Vụ hối lộ triệu đô để vào Đại học Harvard
Cú bắt tay triệu đô
Ông Jie "Jack" Zhao, 61 tuổi, đã "bắt tay" với huấn luyện viên lâu năm của trường Harvard Peter Brand trong suốt nhiều năm để kiếm được 2 suất học bổng môn đấu kiếm và từ đó giúp cả 2 con trai vào Harvard. Khoản hối lộ trị giá hơn 1,5 triệu USD bao gồm một ngôi nhà và một xe hơi dành cho ông Brand, đồng thời ông Zhao cũng đồng ý chi trả tiền học phí và trả khoản nợ sinh viên cho con trai của ông Brand. Zhao và Brand hiện đang bị buộc tội hối lộ cấp liên bang. Các công tố viên còn tiết lộ rằng Zhao và Brand có hai đồng phạm là hiệu trưởng một học viện đấu kiếm tại thành phố Virginia và lãnh đạo một quỹ từ thiện chuyên tài trợ các giải đấu.
Cựu huấn luyện viên đấu kiếm Peter Brand. |
Ông Bill Weinreb, luật sư của Zhao, khẳng định một cách đanh thép: "Các con của ông Zhao là những học sinh xuất sắc tại trường trung học, đã từng thi đấu tại nhiều giải đấu kiếm cấp quốc tế và đã đặt chân vào Harvard bằng chính sức lực của mình. Cả hai thậm chí còn đại diện cho Harvard thi đấu tại nhiều giải đấu uy tín suốt những năm đại học. Ông Zhao phủ nhận những cáo buộc này và sẽ nỗ lực bảo vệ bản thân trước toà". Luật sư của cựu huấn luyện viên Brand, ông Douglas S. Brook, tuyên bố trong email: "Hai học sinh là những ngôi sao cả về học tập lẫn thể thao. Huấn luyện viên Brand không làm gì sai và ông đang rất mong đợi sự thật được đưa ra trước toà".
Vụ bê bối này được đưa ra ánh sáng khi tờ Boston Globe cho đăng tải một bài phóng sự về vụ buôn bán nhà đất rất đáng ngờ giữa ông Brand và ông Zhao. Cựu huấn luyện viên này đã bán căn nhà ở Massachusetts của mình cho Zhao với giá gần 1 triệu USD, gấp đôi giá trị thực của ngôi nhà, vào tháng 5-2016. Một thanh tra nhà đất đã kiểm tra tình trạng ngôi nhà và đánh giá rằng nhà của Brand là "nhà cổ từ những năm 1960", "xuống cấp" và cái giá Zhao trả là "phi lý". Gần như ngay sau đó, con trai út của ông Zhao, lúc đó đang là học sinh cuối cấp trường trung học Albans ở thủ đô D.C Washington, đã được nhận vào trường Harvard và giành được suất thi đấu cho đội tuyển đấu kiếm của trường.
Zhao, giám đốc của một công ty viễn thông toàn cầu, trả lời tờ Boston Globe rằng ông mua lại nhà của ông Brand như một cách đầu tư và giúp đỡ vị cựu huấn luyện viên - người ông luôn coi là bạn. Vị doanh nhân này đã bán lại ngôi nhà với giá 665.000 USD và chịu lỗ 324.500 USD.
Trên thực tế, hai bên đã "hợp tác" từ năm 2012, đúng vào thời điểm hai vợ chồng huấn luyện viên đang phải chịu sức ép rất lớn về kinh tế. Trong một email, bà Brand đã viết cho chồng: "Chúng ta gần như không còn đồng nào trong tài khoản ngân hàng và vẫn còn hoá đơn phải chi trả. Anh không được phép rút tiền để tiêu vào bất cứ việc gì hết". Khi ông Brand rút tiền ở một cửa hàng tạp hoá, người vợ đã ngay lập tức nhắn tin bắt ông dừng lại: "Từ giờ đến thứ 6 chúng ta chỉ còn 100USD trong tài khoản và vẫn còn một số món phải chi trả". Trong một tin nhắn Brand gửi cho một huấn luyện đấu kiếm ở Virginia, ông thừa nhận rằng ông Zhao không cần phải quá nỗ lực và các con trai của ông cũng không cần phải quá giỏi môn đấu kiếm mà huấn luyện viên Brand cần được "đầu tư" để giúp đưa hai con trai ông Zhao vào Harvard. Con trai lớn của Zhao trên thực tế là một vận động viên trẻ có năng lực, và chính vì vậy vị huấn luyện viên giấu tên đề xuất rằng ông Zhao chỉ cần quyên góp cho đội tuyển đấu kiếm một khoản tiền là quá đủ, nhưng Brand đã từ chối vì cách làm đó không mang lại lợi ích cá nhân về mặt kinh tế cho bản thân.
Jie Zhao, người cha hối lộ cựu huấn luyện viên đấu kiếm Peter Brand ở Harvard để đưa con vào đại học. |
Vị huấn luyện viên hiện đang hợp tác với cơ quan điều tra để được miễn tội khai rằng Zhao đã "tặng" 1 triệu USD cho một quỹ từ thiện vào năm 2013, để sau đó món tiền này sẽ được chuyển đến một quỹ cá nhân do Brand đứng tên. Cũng vào năm 2013, một tổ chức từ thiện mang tên "Quỹ Đấu kiếm Quốc gia" có trụ sở tại Washington đã nhận hơn 1 triệu USD tiền tài trợ, quyên góp, quà tặng. Điều đáng nói là Chủ tịch và nhân viên duy nhất của quỹ từ thiện đã bị giải thể vào năm 2016 này chính là… Brand và vợ, Jacqueline Phillips.
Sau khi quỹ nhận được khoản tiền 1 triệu USD, con trai lớn của Zhao nhận được tin báo trúng tuyển từ hội đồng tuyển sinh Harvard. Brand đã chuyển tiếp lá thư cho vợ mình và huấn luyện viên của cậu bé để cùng chia vui. Ngoài ra Zhao còn trả tiền trực tiếp cho Brand.
Hội đồng xét tuyển của trường Harvard đích thân xem xét hồ sơ của từng thí sinh ứng tuyển dựa vào thành tích thể thao, và cả 40 thành viên sẽ cùng nhau quyết định xem học sinh có được nhận vào trường hay không. Ông Brand đã bị trường Harvard cho thôi việc vào tháng 7-2020 vì vi phạm các quy tắc tuyển sinh của trường. Con trai lớn của Zhao đã tốt nghiệp năm 2018, còn người con trai út hiện vẫn được thi đấu cho đội tuyển của Harvard.
Bản án nào cho những ông thầy bán điểm?
Công tố viên liên bang Andrew E. Lelling phát biểu sau khi đưa ra các tội danh dành cho Zhao và Brand: "Vụ án này chỉ là một phần trong chuỗi nỗ lực của chúng tôi nhằm chống lại nạn chạy điểm trong công tác tuyển sinh đại học. Hiện có hàng triệu thanh thiếu niên Mỹ đang nỗ lực để có cơ hội được vào đại học, và chúng tôi sẽ khiến sân chơi này của các em công bằng hết sức có thể".
Những vụ chạy điểm trắng trợn đang liên tục được phơi bày trong thời gian gần đây, và tất cả bắt đầu từ một email tưởng chừng đơn giản của cựu huấn luyện viên tennis trường Đại học Georgetown. Ông Gordon Ernst, vị huấn luyện viên danh tiếng đến mức từng có hân hạnh dạy tennis cho Michelle và Malia Obama, đã đề nghị được sử dụng "ba suất của tôi" trong email. 3 suất đó là 3 tấm vé vào thẳng đại học dành cho những học sinh với thành tích xuất sắc cả về học tập lẫn thể thao.
Trường Đại học Georgetown, cái nôi của rất nhiều đặc vụ FBI, nhận đến 20.000 hồ sơ dự tuyển mỗi năm. Trường sẽ từ chối khoảng 83% ứng cử viên và nhận khoảng 3.000 sinh viên. Huấn luyện viên Ernst có sức ảnh hưởng trực tiếp lên 6 suất, 3 suất dành cho nữ và 3 suất dành cho nam. Chính quyền liên bang khẳng định, ông Ernst đã bán rất nhiều tấm vé quý giá này. Theo điều tra, huấn luyện viên tiếng tăm đã đút túi 2,7 triệu USD tiền hối lộ từ Singer được dán nhãn "phí tư vấn". Đổi lại, ông ta đề cử 12 sinh viên vào Georgetown dưới dạng sinh viên chơi thể thao, cho dù không có một ai trong số đó chơi tennis. Vào ngày 19-8-2015, một học sinh đã gửi cho Ernst một danh sách toàn những thành tích tennis… giả để sau đó Ernst sẽ gửi cho hội đồng tuyển sinh. Chỉ 2 hôm sau, cả 3 tấm vé vào thẳng Georgetown đều đã có chủ, còn huấn luyện viên nhận được 700.000 USD.
Tuy nhiên, thành tích trồi sụt thất thường của đội tuyển tennis đã khiến trường Georgetown nghi ngờ Ernst. Trường đại học này nhanh chóng cử một số nhân viên tuyển trạch đi gặp mặt các thầy cô giáo hồi trung học của một số thành viên yếu nhất và dần dà, việc "đi đêm" của Ernst đã bại lộ. Tháng 6-2018, trường đã sa thải Ernst. Đầu tháng 9-2020, Ernst bị kết tội lừa đảo, nhận hối lộ, làm giả giấy tờ kê khai thuế và rửa tiền.
Ông trùm chạy điểm William "Rick" Singer. |
Vụ bê bối gây chấn động nước Mỹ năm vừa rồi còn tinh vi hơn cả thế. Một nhà tư vấn trú tại California tên William "Rick" Singer đã đưa ra hẳn 2 "gói" chạy vào đại học cho các bậc phụ huynh quyền thế và giàu có: gói thứ nhất trị giá từ 15.000 USD đến 75.000 USD sẽ giúp cho các học sinh có thể quay cóp thoải mái trong những bài thi chuẩn hoá cấp quốc gia như SAT hoặc CAT, còn gói thứ 2 trị giá 1 triệu USD có thể đưa thẳng các cậu ấm cô chiêu vào đại học. Các điều tra viên tiết lộ rằng với 1 triệu USD, Singer cùng các huấn luyện viên ở những ngôi trường hàng đầu thế giới như Standford, Yale, Georgetown… sẽ cùng thiết kế những thành tích thể thao cùng các lá thư giới thiệu giả nhưng rất có sức nặng, đặc biệt là với các trường đại học có truyền thống cạnh tranh thể thao. Sau khi vụ việc bị bại lộ, hơn 50 bị cáo đã bị truy tố, trong số đó có 33 phụ huynh - bao gồm những hai diễn viên truyền hình nổi tiếng Lori Laughlin và Felicity Huffman - cùng 9 cựu huấn luyện viên của các trường đại học Yale, Stanford, Wake Forest, Gerotown, California, Nam Calorina và Texas…
Singer đã nhận tội lừa đảo bên cạnh hàng loạt tội danh khác. Singer từng ba hoa đã giúp 761 học sinh bất tài vào đại học nguyện vọng 1, và điều này có nghĩa là vẫn còn nhiều hành vi phạm pháp của hắn chưa bị điều tra. Không sinh viên nào bị đuổi học hoặc kỉ luật, và cũng không có trường đại học nào phải hầu toà.