Pakistan-Afghanistan: Bó tay trước khủng bố?

Thứ Bảy, 21/07/2018, 06:43
Dư luận thực sự bất an sau khi Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) cho biết, số dân thường Afghanistan thiệt mạng gia tăng tới mức đáng báo động.


Trong thông báo đưa ra hôm 15-7, UNAMA cho biết, 1.692 dân thường đã chết và hơn 3.430 người bị thương trong các cuộc xung đột và tấn công khủng bố xảy ra ở Afghanistan trong 6 tháng đầu năm 2018.

Điều này cho thấy, dân thường tiếp tục là nạn nhân chính trong các vụ bạo lực xảy ra ở Afghanistan. Theo báo cáo của UNAMA, Taliban và các nhóm vũ trang khác là thủ phạm gây thương vong cho 67% dân thường.

Cũng theo thống kê của Liên hợp quốc, từ tháng 1-2009, hơn 26.500 dân thường ở Afghanistan đã chết và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này.

Những người bị thương trong vụ đánh bom ngày 13-7 ở Balochistan được đưa về bệnh viện thành phố Quetta.

Cùng ngày 15-7, hãng TASS dẫn lời phái viên đặc biệt của Nga về Afghanistan và Vụ trưởng Vụ châu Á 2 thuộc Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov cho biết, phiến quân Taliban hiện diện ở hầu hết các tỉnh và kiểm soát hơn một nửa lãnh thổ Afghanistan. Ông Zamir Kabulov còn tiết lộ, các tay súng IS đang hoạt động tại 9/34 tỉnh ở Afghanistan.

Thông báo của UNAMA và tiết lộ của ông Zamir Kabulov diễn ra đúng thời điểm xảy ra vụ đánh bom liều chết ngay trước trụ sở Bộ Phát triển nông thôn Afghanistan ở thủ đô Kabul, khiến ít nhất 7 người chết và 15 người bị thương hôm 15-7. Hiện chưa có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công này.

Theo người phát ngôn cảnh sát Kabul, kẻ tấn công đã kích hoạt kíp nổ ngay trước trụ sở Bộ Phát triển nông thôn và nạn nhân đều là nhân viên của bộ này cùng dân thường.

Đây là lần thứ 2 trong hơn 1 tháng qua xảy ra đánh bom liều chết trong khu vực Bộ Phát triển nông thôn. Trước đó (11-6), IS nhận gây ra vụ tấn công trong khi các nhân viên của Bộ Phát triển nông thôn đang chờ xe buýt về nhà, khiến ít nhất 13 người chết và 31 người bị thương.

Gần 10 ngày trước (11-7), các tay súng không rõ danh tính đã tấn công vào văn phòng Sở Giáo dục thành phố Jalalabad, thủ phủ của tỉnh Nangardar, miền Đông Afghanistan, khiến ít nhất 11 người chết và 10 người bị thương. Vụ tấn công xảy ra đúng 1 tháng sau vụ đánh bom liều chết cũng tại văn phòng của Sở Giáo dục thành phố Jalalabad. Khi đó, kẻ đánh bom liều chết đã kích nổ ngay tại lối ra vào của tòa nhà, khiến ít nhất 10 người bị thương.

Trước đó (10-7), hãng AP dẫn lời ông Attahullah Khogyani, người phát ngôn của tỉnh trưởng tỉnh Nangarhar cho biết, có ít nhất 10 người chết (2 nhân viên tình báo và 8 dân thường) và 4 người bị thương trong vụ tấn công liều chết hôm 10-7 ở thành phố Jalalabad.

Theo ông Attahullah Khogyani, kẻ đánh bom đã nhắm vào nhân viên tình báo và việc này diễn ra sau khi các tay súng Taliban tấn công các chốt cảnh sát ở huyện Bala Buluk, tỉnh Farah, chiều 9-7, khiến 3 cảnh sát tử vong và 4 cảnh sát bị thương.

Cùng ngày 9-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du không báo trước tới Afghanistan và có các cuộc gặp với các quan chức cấp cao, trong đó có Tổng thống Ashraf Ghani. Và tuyên bố, Mỹ ủng hộ những nỗ lực của Tổng thống Ashraf Ghani trong việc nối lại các cuộc thương lượng hòa bình với Taliban.

Về phần mình, ngày 15-7, giới chức Pakistan cho biết, số người chết trong vụ đánh bom tự sát hôm 13-7 tại tỉnh Baluchistan, đã lên tới 149 người (và khoảng 150 người bị thương) và đây là vụ tấn công có số người thiệt mạng lớn thứ 2 trong lịch sử Pakistan.

Vụ tấn công xảy ra khi sát thủ kích hoạt khối thuốc nổ đúng thời điểm ứng cử viên tranh cử vào Quốc hội Siraj Raisani đang phát biển trước đám đông người ủng hộ tại huyện Mastung khiến ông này và nhiều người khác thiệt mạng. IS thừa nhận tiến hành vụ tấn công này. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên án vụ tấn công tại Pakistan.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên án vụ tấn công khủng bố nhằm vào các ứng cử viên tranh cử vào Quốc hội và Thủ tướng, cũng như dân thường. Trước đó (10-7), vụ đánh bom liều chết tại thành phố Peshawar đã khiến ít nhất 12 người chết, gần 50 người bị thương và việc này nhằm vào cuộc họp của đảng quốc gia Awami-ANP nổi tiếng với lập trường chống Taliban.

Theo giới truyền thông, quân đội Pakistan sẽ triển khai gần 371.400 binh sĩ (gần gấp 3 lần số lượng huy động năm 2013) trong ngày bầu cử diễn ra hôm 25-7.

Điểm đáng quan tâm là những vụ tấn công khủng bố kể trên diễn ra trong bối cảnh cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif vừa kháng cáo sau khi bị bắt hôm 13-7 (lúc mới từ Anh về nước) và đang bị giam tại nhà tù Adiyala, thành phố Rawalpindi bởi ông bị kết tội tham nhũng và bị kết án 10 năm tù hôm 6-7. Ngày 16-7, nhóm luật sư của ông Nawaz Sharif đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa Thượng thẩm Islamabad yêu cầu bãi bỏ mọi tội danh và tha bổng cho cựu Thủ tướng.

Khắc Tuấn
.
.
.