“rồng lửa” khiến Mỹ e ngại
- "Rồng lửa" S-400 đắt hàng sau khi Nga tham chiến ở Syria
- Lộ ảnh vệ tinh Nga mang thêm “rồng lửa” S-400 tới trấn giữ bầu trời Syria
Nhóm các nhà lập pháp Mỹ, do Thượng nghị sĩ Bob Menendez dẫn đầu, đã gửi thư tới Bộ Ngoại giao nước này đề xuất trừng phạt Nga dựa trên Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) nếu Moskva bán tổ hợp phòng không tầm xa S-400 cho nước ngoài.
"Chúng tôi đặt câu hỏi về thương vụ giữa Nga với một số quốc gia nhằm bán hệ thống tên lửa S-400. Liệu những thỏa thuận này có thể kích hoạt biện pháp trừng phạt theo CAATSA hay không. Trong mọi trường hợp, việc bán tên lửa S-400 là hợp đồng lớn, chúng tôi kỳ vọng nó sẽ nằm trong khuôn khổ đạo luật", Thượng nghị sĩ Menendez viết trong thư.
![]() |
Tổ hợp tên lửa S-400 là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do Phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz của Nga thiết kế. Đây là một phiên bản tên lửa thuộc họ tên lửa tầm cao S-300 và là hệ thống phòng không đa năng có tầm bắn xa nhất thế giới cho tới khi hệ thống S-500 ra đời.
Trong quá trình phát triển, S-400 được gọi bằng tên định danh là S-300PMU3, sau đổi thành S-400. Sự khác biệt giữa S-400 với các phiên bản S-300 trước chủ yếu là những cải tiến sâu hơn về các thiết bị điện tử cùng với việc triển khai thêm 4 loại tên lửa mới cho hệ thống, giúp người sử dụng có thể tùy chỉnh các tên lửa mang theo nhằm tăng khả năng tác chiến chống lại các thể loại mục tiêu nhất định. Phạm vi hoạt động của các loại tên lửa S-400 là 40-120 km với tên lửa 9M96, 250 km với tên lửa 48N6 và 400 km với tên lửa 40N6.
S-400 có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600 km và cao 40-50 km, có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu. Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực sự S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27 km cũng như các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5-10 m - đây là điều mà không một hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất cứ quốc gia nào có thể thực hiện được. S-400 có thể tiêu diệt khí cụ bay của đối phương trong khoảng cách 400 km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km.
So với hệ thống đối thủ MIM-104 Patriot PAC-3 của Mỹ, S-400 vượt trội về mọi thông số: thời gian triển khai chiến đấu nhanh hơn (5 phút so với 30 phút), tầm bắn xa hơn (400 km so với 240 km), số mục tiêu có thể theo dõi cao hơn (300 so với 100), cự ly phát hiện mục tiêu lớn hơn (600 km so với 350 km) cũng như có thể đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn (4,8 km/giây so với 2 km/giây).
![]() |
Rất nhiều quốc gia muốn sở hữu hệ thống này như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Ảrập Xêút, Ấn Độ, Iran.... Ngày 24-8-2009, Belarus đệ trình yêu cầu muốn mua S-400 từ Nga. Trong chương trình tên lửa chống máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ thì Istanbul tỏ ý muốn mua S-400 hơn đối thủ của nó là Patriot.
Năm 2011, Trung Quốc tỏ ý muốn mua S-400 và máy bay Sukhoi Su-35 của Nga nhưng bị từ chối vì từ trước đến nay nước này luôn sao chép công nghệ vũ khí mà Nga xuất khẩu cho. Hàn Quốc đang phát triển một phiên bản đơn giản của S-400 được gọi là M-SAM Cheolmae-2 với sự giúp đỡ của Almaz. Đây là một trong những động thái để đối phó với CHDCND Triều Tiên của Hàn Quốc.
Do việc không mua được S-400 nên Trung Quốc công bố đang phát triển một tổ hợp tên lửa mới mang tên HQ-19 (Hồng Kỳ 19), và tuyên bố HQ-19 có tính năng tương đương có khi còn tốt hơn phiên bản S-400 của Nga nhưng lại rẻ hơn rất nhiều. Người ta cho rằng đây là 1 phiên bản sao chép S-400 của Trung Quốc và đương nhiên sẽ không tốt bằng S-400.
Trước khi Bộ trưởng Nga Shoigu tuyên bố đang đàm phán cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho một số quốc gia ở Trung Đông và Đông Nam Á thì bên lề Triển lãm Hàng không vũ trụ MAKS 2017 ở Moskva, khi được hỏi nếu Việt Nam đề nghị mua tên lửa S-400, Nga có sẵn sàng đáp ứng, ông Victor Kladov, Giám đốc Quan hệ quốc tế của Tập đoàn Rostec (Nga), nói: "Phải khẳng định với các bạn một lần nữa, Rostec luôn sẵn sàng dành những vũ khí tốt nhất cho Việt Nam. Tên lửa S-400 ư? Các bạn cần là có".