Thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua xác thực CCCD gắn chip
Sáng 19/5, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết: Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị chức năng tạo hệ sinh thái thanh toán số, thúc đẩy thanh toán dịch vụ công bằng giải pháp xác thực CCCD gắn chip. Đây chính là một trong những thành tựu quan trọng của việc thực hiện Đề án 06.
Đánh giá của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH cho thấy, hiện nay xu thế không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến và điều quan trọng các cơ quan chức năng phải cung cấp nền tảng và điều kiện để người dân thực hiện việc này. Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, trong thời gian qua, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phát triển những giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Trên cơ sở hỗ trợ, phối hợp của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, EPAY cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giao thông, cho phép người dùng thanh toán các chi phí bằng nhiều hình thức khác nhau như: Thanh toán thẻ qua máy POS, ví điện tử, QR code,… giúp minh bạch và đơn giản hóa việc thanh toán, giảm nhân lực tại các điểm chạm với khách hàng.
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, hệ sinh thái thanh toán số ứng dụng sinh trắc học/xác thực CCCD gắn chip và thanh toán không dùng tiền mặt của EPAY phối hợp với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an và các đơn vị đáp ứng nhu cầu thanh toán trải rộng trên nhiều lĩnh vực: ngân hàng, y tế, giao thông, hàng không,… tiến tới ứng dụng giải pháp định danh và xác thực điện tử khách hàng.
Giải pháp xác thực CCCD gắn chip do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư phối hợp với EPAY phát triển, cung cấp cho phép kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, truy vấn và đối chiếu thông tin của người dùng bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt và khả năng xác thực thông tin chuẩn xác. Việc áp dụng giải pháp xác thực CCCD gắn chip trong các dịch vụ thanh toán, làm thủ tục trong các lĩnh vực y tế, ngân hàng, giao thông, hàng không… mang đến trải nghiệm tiện lợi, nhanh chóng, và tính chuẩn xác cực kỳ cao khi thông tin được xác thực trên đa hệ thống.
Trong lĩnh vực hàng không, giải pháp định danh hành khách đi tàu bay Smart Check-in của EPAY là một trải nghiệm hoàn toàn mới đối với các thủ tục trước khi lên máy bay. Nếu trước đây mỗi hành khách cần ít nhất 15 phút để hoàn thành các thủ tục, thì giờ đây chỉ còn 6-8 giây cho mỗi điểm chạm. Với công nghệ sinh trắc học đáp ứng ISO 30107-3 về chống giả mạo sinh trắc khuôn mặt, cùng các thiết bị đạt các tiêu chuẩn của Hiệp hội vận tải hàng không Quốc tế - IATA, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO, Smart checkin không chỉ giúp giảm nhân lực và thời gian làm thủ tục, mà còn tăng cường hiệu quả các giải pháp an ninh sân bay, hỗ trợ đắc lực cho các nghiệp vụ chuyên ngành.
Cùng với đó, giải pháp Kiosk tự phục vụ mà EPAY cung cấp trong lĩnh vực Y tế, được ứng dụng giải pháp xác thực CCCD gắn chíp và tích hợp hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt vào các Kiosk, cho phép người dân hoàn thành mọi thao tác: đăng ký khám, đối chiếu CCCD gắn chip, đối chiếu thông tin bảo hiểm xã hội, đặt cọc và thanh toán viện phí trong một thiết bị, giúp hoàn thành mọi thủ tục trong vòng 15 – 30 giây cho mỗi lượt sử dụng. Điều này giúp cả đơn vị y tế và người dân thực hiện công việc hiệu quả, tiết kiệm thời gian và có những trải nghiệm tốt nhất.
Đại tá Vũ Văn Tấn cũng cho biết: Việc kết nối, đồng bộ thông tin giữa các hệ thống nghiệp vụ đặc thù mỗi ngành và hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để thực hiện dịch vụ một cách toàn trình cho người dân trong các dịch vụ công góp phần thúc đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ điện tử và nền kinh tế số.
Trong thời gian qua, Bộ Công an đã hoàn thành việc xây dựng, quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 104 triệu dữ liệu công dân Việt Nam đảm bảo nguyên tắc xuyên suốt “đúng - đủ - sạch - sống”; cấp trên 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử và đang tiếp tục phấn đấu hoàn thành việc cấp căn cước công dân cho toàn bộ công dân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (đã có 235 xã; 2 địa phương là Hà Nam, Hà Tĩnh hoàn thành 100% cấp căn cước công dân và 19 tỉnh đăng ký hoàn thành trước ngày 30-5-2023).
Các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ Bộ Công an đã hoàn thiện, các ngân hàng có thể nghiên cứu sử dụng. Với nền tảng dữ liệu dân cư đảm bảo "đúng - đủ - sạch - sống" và các dữ liệu làm giàu, Bộ Công an đã có “bản đồ số” cho phép thống kê, phân tích, dự báo các chỉ số dữ liệu như: mật độ, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, trình độ, quan hệ hôn nhân, thành phần gia đình... Đây là dữ liệu quan trọng mà ngành ngân hàng rất cần thiết để hoạch định chính sách kinh doanh, chiến lược đầu tư tài chính, tín dụng, mở rộng thị trường, marketing sản phẩm mà không tốn kém chi phí cho khảo sát, đánh giá thị trường.