Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Những người con của đồng bào Pa Cô

Chủ Nhật, 30/04/2023, 15:28

Với ý chí kiên cường, bất khuất, anh dũng đánh giặc lập chiến công hiển hách nên nhiều người con của dân tộc Pa Cô ở huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Sau ngày đất nước giải phóng, họ đã tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ để góp sức xây dựng quê hương đổi mới.

Một ngày đầu tháng Tư lịch sử, vượt qua nhiều đoạn đèo dốc, PV Báo CAND tìm đến thăm ông Hồ Vai – một người con ưu tú của đồng bào dân tộc Pa Cô ở thị trấn A Lưới, huyện A Lưới. Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông còn minh mẫn. Nhấp ngụm trà, ông chậm rãi kể, vào những năm đầu 1960, ông gia nhập vào bộ đội địa phương, sau đó được cấp trên bầu làm Xã đội trưởng xã Thượng Ninh (nay là xã Hồng Bắc, huyện A Lưới). Ông đã chỉ huy bộ đội địa phương đánh địch tại đồn A Lưới năm 1965, đánh đồn A So năm 1966 và thu thắng lợi lớn. Năm 1964, ông là một trong số những du kích người dân tộc thiểu số được mời dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trang 19 SĐB - Những người con của đồng bào Pa Cô -0
Anh hùng Hồ Vai (người thứ 4 từ trái sang) trong lần vinh dự được chụp ảnh lưu niệm cùng Bác Hồ.

Anh hùng Hồ Vai bồi hồi nhớ lại: “Trong những năm tháng đánh giặc, tôi vinh dự có 4 lần được gặp Bác Hồ. Nhớ nhất là vào thời điểm cuối năm 1967, tôi được gặp Bác lần cuối khi kết thúc lớp đào tạo chính trị viên tại Trường Sơn Tây. Tôi nhớ mãi lời răn dạy của Bác rằng: “Chiến trường miền Nam đang rất ác liệt, đồng bào và chiến sĩ ta đang còn phải hy sinh, gian khổ. Vì thế, khi cháu trở thành cán bộ cách mạng rồi thì phải làm gương để mọi người học tập, noi theo”. Nhớ lời Bác, sau hơn 3 năm ra Bắc học tập, năm 1968, tôi trở lại quê hương và tiếp tục bám địa bàn A Lưới để cùng đồng đội tiếp tục đánh giặc, lập nên nhiều chiến công, góp phần vào đại thắng Mùa xuân năm 1975”.

Một người con khác của đồng bào dân tộc Pa Cô được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND là bà Hồ Kan Lịch (SN 1943, ở thị trấn A Lưới, huyện A Lưới). Nhớ về những năm tháng chiến đấu đánh giặc gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, bà Kan Lịch kể, năm 14 tuổi bà nhận nhiệm vụ làm liên lạc cho cơ sở cách mạng ở xã Thượng Ninh để chuyển thư từ, công văn cho bộ đội địa phương. Năm 1961, bà tham gia vào đội du kích của xã. Được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy 7 du kích xã đánh đồn A Lưới, bà và các đồng đội đã anh dũng đánh thắng trận này.

Năm 1964, trước khí thế lớn mạnh của phong trào cách mạng, nhiều cánh quân địch đổ lên A Lưới đánh vào các điểm căn cứ, bà được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn 6 chị em du kích ra gần sân bay A Lưới để tập kích máy bay cất cánh từ sân bay này. Tại đây, bà đã bắn hạ một chiếc máy bay địch cách sân bay gần 2km, làm chết hàng chục tên lính và trở thành nữ du kích đầu tiên bắn rơi máy bay tại miền Tây tỉnh Thừa Thiên-Huế bằng súng trường. Tiếp đó, bà Kan Lịch lãnh đạo đội nữ du kích Hồng Bắc tổ chức đánh hàng chục trận lớn nhỏ tiêu diệt địch, thu giữ nhiều phương tiện, vũ khí. Năm 1968, bà vinh dự tham dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc và được ra Bắc gặp Bác Hồ.

Chỉ cho tôi xem tấm hình chụp chung với 4 anh hùng, dũng sĩ đến từ miền Nam trong một lần ra thăm Bác Hồ vào năm 1968 được treo trang trọng trên tường nhà, bà Kan Lịch cho hay: “Tôi vinh dự được ra Bắc gặp Bác Hồ 7 lần, được Bác mời ăn cơm tại Phủ Chủ tịch. Tại đây Bác đã căn dặn tôi cố gắng rèn luyện, nỗ lực học tập để xứng đáng với trọng trách được giao. Nhớ lời Bác dạy nên sau khi trở về, tôi đã truyền lại lời Bác cho đồng đội để cùng nhau cố gắng giết giặc, bảo vệ căn cứ cách mạng”.

Sau ngày đất nước thống nhất, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông Hồ Vai và bà Hồ Kan Lịch đã nỗ lực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con cái ăn học. Đặc biệt, hai anh hùng đã tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt huyết và giáo dục truyền thống cách mạng cho con cháu và thanh niên ở miền núi A Lưới. Trong đó, anh Hồ Đức Hạnh, con trai của Anh hùng Hồ Vai đã học tập gương cha mình để trở thành một cán bộ Công an góp sức bảo vệ bản làng và quê hương, được bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn A Lưới, Nam Đông tin yêu.

nhungnguoicon 2.jpg -0
Đoàn công tác Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương tặng quà Anh hùng LLVTND Hồ Kan Lịch. Ảnh chụp tháng 3/2023.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, những năm qua, nhờ công tác giáo dục truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước như ông Hồ Vai, bà Hồ Kan Lịch, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng và chính quyền đã động viên, cổ vũ đồng bào dân tộc thiểu số địa bàn huyện ra sức học tập, thi đua lua động sản xuất, chung tay xây dựng quê hương đổi mới. Nhờ thế nên tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện có nhiều khởi sắc, trật tự ATXH được đảm bảo, quốc phòng an ninh giữ vững.

Trong năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp toàn huyện đạt 549,6 tỷ đồng. Người dân đã chú trọng trồng rừng, đưa vào khai thác 2.080ha với sản lượng 147,7 nghìn tấn gỗ; khai thác 805,5ha cao su/tổng diện tích 1.160ha với năng suất bình quân 18,2 tạ mủ đông/ha/năm. Mở rộng và phát triển diện tích trồng cây sâm Bố Chính lên 5ha, mang lại giá trị kinh tế cao so với các loại cây trồng khác với doanh thu khoảng 300 triệu đồng/ha… Nhờ vậy nên thu nhập bình quân đầu người toàn địa bàn huyện A Lưới đạt 31 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 10,18%, đời sống của người dân có nhiều khởi sắc.

Đặc biệt, với sự dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên là người đồng bào dân tộc Pa Cô đã mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình nuôi cá tầm của anh Hồ Thanh Phương (ở thôn Đút 1, xã Hồng Kim). Đây là mô hình đầu tiên ở A Lưới vừa kết hợp nuôi cá tầm và làm du lịch cộng đồng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. “Hiện huyện đã và đang chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất, trong đó đã thực hiện các dự án như “xác lập, quản lý nhãn hiệu tập thể thịt bò vàng A Lưới”; “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận du lịch A Lưới cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch”; “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng mô hình phát triển đàn dê”; “Xác lập, quảng bá nhãn hiệu tập thể chuối già lùn A Lưới”… Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Anh Khoa
.
.