý phải gắn trách nhiệm Giám thị, cán bộ. Trong những năm qua, Trại giam chưa để xảy ra sự cố nào về việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động.

Về ý kiến, phạm nhân đã có tội phải bị trừng trị, phải quản lý chặt chẽ trong tường rào trại giam, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm cho rằng: “Tôi làm trại giam nay đã 40 năm, nhận thấy không phải phạm nhân nào mình cũng trừng phạt, quản lý chặt chẽ như vậy, bởi có những phạm nhân phạm tội chuyên nghiệp, phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng thì phải quản lý chặt chẽ, nhưng có những phạm nhân do tai nạn lao động, lái xe gây tai nạn, phạm nhân phạm tội đơn giản như sinh nhật bạn bè có chút chơi bời... thì có thể đưa ra ngoài lao động.

Tôi đề nghị Quốc hội, các cấp nên mở, không phải phạm nhân nào cũng ra ngoài lao động, nhưng cũng phải sàng lọc đối tượng nào có thể ra ngoài lao động để người ta đỡ mặc cảm, để gia đình phạm nhân cũng nhìn nhận con em họ vào đây không phải là người thừa, mà còn tạo thói quen cho công ăn việc làm để khi hoà nhập cộng đồng, phạm nhân không còn bị bỡ ngỡ”

Ở khu sản xuất của Trại giam Phú Sơn 4, đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng tách biệt với khu dân cư.  Đây là cơ sở dạy nghề và sản xuất gạch Việt Cường cách Trại giam Phú Sơn 4 chừng mươi cây số. Trước khi ra điểm lao động này, những phạm nhân ở đây đều phải thực hiện đúng quy trình kiểm tra kỹ càng về an ninh.

Đại úy Nguyễn Văn Đức, Quản giáo Trại giam Phú Sơn 4 cho biết các phạm nhân được lựa chọn ra những điểm lao động này đều là các phạm nhân cải tạo khá tốt và có quá trình xếp loại thi đua cải tạo từ khá trở lên và án từ 7 năm trở xuống.

Ra đây các phạm nhân có tư tưởng rất yên tâm cải tạo, về môi trường, về chế độ chính sách các phạm nhân được đáp ứng đầy đủ. Khi phạm nhân được ra làm việc tại các điểm lao động bên ngoài trại giam, tất cả các quy định về công tác giam giữ phạm nhân luôn được thực hiện nghiêm ngặt.

Ngoài việc học nghề và sản xuất ra sản phẩm, phạm nhân được học văn hóa. Hằng tuần các đội quản giáo còn  phổ biến pháp luật cũng như xếp loại thi đua cho các phạm nhân.

Được biết, Trại giam Phú Sơn 4 chia mỗi đội quản lý từ 10-15 phạm nhân gồm 1 cán bộ quản giáo, 1 cán bộ bảo vệ. Tất cả theo định kỳ, theo nội quy và theo các bước tiến hành, trước khi phạm nhân vào nhập trại đều có các bước kiểm soát trước khi nhập phạm nhân vào khu vực giam giữ.

Đại tá Lê Viết Lượng, Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 cho biết, quá trình tổ chức đưa phạm nhân ra ngoài đem lại hiệu quả, giảm tình trạng quá tải cho trại giam, giảm áp lực tìm kiếm việc làm cho phạm nhân, góp phần giảm đầu tư của Nhà nước cho trại giam, đồng thời giúp phạm nhân có đời sống, có chế độ bồi dưỡng phạm nhân lao động trong trại.

Qua gần 20 năm tổ chức cho phạm nhân ra lao động, dạy nghề ở ngoài trại giam, Trại giam Phú Sơn 4 đã luôn thực hiện đầy đủ những chế độ của phạm nhân, đồng thời đảm bảo được an ninh an toàn tuyệt đối.

Phương Thủy
.
.