Phạm nhân lao động, sản xuất ngoài trại giam: Giúp phạm nhân hoàn lương, tái hoà nhập cộng đồng

Thứ Tư, 22/05/2019, 07:07
Việc thành lập các khu sản xuất và các điểm lao động ngoài trại giam đã giảm tải được số lượng phạm nhân trong khu giam, tiến tới đảm bảo diện tích sàn nằm cho phạm nhân; đồng thời giúp các trại giam mở rộng phạm vi tìm kiếm việc làm, đa dạng hoá các ngành nghề lao động, tạo việc làm cho phạm nhân, giúp phạm nhân có nhiều cơ hội được truyền nghề, được lao động, cải tạo để phục vụ mục tiêu có việc làm ổn định khi tái hoà nhập cộng đồng.

Nhờ đó, các phạm nhân ra trại dễ dàng tìm kiếm công ăn việc làm hơn, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng. Phóng viên Báo CAND đã trực tiếp đến các trại giam để tìm hiểu công tác này…

Bài 1: Lao động giúp cải tạo con người

Tại một số nơi an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “Điểm lao động” ngoài trại giam.

Qua đánh giá, tình hình lao động, sản xuất ngoài trại giam cơ bản ổn định, do tất cả các phạm nhân được đưa ra các khu lao động, sản xuất ngoài trại đều được chọn lọc, duyệt xét hồ sơ chặt chẽ.

Cụ thể, họ là những phạm nhân có mức án thấp, có ý thức trong lao động, cải tạo, xếp loại thi đua hàng kỳ đều được đánh giá khá, tốt. Công việc ngoài khu vực trại giam chủ yếu thực hiện theo dây chuyền khép kín, trong phạm vi hẹp nên thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát.

Phạm nhân lao động ở khu sản xuất tại Trại giam Hoàng Tiến.

Tính đến năm 2018, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Cục CSQLTG) có 23 khu sản xuất trực thuộc các trại giam và có 154 điểm lao động dạy nghề ngoài khu vực trại giam. Các ngành nghề chủ yếu ở các khu sản xuất và các điểm lao động ngoài trại giam là trồng trọt, chăn nuôi, chế biến đá, gia công vàng mã…

Kết quả lao động tại các khu sản xuất và các điểm lao động ngoài trại đã góp phần không nhỏ vào kết quả lao động của toàn trại. Đặc biệt,  phạm nhân lao động, sản xuất lao động ngoài trại giam, không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế mà điều quan trọng nhất là giúp họ có cơ hội học nghề, làm nghề để khi về cộng đồng họ có thể có điều kiện thuận lợi tìm công ăn việc làm mang lại thu nhập chính đáng để họ sớm ổn định cuộc sống.

Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục CSQLTG cho biết, quan điểm xuyên suốt của Cục trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân đó là cải tạo chính trị, tư tưởng kết hợp với cải tạo lao động. Trong đó, chính sách nhân đạo là cốt lõi nhất, đó là làm thế nào để phạm nhân chuyển biến về nhận thức, xác định rõ sai phạm, tội lỗi để phấn đấu, cải tạo tiến bộ.

Làm được điều đó, thì ngoài giáo dục chính trị, văn hoá thì giáo dục dạy nghề để tạo công ăn, việc làm cho họ khi ra trại có công ăn việc làm ổn định, tự lo cho bản thân, gia đình, phòng ngừa tái phạm là công tác rất quan trọng và thiết yếu, bởi nếu có công ăn việc làm với thu nhập ổn định thì phạm nhân sẽ không tái phạm.

Được biết, trước đây, các trại chủ yếu là truyền nghề, hiện nay, nhờ lấy kết quả lao động sản xuất của phạm nhân, các trại đã ký hợp đồng với các trung tâm dạy nghề để đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân. Kết quả lao động đã đưa lại lợi ích rất lớn. Cụ thể, các trại giam đã sử dụng kết quả này để đầu tư các nhà xưởng để phạm nhân lao động, tổ chức chọn lọc nghề để truyền dạy cho phạm nhân, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.

Bên cạnh đó, kết quả lao động được bổ sung vào bữa ăn, khen thưởng các phạm nhân có thành tích cải tạo tốt, động viên các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, đồng thời trích lại để tái hoà nhập cộng đồng, giúp phạm nhân sau khi ra trại có một chút vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Trung tướng Hồ Thanh Đình chia sẻ câu chuyện về tạo điều kiện cho phạm nhân lao động mà ông chính là “người trong cuộc”. Khi đó, ông đang là Giám thị Trại giam Thủ Đức – nơi giam giữ, cải tạo nhiều phạm nhân phạm tội về an ninh quốc gia. Trong số đó, có một phạm nhân thường xuyên “ốm đau”, khiếu kiện không yên tâm cải tạo, thậm chí tìm cách chống đối.

Chính vì vậy, Ban Giám thị đã tìm biện pháp giáo dục, đồng thời tạo điều kiện để phạm nhân lao động, trồng cây. Theo đó, Trại đã “khoanh” cho phạm nhân này một khoảnh đất hơn chục m2 ngay gần phòng giam để phạm nhân này trồng cây. Theo đó, hằng  ngày, anh này cuốc xới, trồng hoa và cây ăn quả.

Thu hoạch quả đu đủ chín đầu tiên, anh ta đã tặng con gái khi con vào thăm và xúc động nói rằng “đây là thành quả lao động của bố. Cả đời bố làm nhiều việc sai trái, ở đây, được các thầy giúp đỡ, quan tâm, cho bố được làm việc, bố mới thấy hết được giá trị của lao động, của cuộc sống. Bố sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được về nhà”.

Từ đó, phạm nhân này đã tích cực cải tạo không còn khiếu kiện, chống đối  nữa. Khi thu hoạch được quả gì ngon, anh ta đều gửi biếu cán bộ để thể hiện tấm lòng của mình.

Từ những kinh nghiệm thực tế công tác của mình, Trung tướng Hồ Thanh Đình khẳng định rằng, muốn giáo dục con người, đặc biệt là người từng phạm tội chắc chắn phải qua lao động. "Sự tiến hoá của loài người cũng phải thông qua lao động. Từ lao động, con người biết suy nghĩ, tư duy, nhận thức và biết trân trọng giá trị của bản thân mình”.

Cùng quan điểm này, Đại tá Nguyễn Hữu Ấm, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến cho biết, ở Trại giam Hoàng Tiến đang chấp hành án, thì số lượng phạm nhân có độ tuổi 18-35 tuổi chiếm 60-70%.

Đây là một lực lượng lao động rất dồi dào, nếu chúng ta không tổ chức tốt việc dạy nghề và tổ chức lao động thì sẽ rất lãng phí cho xã hội và đồng thời cũng không để cho phạm nhân có bước đà tái hoà nhập cộng đồng, về với xã hội.

Vì vậy, trong thời gian qua, Trại giam Hoàng Tiến làm rất tốt công tác dạy nghề cho phạm nhân, hằng năm trại giam thuê các trường đại học, trường nghề đến dạy nghề, cấp chứng chỉ cho phạm nhân các nghề may, mộc, rèn, hàn và một số các nghề thủ công khác để khi anh em phạm nhân hết án về, có điều kiện để tái hoà nhập cộng đồng.

Phương Thuỷ
.
.
.