Vụ xả súng kinh hoàng tại trường học và nhức nhối vấn đề kiểm soát súng trong xã hội Mỹ
- Mỹ: Xả súng tại lễ hội nhiều người thương vong
- Hung thủ vụ xả súng Oregon tự sát chứ không phải bị tiêu diệt
- Tổng thống Mỹ lên án vụ xả súng ở Oregon
- Thêm 2 vụ xả súng mới ở Mỹ
Vụ xả súng kinh hoàng
Bill Fugate, phát ngôn viên của cảnh sát bang Oregon cho biết, khoảng 10h sáng 1/10, một vụ xả súng nổ ra tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Umpqua. Theo CNN, vụ xả súng khiến 10 người thiệt mạng và khoảng 10 người khác bị thương.
Cảnh sát cho biết, kẻ tấn công là nam giới. Y có tên là Chris Harper Mercer và đã chết sau khi đối đầu với cảnh sát tại hiện trường. Ban đầu, y nổ súng ở một tòa nhà, sau đó di chuyển vào khu nhà khoa học của trường. Những người chết và bị thương được tìm thấy tại ít nhất hai lớp học. Tuổi thật của y là 26 tuổi chứ không phải 20 như một số thông báo trước đó của chính quyền. Các quan chức khẳng định, Mercer không phải là sinh viên của Trường Umpqua.
Các điều tra viên cho hay, cuộc gọi 911 đầu tiên về vụ tấn công hôm 1/10 là vào lúc 10h38 sáng. 6 phút sau, hai cảnh sát Roseburg và một lính thiết giáp đến hiện trường. Khoảng 10h46 hai bên đấu súng. Hai phút sau, có thông báo "nghi phạm bị hạ gục". Hơn 100 cảnh sát đã được huy động trong vụ trấn áp này. Tại hiện trường vụ nổ súng, cảnh sát thu được một số vỏ đạn, ba khẩu súng ngắn và một khẩu súng trường của nghi phạm.
"Sau khi vô hiệu hóa tay súng, chúng tôi tiếp tục rà soát khắp khuôn viên trường để điều tra liệu anh ta có đồng lõa hay không", John Hanlin, Cảnh sát trưởng hạt Douglas, nói tại cuộc họp báo.
Mercer từng phục vụ trong Quân đội Mỹ từ tháng 11 đến tháng 12/2008 tại Fort Jackson, South Carolina. Tuy nhiên, theo Lầu Năm Góc thì anh ta bị đuổi vì "không đáp ứng được các tiêu chuẩn hành chính tối thiểu". Tên này đã từng theo học Trường El Camino ở Torrance, California từ 2010 đến 2012, phát ngôn viên của trường cho hay.
Các nhân viên điều tra cũng đang theo dõi những bài viết trên một blog được đăng tải bởi một người có email liên quan đến Mercer. Nội dung chủ yếu bày tỏ sự tức giận về việc người này bị cô lập và không thể tạo dựng mối liên hệ với mọi người xung quanh. Gia đình thủ phạm tiết lộ Mercer từng gặp các vấn đề về tâm thần và phải điều trị.
Ông Ian Mercer, cha của Mercer nói ông bị suy sụp khi nghe tin con trai mình là kẻ giết người. Ông cũng chia sẻ nỗi mất mát với gia đình các nạn nhân thiệt mạng. Mercer sống với mẹ và ông không gặp con từ khi ông chuyển đi hai năm trước. Hai cha con từng có mối quan hệ thân tình nhưng ông không hề biết Mercer có súng.
Các nhà điều tra cũng đang tìm hiểu thông tin do nghi phạm đăng trên mạng xã hội. Bài đăng mới nhất vào ngày 30/9. "Khi y cho biết đang muốn thực hiện một vụ xả súng, một số người phản đối, một số khác thậm chí còn chỉ vẽ và giúp lên kế hoạch", một nguồn tin điều tra nói với CNN. Trang cá nhân này còn có bài về hai vụ án gần đây, một là của Vester Flanagan, kẻ giết hại các phóng viên địa phương ở Virginia và một vụ sát hại sĩ quan gần Houston.
Cảnh sát tìm thấy 14 khẩu súng, đạn và tạp chí về đạn dược có liên quan đến Mercer cả ở trường và ở căn hộ của anh ta. Tất cả đều thuộc sở hữu hợp pháp của Mercer và thành viên trong gia đình. Các điều tra viên không tìm thấy mối liên hệ của kẻ xả súng với bất kỳ tổ chức xã hội đen nào.
Kortney Moore, 18 tuổi, sinh viên Trường Umpqua kể rằng cô đang ở trong lớp học thì một phát súng xuyên qua cửa sổ trúng vào đầu của giáo viên. Hung thủ yêu cầu mọi người nằm xuống sàn, sau đó lại bảo họ đứng dậy và khai báo tôn giáo của họ trước khi y bắt đầu xả súng. Sinh viên Cassandra Welding và các bạn đang theo dõi bài giảng khi vụ xả súng xảy ra. Tất cả các sinh viên đều nằm xuống sàn. Họ nép vào nhau sau các balô và ghế, dưới gầm bàn.
"Chúng tôi nghe thấy nhiều tiếng nổ, giống như tiếng bong bóng nổ. Khi đó, tôi và các bạn linh tính chuyện không hay đang xảy ra. Chúng tôi khóa tất cả cánh cửa, tắt đèn và ngồi trốn xuống bàn, mọi người đều rất sợ hãi", Welding kể. "Chúng tôi gọi 911 và gọi cho cha mẹ, người thân. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, liệu đây có phải là những lời cuối cùng của mình hay không".
Trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 1/10, Tổng thống Barack Obama đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân. "Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng tôi sẽ không phải lặp lại hành động này trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Nhưng với kinh nghiệm là một tổng thống, tôi không thể bảo đảm điều đó", ông nói. ABC cho biết, Tổng thống Mỹ lên án những vụ xả súng đã trở nên "thường lệ" ở Mỹ. Ông chỉ trích những phe kiên quyết phản đối việc thắt chặt luật mua bán và sở hữu súng.
Bà Hillary Clinton, một trong những ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ, cũng lên án vụ xả súng và cho rằng những thảm kịch thế này "đang lặp đi lặp lại". "Chúng ta phải xây dựng ý chí chính trị để sử dụng mọi biện pháp nhằm bảo vệ an toàn cho người dân. Tôi tin rằng có rất nhiều cách kiểm soát súng đạn để ngăn chặn bạo lực, tránh để vũ khí rơi vào tay những đối tượng nguy hiểm", bà Clinton nói.
Đây là vụ xả súng mới nhất sau hàng loạt vụ việc tương tự ở các trường đại học, rạp chiếu phim, căn cứ quân sự và nhà thờ của Mỹ những năm gần đây. Năm 2007, một sinh viên Đại học Công nghệ Virginia bắn chết 32 người và làm 25 người bị thương trước khi tự sát.
Vấn đề kiểm soát súng trong xã hội Mỹ
Sau mỗi vụ xả súng ở Mỹ, dư luận lại dấy lên những cuộc tranh cãi về vấn đề kiểm soát súng đạn nhưng những cuộc tranh cãi này nối tiếp nhau rơi vào quên lãng. Thực tế đang cho thấy, càng chậm trễ trong việc thông qua những cải cách đối với luật sở hữu súng đạn, nước Mỹ sẽ tiếp tục phải chứng kiến các vụ xả súng đẫm máu, với mức độ ngày càng nghiêm trọng và liều lĩnh hơn.
Vài giờ sau vụ xả súng tại Trường Cao đẳng Umpqua, Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu nhấn mạnh sự cấp thiết của việc kiểm soát súng. "Bằng cách nào mà điều này đang dần trở nên quen thuộc", ông Obama nói với gương mặt lộ rõ vẻ giận dữ.
"Tin tức về các vụ xả súng thường xuyên xuất hiện. Phản ứng của tôi tại đây, ở chiếc bục này, cũng quá quen thuộc. Chúng ta đang trở nên tê liệt trước nó". Đây là lần thứ 15 ông Obama phát biểu về một vụ bạo lực súng đạn kể từ khi lên nắm quyền ở Nhà Trắng vào năm 2009.
"Chúng ta có thể làm một điều gì đó (để thay đổi tình hình), nhưng chúng ta phải thay đổi luật pháp", ông Obama nhấn mạnh.
Có lẽ đó là nhiệm vụ bất khả thi đối với ông Obama. Tổng thống Mỹ cũng từng rất nhiều lần khẳng định một cách mạnh mẽ và quyết liệt như vậy, nhưng từ nhiều năm qua, chính quyền Washington liên tục thất bại trong việc thắt chặt kiểm soát súng đạn.
Phát biểu ngày 22/9 tại buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ xả súng ở căn cứ hải quân Washington, Tổng thống Obama đã có những nhận định cứng rắn về thực trạng sử dụng vũ khí hiện nay, đồng thời kêu gọi toàn thể người dân và các nhà lập pháp nước này nỗ lực tái khởi động dự luật kiểm soát vũ khí vốn bị chặn tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 5 vừa qua nhằm tránh tái diễn các vụ thảm sát khác.
Ông nhấn mạnh không một quốc gia với nền kinh tế phát triển và tiên tiến nào trên thế giới có thể chấp nhận thực tế này: tỷ lệ tội phạm tại Mỹ cao gấp 3 lần so với các nước phát triển khác như Anh và Australia, trong khi đó tỷ lệ tội phạm liên quan đến súng đạn gấp 10 lần so với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Từ khi ông Obama nhậm chức nhiệm kỳ 2 đến nay đã có 5 vụ xả súng xảy ra trên đất Mỹ. Cứ 3-4 tháng lại xảy ra một vụ xả súng khiến nhiều người bi quan mà cho rằng chuyện xả súng là "quen thuộc" và "không thể tránh khỏi" ở Mỹ.
Tuy nhiên, ông Obama cho rằng người dân Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận việc xả súng giết người là "không thể tránh khỏi". Ông Obama tiếp tục kêu gọi một cuộc cải cách về Luật kiểm soát súng ở Mỹ và khẳng định rằng "việc xả súng là hoàn toàn có thể tránh được".
Tổng thống Obama cho rằng chính nhận thức của mỗi người dân trong vấn đề sử dụng súng đạn sẽ giúp giảm những vụ thảm sát thương tâm và ngăn chặn vũ khí rơi vào tay đối tượng nguy hiểm. Theo ông, tình trạng bạo lực diễn ra thường xuyên cũng là do người dân có thể tiếp cận với súng đạn một cách dễ dàng.
Hồi đầu năm nay, Tổng thống Obama cũng đã ban hành 23 sắc lệnh nhằm hạn chế tình trạng bạo lực liên quan đến súng đạn nhưng việc thực thi nó đầy đủ và nghiêm ngặt lại không hề dễ dàng khi xã hội Mỹ còn thiếu những nhà lãnh đạo sẵn sàng cải cách và sự chống đối từ nhóm chính trị gia có lợi ích liên quan đến hiệp hội súng đạn, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới chính khách Mỹ. Và lần này cũng thế khi mà tại Quốc hội, mọi chuyện dường như vẫn không có gì thay đổi và những người ủng hộ dự luật cải cách cũng không hề che giấu sự bi quan.
Theo Thượng nghị sĩ Harry Reid, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, ông muốn dự thảo luật kiểm soát súng đạn được thông qua trong thời gian sớm nhất có thể, song lại không có đủ số phiếu cần thiết.
Tại sao nước Mỹ không thể kiểm soát súng đạn dù những vụ xả súng liên tiếp xảy ra?
Đầu tiên, cần phải thấy rằng súng là một phần cơ bản của nền văn hóa và di sản chính trị truyền thống của nước Mỹ từ thuở sơ khai. Những khẩu súng đã gắn liền với lịch sử nước Mỹ. Những người châu Âu đầu tiên đặt chân tới vùng đất mới để khai hoang, lập nên nước Mỹ ngày nay đã sử dụng những khẩu súng như vật bất ly thân để tự vệ, chống lại thú dữ và xây dựng nên những vùng đất đai trù phú đặt dưới sự thống trị của thực dân Anh.
Để bảo vệ thành quả khai hoang, những người Mỹ đầu tiên đã lập nên những nhóm quân dân có vũ trang. Khi thực dân Anh muốn tước quyền sử dụng súng của những người này, họ đã không nộp, đồng thời kêu gọi tiến hành chiến tranh độc lập với Anh và giành thắng lợi. Từ chính án thứ hai trong hiến pháp Mỹ quy định quyền được sở hữu vũ khí. Như vậy, quyền sở hữu súng được xem là quyền cơ bản của công dân Mỹ. Vì vậy, nền văn hóa súng đạn Mỹ phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều người Mỹ yêu thích súng đạn và tự hào với việc mình sở hữu súng đạn.
Không thể phủ nhận, súng đã từng là một phần của lịch sử nước Mỹ, đất nước của những người nhập cư, khai hoang những vùng đất mới. Nhưng tình hình đã thay đổi rất nhiều trong hơn 200 năm qua. Quyền sở hữu súng đạn đã và đang đi cùng tội ác, những vụ thảm sát, chết chóc, nỗi sợ hãi, hoang mang và nhiều di chứng khác nữa. Thực tế đang cho thấy, càng chậm trễ trong việc thông qua những cải cách đối với luật sở hữu súng đạn, nước Mỹ sẽ tiếp tục phải chứng kiến các vụ xả súng đẫm máu, với mức độ ngày càng nghiêm trọng và liều lĩnh hơn.
Với 310 triệu khẩu súng đang lưu hành trên thị trường, Mỹ là một trong những quốc gia sử dụng vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố ngày 12/3 đối với hơn 1.500 người, có 24% trong số những người được hỏi cho biết họ sở hữu một khẩu súng và 48% trong số đó cho rằng họ chủ yếu trang bị vũ khí để tự vệ, so với 32% những người sử hữu súng cho rằng họ sử dụng để thỏa mãn thú vui săn bắn.
Kết quả khảo sát này đã đi ngược lại so với kết quả khảo sát tại thời điểm năm 1999 khi mà 49% số người được hỏi cho rằng họ chỉ sở hữu 1 khẩu súng để đi săn trong khi 26% cho rằng họ trang bị súng là để tự vệ. Huffington Post dẫn khảo sát của chính phủ Mỹ cho hay, năm 2012 khoảng 34% hộ gia đình Mỹ có súng, tương đương hơn 100 triệu người Mỹ sở hữu súng. Mỹ chỉ chiếm 5% dân số thế giới, nhưng người Mỹ sở hữu tới 30-50% tổng số súng đạn cá nhân toàn cầu.
Do quá nhiều người Mỹ sở hữu súng, ngành công nghiệp súng đạn có ảnh hưởng chính trị vô cùng to lớn. Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA), đại diện ngành công nghiệp súng đạn, là một trong những tổ chức vận động hành lang hùng mạnh và giàu thế lực nhất nước Mỹ. Cứ sau mỗi vụ xả súng, NRA lại mở chiến dịch vận động ủng hộ súng đạn.
Phó Chủ tịch NRA Wayne LaPierre đã từng hùng hồn tuyên bố: "Thứ duy nhất để ngăn chặn một kẻ xấu có súng là một người tốt có súng". Sau đó, NRA mở chiến dịch vận động "Chặn đứng lệnh cấm súng" và kết quả là dự luật cấm súng trường có sức sát thương cao bị đánh bại ở Thượng viện Mỹ. NRA và các đồng minh cũng tổ chức nhiều chiến dịch vận động dữ dội để cản trở các bang ở Mỹ thông qua luật hạn chế súng đạn. NRA còn rất thành công trong việc tiêm nhiễm vào đầu người dân Mỹ về cái gọi là nguy cơ chính phủ liên bang đang âm mưu tước vũ khí của người dân để trở thành một nhà nước chuyên quyền, độc tài.
Theo USA Today thống kê cho thấy, cứ sau vụ xả súng và những lời kêu gọi kiểm soát súng đạn là doanh số bán súng ở Mỹ tăng vọt vì người dân sợ nguy cơ chính quyền cấm bán súng.
Kiểm soát súng đạn cũng còn bị xem là "vùng chết chính trị". Thông thường, đảng Cộng hòa ủng hộ sở hữu súng còn đảng Dân chủ tìm cách hạn chế. Nhưng nhiều chính trị gia Dân chủ cho rằng chính sách hạn chế súng đạn đã khiến các ứng cử viên đảng này thất bại trong các cuộc bầu cử ở các bang nông thôn như West Virginia, Missouri, Ohio, Arkansas, Colorado, Pennsylvania…
Họ cho rằng cựu Phó Tổng thống Al Gore thất bại ngay tại chính bang quê hương Tennessee khi tranh cử tổng thống hồi năm 2000 là do quan điểm phản đối súng đạn. Vì vậy, nhiều chính trị gia Dân chủ tránh né, không dám đụng đến vấn đề súng đạn vì sợ mất lá phiếu.
Với số súng đạn tràn ngập, chắc chắn sẽ còn nhiều vụ thảm sát xảy ra ở Mỹ. Nhưng kiểm soát súng đạn có lẽ sẽ là một bài toán khó giải đối với xã hội Mỹ.