Indonesia: Xây nhà tù đặc biệt giam giữ khủng bố

Thứ Năm, 28/06/2018, 17:21
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang hối thúc việc xây dựng các nhà giam đặc biệt để giam giữ các tù nhân là tội phạm khủng bố.

Nhà tù đầu tiên kiểu này dưới tên gọi Nusakambangan sẽ được khánh thành tại thành phố Cilacap thuộc tỉnh Trung Java. Hãng tin Reuters cho biết, thông tin về những nhà tù đặc biệt này lần đầu tiên được Tổng thống Indonesia Joko Widodo hé lộ vào cuối tháng 5. 

Theo đó, trong khoảng 3-4 tháng, Indonesia sẽ hoàn tất nhà tù đầu tiên là Nusakambagngan với khoảng 500 phòng giam đặc biệt dành riêng cho tội phạm khủng bố. 

Nói rõ hơn về nhà tù này, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Indonesia, Tướng Tito Karrnavian cho biết, đây là hướng đi mới của Indonesia trong việc chống lại khủng bố, nhất là sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố vừa qua. 

Tướng Tito Karrnavian cũng thừa nhận rằng, chính nhà tù là nơi gây mầm khủng bố bởi lẽ những thành viên hoặc trùm khủng bố khi bị bắt, được nhốt chung với các tù nhân khác đã gieo rắc tư tưởng khủng bố vào người khác. 

Chẳng hạn như Muhammad Jibriel Abdul Rahman, trong khi chấp hành án tù vì tài trợ các hoạt động khủng bố, hắn còn thường được nghe những bài thuyết giảng cực đoan của giáo sĩ đạo Hồi Aman Abdurrahman cùng bị giam tại nhà tù Cipinang ở phía Đông thủ đô Jakarta của Indonesia. 

Kết quả là hai tên này đã tập hợp được một nhóm 20 tù nhân giúp chúng truyền bá tư tưởng cực đoan và ủng hộ khủng bố. Hoạt động của chúng kéo dài vài tháng thì mới bị phát hiện…

Theo báo cáo do Viện Phân tích chính sách về xung đột (IPAC) có trụ sở ở Jakarta thì việc tù nhân khủng bố có thể chiêu mộ luôn thành viên mới cho tổ chức của mình là vì trong tù, một giám thị quản lý tới 55 tù nhân nên không thể kiểm soát nổi các hoạt động này. 

"Chính những vấn đề thuộc về cơ cấu nói trên đã biến các nhà tù Indonesia thành "vườn ươm" khủng bố. Nếu không được giải quyết sớm, chúng sẽ tiếp tục làm thất bại các nỗ lực phi cực đoan hóa và cải tạo của chính quyền", báo cáo của IPAC nhấn mạnh. 

Chưa hết, thống kê của IPAC được gửi lên chính phủ Indonesia còn cho thấy, trong hơn 1 năm qua, ít nhất 18 tội phạm khủng bố đang bị giam giữ tại nhà can dự gián tiếp vào những vụ khủng bố ở Indonesia và thủ phạm thực hiện phần lớn là những tù nhân đã được trả tự do nhưng bị cực đoan hóa trong tù.

Nhà tù Nusakambangan trước khi được xây dựng mới thành nơi biệt giam tội phạm khủng bố.

Còn về việc lựa chọn nhà tù Nusakambagngan để cải tạo làm nơi chuyên giam giữ tù nhân khủng bố, Tướng Tito Karrnavian tiết lộ rằng nơi đây từng giam giữ Abu Bakar Bashir, thủ lĩnh tinh thần của mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiah và Abdurrahman - kẻ tham gia nhiều vụ tấn công khủng bố ở Indonesia. 

Việc không có phòng giam cách ly hai phần tử này là nguyên nhân khiến các phạm nhân khác có thể sẽ bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan từ những kẻ khủng bố trong quá trình bị giam giữ chung. Và khi tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội, lực lượng cảnh sát Indonesia đã nêu ví dụ cụ thể về một loạt trường hợp như vậy. 

Nghị sĩ Arteria Dahlan thuộc Ủy ban Luật pháp của Hạ viện Indonesia khẳng định, trước mắt, Indonesia sẽ khánh thành nhà tù mới Nusakambagngan vào tháng 8 rồi tiếp đó xây thêm các khu biệt giam tương tự tại tỉnh Tây Java.

Song song với đó, Chính phủ và Quốc hội Indonesia cũng đã đẩy nhanh quá trình thông qua dự thảo và ban hành luật chống khủng bố mới; tăng thêm quyền lực cho cảnh sát để thực hiện các hành động ngăn chặn đối với những nghi phạm khủng bố. 

Từ nay, cảnh sát Indonesia được phép giam giữ các đối tượng tình nghi khủng bố trong 21 ngày, lâu hơn so với 7 ngày được quy định trước đó. Đồng thời, cảnh sát cũng có thể buộc tội những đối tượng gia nhập hoặc tuyển mộ người cho tổ chức "khủng bố" ở trong hoặc ngoài nước. 

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát Indonesia cũng sẽ, thành lập Cơ quan chỉ huy chiến dịch đặc biệt của quân đội Indonesia tham gia chống khủng bố (Koopsusgab). Koopsusgab sẽ bao gồm lực lượng đặc biệt của Lục quân (Kopassus) với đơn vị 81, Hải quân Jalamangkara và đơn vị Không quân Bravo 90. Hiện hoạt động chống khủng bố ở Indonesia bao gồm 75% là các hoạt động tình báo, 5% là các hoạt động bề nổi và 20% là quá trình tư pháp.

Được biết, Indonesia không phải là quốc gia duy nhất tính đến chuyện tách riêng nhà giam giữ tội phạm khủng bố. Hồi tháng 6 năm ngoái, Thủ hiến bang New South Wales của Australia cũng đã tuyên bố xây dựng nhà tù đầu tiên nhằm cách ly các phần tử khủng bố và ngăn chặn việc tuyên truyền tư tưởng cực đoan thông qua hệ thống nhà tù. 

Khi đó, Thủ hiến bang Gladys Berejiklian còn khẳng định nhà tù đó sẽ được đặt dưới sự giám sát an ninh ở mức cao nhất và có thể giam giữ gần 60 tù nhân. Kế hoạch mà bang New South Wales đưa ra sẽ được tiến hành trong 3 năm với tổng kinh phí là 47 triệu USD.

Linh Oanh
.
.
.